Chuyến thăm được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam và Lào triển khai các hoạt động kỷ niệm “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2022”, thể hiện quyết tâm đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, qua đó đưa quan hệ Hà Nội - Viêng Chăn đi vào chiều sâu, ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn, góp phần nâng tầm quan hệ song phương Việt Nam - Lào.
Phát biểu tại buổi đón tiếp đoàn cán bộ giảng viên Trường Chính trị - Hành chính Thủ đô Viêng Chăn, cô giáo Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng - cho biết: Từ năm 2015 đến nay, qua 07 năm vận hành mô hình trường học điện tử, chúng tôi đã hiểu rõ được tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, điều hành, giảng dạy và trao đổi thông tin với cha mẹ học sinh của một trường chất lượng cao.
Sự trưởng thành của cán bộ, giáo viên, nhân viên Nhà trường về khai thác ứng dụng CNTT được thể hiện rõ qua 03 mốc quan trọng: Ngày hội CNTT lần thứ III năm 2015 - chúng tôi đạt ở mức khai thác thành thạo, hiệu quả các phần mềm cơ bản MS Office, chỉnh sửa video clip, xây dựng kho học liệu điện tử trong dạy học, quản lý trên môi trường điện tử khoa học, giảm các thủ tục hành chính.
Ngày hội CNTT lần thứ IV năm 2017, giáo viên Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng đã sử dụng hiệu quả các phần mềm chuyên sâu để thiết kế bài giảng Elearning. Trường đã có giải Nhất bài giảng Elearning, giải Nhất kỹ năng nhân viên cấp Thành phố.
Năm 2021, Ngày hội CNTT lần thứ V, nhà trường tiếp tục duy trì giải Nhất bài giảng Elearning, giải Nhì phần mềm dạy học 3D, công nghệ ảo VR để dạy học tự nhiên xã hội, toán, khoa học. Việc dạy học trực tuyến, quản lý hành chính, thông tin báo cáo, liên lạc hai chiều với cha mẹ học sinh đã ngày càng hoàn thiện.
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học tại Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng và các trường công lập khác còn gặp một số bất cập. Tại mỗi nhà trường, theo quy định hiện đang khai thác sử dụng một số phần mềm như PM Misa quản lý tài chính, tài sản theo quy định của tài chính, PM cơ sở dữ liệu, PM phổ cập theo quy định của Bộ GD&ĐT,… các phần mềm rời rạc, giáo viên phải nhập dữ liệu nhiều lần, gây tốn công sức, thời gian. Hơn nữa, dữ liệu giữa các phần mềm chưa liên thông, có quá nhiều tài khoản, mật khẩu phải ghi nhớ.
“Đặc biệt từ năm 2020 đến năm 2022, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu sắc tới ngành giáo dục. Thực tiễn cấp bách đó đặt ra cho Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng yêu cầu cần thiết phải có một nền tảng ứng dụng CNTT dùng chung thống nhất cho Ban Giám hiệu - học sinh - cha mẹ học sinh cùng tương tác, giúp linh hoạt trong tổ chức dạy học trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tự học, học tập mọi lúc mọi nơi; giáo viên, nhân viên có thể làm việc từ xa trên hệ thống, tạo ra cơ sở dữ liệu để quản trị nhà trường, giảng dạy, học tập, đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục và dịch vụ”, cô giáo Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng chia sẻ.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng đồng thời cho biết, đứng trước thực tiễn khó khăn nêu trên, xác định nguồn lực tài chính, kỹ năng ứng dụng của đội ngũ, thực tiễn mô hình chất lượng cao, hệ sinh thái phần mềm ECO FOR SCHOOL 4.0 phiên bản dành cho nhà trường đã được tập thể ưu tiên lựa chọn, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển các nội dung phù hợp với mô hình trường và thực hiện lộ trình chuyển đổi số. Phần mềm có nguyên lý ứng dụng mã nguồn mở LMS, chạy trên nền tảng Web và App. Đây là phần mềm có ưu điểm vượt trội so với các phần mềm khác mà Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng và nhiều trường học khác đang hướng tới trong công tác quản trị dạy học.
Đánh giá về hiệu quả của phần mềm ECO FOR SCHOOL 4.0 phiên bản dành cho nhà trường sau 01 năm vận hành, cô giáo Lê Thị Thu Hường khẳng định, hiện nay, bộ phận kế toán của Nhà trường có thể thiết lập thông báo các khoản thu thuận lợi hơn so với chức năng này của phần mềm Misa, xác nhận các khoản thu bằng E-mail, in phiếu thu được khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, ứng dụng LMS cho phép giao bài, hẹn giờ hoàn thành, tạo điều kiện học tập mọi lúc mọi nơi dành cho học sinh, mở rộng không gian, thời gian học tập. Kết hợp với phần mềm Zoom có thể tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả. Đặc biệt, hệ thống cho phép xuất file định dạng PDF bài làm, file Excel điểm của học sinh.
Cô giáo Lê Thị Thu Hường cũng thông tin rằng, tại Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng, giáo viên dùng công cụ bút chấm file ảnh bài làm học sinh, với bài trắc nghiệm hệ thống sẽ chấm tự động theo đáp án xây dựng của giáo viên. Với file âm thanh, hệ thống nhận và đọc được nhiều dạng đuôi khác nhau. Cha mẹ học sinh không phải sử dụng quá nhiều ứng dụng như zalo, padlet, azota,…
Ngoài ra, PM cho phép kết xuất số liệu toàn trường ngay sau khi hoàn thành điểm danh bán trú, câu lạc bộ, xe đón trả, ưu việt hơn so với điểm danh trực tiếp thủ công. App báo tin nhắn đón, trả học sinh đi xe bus cho cha mẹ học sinh cập nhập và yên tâm hơn. Thông qua App, cha mẹ học sinh có thể tương tác hai chiều với nhà trường, với giáo viên. Đồng thời, cho phép cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh làm việc, quản trị vận hành nhà trường, học tập trên hệ thống mọi lúc mọi nơi.
Chia sẻ với Đoàn công tác của Trường Chính trị - Hành chính Thủ đô Viêng Chăn, cô giáo Lê Thị Thu Hường cho biết: Việc chuyển đổi số của nhà trường diễn ra nhanh, mạnh mẽ, bước đầu hiệu quả, đúng hướng vì chúng tôi đã chọn lọc, kế thừa thành tựu của mô hình trường học điện tử. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục chủ động phát huy trí tuệ tập thể, sáng tạo để giáo viên tham gia vào việc hình thành và phát triển năng lực số cho học sinh trong quá trình dạy học và giáo dục, xây dựng cộng đồng giúp đỡ và hợp tác giữa nhà trường - giáo viên - học sinh trong quá trình chuyển đổi số…
Nhà trường sẽ tập trung nâng cap hoạt động giảng dạy và học tập bằng áp dụng khoc học công nghệ trong dạy học và đánh giá (Edtech). Nghiên cứu từ thực tiễn mô hình nhà trường để phát triển các chức năng đáp ứng tính đa dạng, linh hoạt, thích ứng nhanh; lấy sư phạm thông minh là yếu tố quyết định, công nghệ là then chốt. Đồng thời, xác định rõ vai trò của quản trị nhà trường trong quá trình số hóa; xây dựng và thể chế hóa các quy trình nhà trường.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và nghiên cứu thực tế tại quận Long Biên nói chung và Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng nói riêng, các đại biểu hai phía đã nhận thấy, chuyển đổi số là sự chuyển đổi toàn bộ hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số, thông qua những ứng dụng, phần mềm, nền tảng số. Chuyển đổi số thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Kết thúc chuyến thăm, Đoàn cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị - Hành chính Thủ đô Viêng Chăn bày tỏ những ấn tượng sâu sắc trước các biện pháp mà Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng thực hiện trong việc triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong quản trị nhà trường. Đoàn cũng mong muốn thành phố Hà Nội nói chung và quận Long Biên nói riêng, sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện với các tỉnh, thành phố của Lào trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, cùng thúc đẩy ứng dụng CNTT vào hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước; phát triển kinh tế số, xã hội số tại cả Việt Nam và Lào.
Nguyễn Liên