Kinh nghiệm về xây dựng đội ngũ quan lại với phẩm chất hiền - tài trong cải cách hành chính của triều đại phong kiến thời Lê Sơ

Cuộc cải cách hành chính dưới triều đại Lê Sơ (1428-1527) do Vua Lê Thánh Tông thực hiện đã được nhiều học giả ở các lĩnh vực lịch sử, pháp luật, chính trị phân tích và làm rõ nội dung và giá trị của cuộc cải cách. Đây là một trong những kinh nghiệm để lại nhiều giá trị trong lịch sử phát triển nhà nước phong kiến Đại Việt, đồng thời là kinh nghiệm, gợi mở bài học cho Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân.

nlntv-thiet-trieu-nha-le-15494145222281421566143-1666062683.jpg

Hiền - Tài trong quan niệm cai trị của vua Lê Thánh Tông

Lê Thánh Tông là một trong những vị vua triều Lê Sơ ở ngôi lâu nhất và được xem là vị vua tài năng bậc nhất trong số các vị vua nước Việt. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá về ông: “Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được”. Vua Lê Thánh Tông đã xây dựng được một nhà nước quân chủ tập quyền phong kiến mạnh và thịnh trị; đồng thời ông sử dụng những biện pháp, cách làm, thể hiện quan điểm về xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền mạnh với vai trò, trách nhiệm, tiêu chuẩn của đội ngũ quan lại đối với thể chế mà ông xây dựng.    

Vua Lê Thánh Tông luôn nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ quan lại và chỉ đạo mọi nỗ lực xây dựng đội ngũ quan lại trong suốt thời gian làm vua của mình. Cũng giống như nhiều vị vua trước đó lấy Nho giáo làm cơ sở tư tưởng bình và trị thiên hạ, ông hiểu rằng: “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn”, “Một nước trị hay hay dở là do ở vua và quan giỏi hay dở...”(1). Điều đó được thể hiện ở những cố gắng không mệt mỏi của ông để xây dựng một triều đại phong kiến phát triển rực rỡ và điều hành đội ngũ quan lại thực sự trung thành và chuyên nghiệp.

Tiền đề cho các chính sách cụ thể về xây dựng đội ngũ quan lại dưới triều Lê Thánh Tông là tiêu chuẩn của quan lại, trong đó bao hàm cả quan niệm về trách nhiệm của người làm quan. Danh sĩ Thân Nhân Trung đã từng viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì khế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng Thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng”(2). Tháng 12/1463, nhân dụ các quan ở bộ Lại, vua Lê Thánh Tông nhắc lại ý đó: “Ta nghe Tư Mã Quang nói người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến hoạ loạn. Ta cùng các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm không lơi, các ngươi chớ có quên điều ấy”(3). Trong quan niệm của vua Lê Thánh Tông, quan lại phải đáp ứng được hai tiêu chuẩn: “hiền” và “tài” (đồng nghĩa với tư cách của người quân tử theo quan niệm của Nho giáo). Hai tiêu chuẩn này được vua Lê Thánh Tông cụ thể hóa thành những yêu cầu bắt buộc đối với người làm quan. 

Hiền là tiêu chuẩn về đạo đức của người làm quan được thể hiện trên ba phương diện: trung với vua (trách nhiệm trước vua); thương yêu và chăm lo đến quyền lợi của dân (trách nhiệm trước dân); có đạo đức công vụ trong sáng (trách nhiệm trong thực thi công vụ).

Quan niệm về tài, vua Lê Thánh Tông nhấn mạnh: “Sự nghiệp trị nước lớn lao của đế vương không gì cần kíp hơn nhân tài, điển chương chế độ đầy đủ của Nhà nước tất phải chờ ở bậc hậu thánh. Bởi vì trị nước mà không lấy nhân tài làm gốc, chế tác mà không dựa vào hậu thánh thì đều chỉ là cẩu thả tạm bợ mà thôi, sao có thể đạt tới chính trị phong hóa phồn vinh, văn vật điển chương đầy đủ”(4). Tài của người làm quan phải được biểu hiện ở khả năng giúp vua cai trị đất nước, nói cách khác là biểu hiện ở năng lực của người làm quan. Cụ thể, về trình độ học vấn, chủ yếu là trình độ thông hiểu văn, sử, kinh sách Nho giáo, được biểu hiện ở học vị; năng lực thực tế, biểu hiện qua hiệu quả cai trị. Mặc dù không phát biểu một cách rành mạch nhưng toàn bộ các chiếu, chỉ, sắc, dụ, lệnh do vua Lê Thánh Tông ban hành và các biện pháp cụ thể về khoa cử và khảo khóa đã toát lên quan niệm đó của nhà vua.

Hai tiêu chuẩn này được vua Lê Thánh Tông cụ thể hóa thành những yêu cầu bắt buộc đối với người làm quan, thể hiện được sự thông suốt nhất quán trong công cuộc cải cách hành chính thời Lê Sơ và trở thành những bài học kinh nghiệm của lịch sử cần được tiếp thu và học tập. 

Điều kiện, tiêu chuẩn để tuyển dụng, bổ nhiệm quan lại thời Lê Sơ

Quan lại phải trung thành với nhà vua

Quan lại là bề tôi của vua, là đội ngũ giúp vua cai trị đất nước, vì vậy trách nhiệm của quan lại là phải tôn thờ vua, trung thành với vua, tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh của vua. Vua Lê Thánh Tông từng nói: “Một nước trị hay hay dở là do ở vua và quan giỏi hay dở. Bởi vậy, về đường chính trị nho giáo lấy cái nghĩa làm quân thần làm trọng. Ở trong nhà thì con phải hiếu với cha mẹ, ở trong nước thì thần dân phải trung với vua”(5). Trong dụ Hiệu định quan chế (năm 1471), vua Lê Thánh Tông nói rõ hơn: “Kẻ làm bầy tôi giúp rập, cũng nên kính dữ phép thường, cố giúp vua trên, khiến noi công trước, tránh khỏi tội lỗi”. Ý chỉ của nhà vua còn được Hiển công đại phu Nguyễn Đôn Phục lĩnh ý khi viết văn bài tiến sĩ khoa Mậu Tuất (năm Hồng Đức thứ chín - 1478): “Ngày thường thì can gay nói thiệt tôn vua giúp dân, đến lúc nguy biến thì phải hy sinh thân mình vì nước quên nhà thấy nguy chịu chết, có như thế mới gọi là người hết đạo làm tôi, không thẹn với khoa danh”(6).

Khi xây dựng Bộ luật Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông dành nhiều điều trừng trị những hành vi vi phạm lòng trung quân: quan chức nào không đến dự ngày hội Minh thề (hội thề tận trung với vua) bị xử tội đồ hay tội lưu (Điều 170 Luật Hồng Đức); quan lại ở kinh đô hay địa phương mà mưu kết bè đảng thì bị tội lưu, mưu phản nghịch bị tội chém (Điều 103); viên quan nào nếu tỏ ra bất kính trong lời nói, tâu việc gì lầm phạm đến tên vua hay tên húy của vua thì bị phạt xuy, viết phạm vào tên húy thì bị phạt trượng; đặt tên chính hay tên tự phạm vào chữ húy thì bị tội lưu, tội tử (Điều 125); quan lại không tuân lệnh vua mà lệnh đó không quan trọng thì xử biếm hay đồ, nếu là việc quân khẩn cấp thì xử tội lưu hay tội chết (Điều 222). Tuy vậy, cũng nêu gương các vị vua sáng theo triết lý Nho giáo, Lê Thánh Tông thường cho phép các quan đại thần được tâu bày, can gián nhà vua trong khi thực thi chính sách trị nước. 

Quan lại phải thương yêu và chăm lo đến quyền lợi của dân 

Trong quan niệm của vua Lê Thánh Tông, quan lại là người giúp vua cai trị đất nước, điều đó có nghĩa là quan lại phải giúp vua cai trị dân, để dân được no đủ, không kêu ca oán thán, không tụ bè kết đảng quấy nhiễu làm hại đến đức sáng của vua và ảnh hưởng đến sự bền vững của vương triều. Vì vậy, vua Lê Thánh Tông coi việc quan lại có được lòng dân hay không là một tiêu chuẩn đạo đức quan trọng. Lệ khảo khóa do ông định ra với các tiêu chí xét thưởng phạt đối với quan lại là một ví dụ rất điển hình. Cụ thể, Vua yêu cầu quan lại của mình phải quan tâm đến dân, phải có trách nhiệm với dân, biểu hiện trên hai mặt: tôn trọng lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân; khuyến khích nông trang để đủ cơm áo cho dân. 

Quan lại phải có đạo đức trong sáng 

Lê Thánh Tông đặc biệt nhấn mạnh đạo đức của quan lại trong hoạt động công vụ. Nhà vua coi đạo đức của người làm quan là phải chuyên cần, tận tụy với công việc và phải trong sạch. Tại bản dụ Hiệu định quan chế, vua Lê Thánh Tông nói: “Bổng lộc đã không nhũng lạm, trách vụ có nơi gánh vác, khiến cho lớn nhỏ cùng tựa, cao thấp chế nhau, uy quyền không lạm, thế nước khó lay. Có phong cách giữ gìn đạo pháp thì không tội lỗi trái lễ phạm hình để noi thành chí tổ tông thần thánh của ta mà giữ việc trị an đến mãi vô cùng”; “Các quan trong ngoài đua nhau kiếm lợi là bởi quan có trách nhiệm tâu nói chưa có được người giỏi, hoặc lấy nhu nhơ làm tài, hoặc đả kích quá để tự hại. Làm quan mà tham nhũng thì dân ta oán”(7). Tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc được vua Lê Thánh Tông xem là tệ nạn, cần được tích cực ngăn chặn. Trong các cuộc thi Đình, đề thi do chính nhà vua ra, thường tập trung vào yêu cầu vạch ra tình trạng, nguyên nhân và biện pháp chống tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc. Điển hình là đề thi của vua Lê Thánh Tông và bài văn sách trả lời của Vũ Kiệt tại kỳ thi Đình khoa Nhâm Thìn (năm 1472), trong đó Vũ Kiệt đã vạch ra tệ nạn tham nhũng và được vua Lê Thánh Tông rất hưởng ứng: “Gần đây, quan lại trong khi làm việc công thì thường quan hệ tới quà cáp tết nhất; dùng của đút lót làm lễ vật hàng ngày; giầy dép áo quần diêm dúa; tiêu pha lãng phí; tệ tham nhũng tích tụ thành thói quen, điềm nhiên cho đó là việc thường”.

Trên thực tế, ngay từ khi mới lên ngôi và trong suốt cuộc đời làm vua, Lê Thánh Tông đã cho thi hành nhiều biện pháp để làm trong sạch đội ngũ quan lại. Ông là người đầu tiên tiếp thu và vận dụng luật Hồi tỵ, đưa vào các quy định của Bộ luật Hồng Đức và áp dụng nghiêm ngặt trong các kỳ thi hương, thi hội, thậm chí áp dụng cho cả đội ngũ chức viên ở cấp xã, nhằm tránh tình trạng móc ngoặc để tham ô, nhũng nhiễu, nể nang, né tránh... làm ảnh hưởng đến công việc triều đình.

Bên cạnh đó, nhà vua định rõ lệ luân chuyển quan lại và giám sát chặt chẽ công việc này. Với ý thức: “người làm quan có đầy đủ thì mới bắt làm điều thiện được”, nhà vua quy định cụ thể về bổng lộc và thưởng phạt đối với quan lại và đưa lương bổng trở thành một chế độ nhà nước từ đời Lê Sơ. Đặc biệt, để chống tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc trong quan trường, vua Lê Thánh Tông rất chú trọng sử dụng pháp luật. Ngoài những quy định của Bộ luật Hồng Đức, nhà vua cho ban hành nhiều sắc chỉ để trừng trị tệ nạn này. Ví dụ, tháng Một năm Ất Mùi (1475), định lệ cấm vơ vét xoay tiền, trong các việc xây dựng, sửa chữa, kẻ nào mượn cớ và vơ vét xoay tiền thì trị tội theo luật xoay tiền; tháng Hai năm Mậu Tuất (1478), sắc chỉ cho các địa phương xét quan lại trong hạt, người nào liêm khiết hay tham ô, chuyên cần hay lười biếng thì tâu lên để định việc thăng giáng; tháng Ba năm Tân Sửu (1481), ra lệnh cho quan chỉ huy các vệ, các phủ huyện châu, người nào “đục khoét quân lính, mọt hạt nhân dân, chỉ chăm lợi cho nhà mình, không nghĩ đến phép nước” thì các quan có trách nhiệm phải công bằng mà xét xử, tham khảo dư luận của mọi người; tháng Sáu năm Tân Sửu (1481), định lệnh yêu cầu các sở, các địa phương phải tra xét từ năm Quang Thuận thứ hai (1461) trở đi, những quan lại nào đã từng phạm tội hối lộ (cả nhận và đưa hối lộ) bị xử biếm chức và giáng chức; các tướng hiệu, quản ấp để thiếu thuế, thiếu ván thuyền, gỗ lạt, củi gạch hoặc vụng trộm bắt lính nộp tiền hay bắt lính về làm việc riêng cho mình... đến nỗi thiếu nhiều thứ phải nộp, giá trị từ 10 quan tiền trở lên thì bắt phải thôi việc để “triệt những quan tham nhũng cho bớt lộc”; tháng Tám năm Quý Mão (1483),  nhà vua ra lệnh ân xá cho các tù nhân, nhưng những người mắc tội tham nhũng, hối lộ cùng người mắc tội đại nghịch thì không được hưởng lệnh ân xá này; tháng Năm năm Giáp Thìn (1484), sắc chỉ cho các công sở, các địa phương có người nào liêm khiết hay tham nhũng đều phải kê khai rõ sự thực, hạn trong ba tháng phải làm bản tâu lên, giao cho Ngự sử đài thi hành khu xử “để tỏ rõ khách khuyên răn và nới sức cho quân dân”; tháng Tư năm Đinh Mùi (1487), quy định viên quan nào tham nhũng thì bãi chức và bắt đi sung quân ở Quảng Nam; tháng Một năm Tân Hợi (1491) nhà vua sai Đề hình, Giám sát Ngự sử kiểm xét quan lại ở bộ Hình, người nào mắc tật lười biếng, gian tham, phóng túng thì làm biểu tâu lên, theo luật mà trị.

Quan lại phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên nghiệp

Vua Lê Thánh Tông rất coi trọng học vấn của người làm quan. Theo dụ Hiệu định quan chế, khi được tuyển bổ làm quan phải là những người thi đỗ trong các kỳ thi hương, thi hội, thi đình. Kể cả quan lại địa phương cũng phải là những người đỗ đạt: “Phàm các lại viên có chân thi Hội đỗ Tam trường thì bổ làm chánh quan châu huyện và các chức kinh dịch, thủ lĩnh, phó sứ. Còn các lại viên không có chân thi Hội đỗ Tam trường thì chỉ bổ chức thủ lĩnh hoặc châu huyện”(8), thậm chí đến xã trưởng - tuy không phải là quan chức triều đình nhưng cũng phải lựa chọn trên cơ sở có học: “Phải xét những người biết chữ, có tài cán mới nên lưu lại để tiện cho việc xét đoán cáo trình các việc và tiện cho dân. Nếu không biết chữ thì cho nghỉ”(9). 

Như vậy, học vị được vua Lê Thánh Tông xác định là cơ sở để bổ nhiệm chức vụ. Tuy nhiên, học vị phải phản ánh đúng trình độ học vấn, do đó cần thiết phải tổ chức lại việc học hành thi cử. Để củng cố quan điểm đó, trong 37 năm trị vì, vua Lê Thánh Tông đề ra quy chế rõ ràng trong các kỳ thi hương, thi hội, thi đình, cùng với các biện pháp khuyến khích học hành và tăng cường chất lượng giáo dục. Theo đó, từ đời vua Lê Thánh Tông trở đi, kỳ thi hương được tổ chức hàng năm và mọi người (trừ những người phạm tội, hoặc làm nghề hát xướng) đều được tham gia; những người đỗ thi hương đều có quyền thi hội theo lệ do nhà vua đặt ra, được tổ chức 03 năm một lần ở triều đình; những người đỗ thi hội có quyền tham gia thi đình do nhà vua trực tiếp ra đề thi và làm chủ khảo. Vì vậy, nếu như trước đó chỉ có 07 kỳ thi các loại, chọn ra được 89 tiến sĩ, thì vào đời vua Lê Thánh Tông, qua 12 kỳ thi hội đã chọn được 501 tiến sĩ, trong đó có 10 trạng nguyên(10). 

Mặt khác, vua Lê Thánh Tông hết sức coi trọng năng lực thực tế của quan lại. Minh chứng là, ngoài hai hình thức tuyển dụng quan lại được sử dụng phổ biến từ trước (tiến cử và tập ấm) và hình thức khoa cử đã được mở rộng, dưới triều vua Lê Thánh Tông còn đặt ra lệ bảo cử bằng một đạo sắc vào năm Giáp Thìn (1484), trong đó quy định, các nha môn trong ngoài, nếu có chức nào khuyết thì có thể tìm người tài cán, học thức, thanh liêm, học giỏi để đề nghị Bộ Lại xét bổ vào chức đó, đồng thời xác định trách nhiệm của người bảo cử: “Người nào tiến cử người khác phải ghi rõ tài năng, kiến thức và sự thanh liêm, sau này nếu người đó mắc tội bỉ ổi, tham lam không làm được việc thì tâu lên để xét xử viên quan tiến cử đó”. Vua Lê Thánh Tông cũng nói rõ trong khi khuyên dụ các quan: “Nếu có khuyết chức Hiến sát thì dùng các quan ở khoa, đài, Quốc tử giám và 6 tự, liên minh từng trải, làm việc đủ 4 lần khảo khóa, được nhiều người khen để bổ...”(11). Song biểu hiện cụ thể nhất của việc coi trọng năng lực thực tế của quan lại chính là việc vua Lê Thánh Tông định rõ chế độ khảo công quan lại (hay khảo khóa) để căn cứ vào đó tiến hành khảo xét năng lực thực tế cũng như tính liêm khiết, mẫn cán của quan lại làm cơ sở để thưởng - phạt, thuyên chuyển, thăng giáng hay thải loại. 

Có thể nói, trong lịch sử phong kiến tập quyền ở Việt Nam, vua Lê Thánh Tông đã để lại một di sản kinh nghiệm quý báu cho việc sử dụng quan chức lấy tài và đức làm cơ sở, chúng ta có thể tiếp thu các giá trị tư tưởng của ông về vai trò, trách nhiệm, tiêu chuẩn của đội ngũ quan lại trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay. Trong đó, ông đặc biệt coi trọng hai tiêu chí thuộc về phẩm chất của người làm quan cần phải có, đó là hiền và tài. Để có được đội ngũ quan lại hiền và tài, vua Lê Thánh Tông đề ra nhiều biện pháp như, kêu gọi tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm; giáo dục bằng cách nêu gương; quy chế hóa chi tiết quyền hạn và trách nhiệm của quan lại gắn với trừng phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm; chuẩn hóa quy trình đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, sát hạch, kiểm tra, giám sát quan lại; chống tham nhũng, hối lộ, móc ngoặc một cách kiên quyết; xây dựng và áp dụng chế độ thưởng, phạt, lương bổng hợp lý... Đặc biệt, vua Lê Thánh Tông coi trọng việc quy định rõ chức trách của quan lại nhằm ngăn chặn tệ ăn hối lộ, tệ hách dịch cửa quyền, đặc biệt là quan lại có chức vụ cao ở trong triều đình nhà Lê Sơ lúc bấy giờ. Đây là những kinh nghiệm quý báu trong việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ và kỷ luật đội ngũ cán bộ trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay./.

------------------

Ghi chú:

(1) Trần Trọng Kim, Nho giáo (quyển thượng), Nhà xuất bản Bộ Giáo dục, Sài Gòn 1971, tr. 40-60.

(2), (7) Tuyển tập Văn bia Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội, H.1978, tr.35, tr.480.

(3) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2 Nxb Khoa học xã hội, H.2004, tr. 426.

(4),(8),(9) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, H.2004, tr.492, tr.492, tr.278.

(5) Trần Trọng Kim, Nho giáo (quyển thượng), Nxb Bộ Giáo dục, Sài Gòn 1971, tr.40-60.

(6) Lê Kim Ngân, Tổ chức chính quyền dưới thời Lê Thánh Tông 1460 - 1479, Nxb Bộ Quốc gia giáo dục Sài Gòn, 1963, tr.135.

(10) Bùi Xuân Đình, Nhà nước và pháp luật phong kiến Việt Nam những suy ngẫm, Nxb Tư pháp, H.2005, tr.7.

(11) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 2, Nxb Sử học, H.1961, tr.88.

TS.NCVCC Trương Vĩnh Khang - Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/kinh-nghiem-ve-xay-dung-doi-ngu-quan-lai-voi-pham-chat-hien-tai-trong-cai-cach-hanh-chinh-cua-trieu-dai-phong-kien-thoi-le-so-a7281.html