Nỗi nhớ về một vùng đất mù sương và heo hút giống như cái tên gọi của nó. Mù Cang Chải heo hút là thế, mờ sương là thế, nhưng liệu có mấy ai một lần đặt chân đến mà khi về có thể không quay lại? Mù Cang Chải cái tên để nhớ, chẳng bao giờ có thể quên.
Những nấc thang vàng miền sơn cước
Thật sự mà nói, khi chưa một lần đặt chân tới đây, với riêng tôi, ba tiếng Mù Cang Chải tạo cảm giác gì đó xa xôi và mù mờ lắm. Nó cứ chập chờn trong suy nghĩ không thể gọi thành tên. Trong trí tưởng tượng ngắn của tôi, mảnh đất ấy chắc còn nhiều nghèo khó lắm, cái xứ sở hoang vu ấy thì có gì để mà nói, có gì để mà phải bận tâm?
Nhưng rồi, khi đặt chân tới nơi đây, tôi không khỏi ngỡ ngàng sửng sốt. Mảnh đất tôi đang đứng không phải là một vùng đất đơn thuần xa xôi hẻo lánh, mà tôi thấy mình như đang được chạm vào vùng đất thần tiên với những bậc thang vàng mà tôi cảm tưởng bước nhẹ vào đó có thể chạm tới thiên đường. Mù Cang Chải hôm nay có thể không còn được vẻ nguyên sơ, tĩnh lặng như trước đây, nhưng nó vẫn đủ sức lôi kéo trái tim thành thị tìm về một chốn bình yên sau những ồn ào, tấp nập của phố thị.
Về Mù Cang Chải vào độ lúa chín lại càng khiến người ta không thể kìm lòng được trước vẻ đẹp, rực rỡ ngút ngàn tầm mắt của những bậc thang vàng nơi đây. Từ trung tâm thị trấn Mù Cang Chải đi các ngả La Pán Tẩn, Kim Nọi, Chế Pu Nha… đâu đâu cũng ngạt ngào hương lúa chín. Màu vàng trải đều khắp núi đồi , lẫn vào màu xanh của cây lá, nhuốm vàng đôi mắt của những du khách háo hức say mê.
Chẳng phải tự nhiên mà Mù Cang Chải chiếm lĩnh được cái vẻ đẹp hung vĩ ấy đâu, cũng chẳng phải do ông trời ưu ái mà đặt riêng cho Mù Cang Chải những phím đàn vàng như thế đâu. Không biết tự bao giờ, ruộng bậc thang đã trở thành đặc sản của vùng cao Tây Bắc, mà Mù Cang Chải là một điển hình kỳ diệu. Người Mông đã phải khéo léo chọn cho mình những quả đồi thấp, có diện tích rộng, độ dốc vừa phải, tận dụng được cả nước mưa và nước suối dẫn từ trên cao tràn xuống để khai khẩn ruộng bậc thang.
Ngày nối ngày, năm nối năm qua đi, ruộng bậc thang được mở rộng dần. Dưới đôi bàn tay tài hoa của đồng bào dân tộc H’ Mông nơi đây, núi đồi Mù Cang Chải như một bức tranh thủy mặc mỗi mùa đổ nước, đến mùa lúa chín lại thoắt biến thành một bức tranh dát vàng làm mê mẩn lòng người. Có lẽ chính vì thế mà ngày nay, bao du khách trong và ngoài nước đã không quản ngại đường xá xa xôi, vượt qua những cung đường đèo quanh co, dốc đứng, qua cả biển mây Khau Phạ để đến với Mù Cang Chải, chỉ mong một lần được tận mắt nhìn thấy những thảm vàng giữa vùng sơn cước.
Nhưng thật lòng mà nói, nếu như đến Mù Cang Chải chỉ để ngắm nhìn những những bậc thang vàng hay chỉ ghi chép những hình ảnh đẹp thì vẫn còn thiếu hụt nhiều lắm. Mù Cang Chải sẽ đẹp hơn, long lanh hơn khi có sự xuất hiện của những người nghệ nhân làm lên những cung đàn ấy.
Càng chiêm ngưỡng, chúng ta càng thấy được rõ sự tài hoa, cần cù siêng năng của những người dân tộc H'Mông nơi đây. Nhờ có sự chịu thương chịu khó của họ mà tạo nên được một kiệt tác của đất rừng Tây Bắc. Ruộng bậc thang có thể nói là món quà tinh thần đã gắn bó với người Mông Mù Cang Chải bao nhiêu đời nay.
Những "kiến trúc sư" chân đất
Cách làm ruộng bậc thang không đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ. Trước hết, người ta phải chọn được đất có độ dốc vừa phải và phải đảm bảo được nước tưới tiêu, nhất là lúc vừa mới khai hoang và bừa ruộng lần đầu. Trong quá trình khai hoang ruộng bậc thang, việc đầu tiên là phải phát các loại cây, cỏ rồi thu dọn sạch sẽ, sau đó phải ngắm cho thật kỹ xem đường đi của bờ ruộng như thế nào… rồi dùng cuốc để cuốc đất từ trên cao đắp phía thấp và san gạt cho bằng phẳng.
Riêng bờ ruộng phải cải tạo ngay từ khi san đất, sao cho bờ được hình thành từ nền đất vững chắc của núi đồi. Điều đáng khâm phục là trong quá trình khai hoang ruộng bậc thang, người dân vùng cao nơi đây không cần dùng dây, dùng thước mà họ chỉ dùng thị giác của mình để làm thước đo và làm rất chuẩn xác. Đây có thể là bí quyết và sức sáng tạo tài tình của đồng bào Mông ở Mù Cang Chải. Có thể nói, dưới bàn tay tài hoa của con người, trải qua hàng trăm năm, những thửa ruộng bậc thang không chỉ phản ánh một phương thức canh tác của đồng bào dân tộc Mông mà còn ẩn chứa nhiều thông tin về giá trị lịch sử, văn hóa. Sự cần cù lao động sản xuất của đồng bào Mông trên vùng cao Mù Cang Chải đã tạo ra những kiệt tác trên đỉnh đồi là những phím đàn vàng hùng vĩ.
Võ Việt - Vũ Ngọc
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhung-phim-dan-vang-tren-manh-dat-mu-cang-chai-a7282.html