Đề xuất thành lập Vụ, Cục, tổ chức pháp chế tại các Bộ, đơn vị sự nghiệp công lập

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP sẽ bổ sung tổ chức pháp chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập; quy định các bộ, cơ quan ngang bộ có Vụ hoặc Cục thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện công tác pháp chế.

botuphap-1665041441138698250184-1665049858.jpg
Bộ Tư pháp Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Đề xuất thành lập Vụ, Cục pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang bộ

Cổng TTĐT Bộ Tư pháp cho biết, chiều 5/10, Bộ Tư pháp đã tổ chức Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55).

Theo Báo cáo một số nội dung định hướng lớn xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 55, các đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đủ điều kiện thành lập thì thủ trưởng đơn vị quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách…

Do đó, dự kiến dự thảo Nghị định sửa đổi sẽ bổ sung tổ chức pháp chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập và đối tượng áp dụng của Nghị định.

Về tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế tại các bộ, cơ quan ngang bộ, để đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, Nghị định sửa đổi, bổ sung theo định hướng quy định các bộ, cơ quan ngang bộ có Vụ hoặc Cục thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện công tác pháp chế.

2 phương án tổ chức pháp chế ở các cơ quan thuộc Chính phủ

Đối với tổ chức pháp chế ở các cơ quan thuộc Chính phủ, dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi, bổ sung theo 2 phương án: Quy định các cơ quan thuộc Chính phủ có tổ chức pháp chế độc lập hoặc bộ phận pháp chế trực thuộc Văn phòng; Cơ quan thuộc Chính phủ có tổ chức pháp chế độc lập hoặc ghép với bộ phận Văn phòng thành Văn phòng – Pháp chế.

Đối với tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi theo hướng: thành lập Phòng pháp chế hoặc ghép tổ chức pháp chế và Thanh tra để thành lập Tổ chức – Pháp chế, hoặc Văn phòng – Pháp chế (đối với các Sở, ngành không thành lập tổ chức Thanh tra).

Riêng đối với các Phòng pháp chế được thành lập trước ngày dự thảo Nghị định này được ban hành có hiệu lực thì được tiếp tục duy trì.

Đối với các Phòng pháp chế đã ghép với các Phòng chuyên môn khác thì được duy trì trong 12 tháng, sau đó thành lập tổ chức Thanh tra – Pháp chế hoặc Văn phòng – Pháp chế.

Đối với tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định các doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn, Tổng công ty thành lập tổ chức pháp chế; các doanh nghiệp nhà nước còn lại, căn cứ nhu cầu công tác pháp chế, người quản lý doanh nghiệp quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách…

Không "phích cứng" tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế để thu hút nguồn lực

Tại phiên họp, các đại biểu tham gia đã đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung của dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP như: đối tượng áp dụng; tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế và chế độ phụ cấp ưu đãi nghề dành cho người làm công tác pháp chế…

Các ý kiến tại phiên họp cũng cho thấy, trong giai đoạn hiện nay tổ chức pháp chế đang được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, có tính đặc thù.

Để thực hiện được nhiệm vụ, cán bộ pháp chế vừa phải có kỹ năng, chuyên môn về xây dựng, thẩm định, kiểm tra xử lý văn bản quy phạm pháp luật, vừa phải có kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực mà cơ quan được giao quản lý.

Do đó, một số đại biểu cho rằng cán bộ làm công tác pháp chế nếu không có bằng cử nhân luật, mà chỉ có bằng cử nhân của các chuyên ngành, lĩnh vực mà cơ quan, đơn vị mình quản lý nhà nước thì phải được đào tạo và cấp Chứng chỉ của cơ sở đào tạo Luật với thời gian đào tạo tương ứng với từng chức danh.

Về vấn đề tiêu chuẩn cán bộ pháp chế, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đề nghị "không nên phích cứng tiêu chuẩn của cán bộ pháp chế như hiện nay là phải có trình độ cử nhân luật".

Hiện nay Ủy ban quản lý vốn nhà nước có 19 Tập đoàn và 1 Tổng công ty chỉ có khoảng 134 người làm công tác pháp chế, còn lại là chuyên môn về tài chính kế toán và ngành nghề khác.

Nhưng những cán bộ này lại làm rất tốt công tác pháp chế. Do đó, đại diện Ủy ban đề nghị, cần sửa đổi quy định về tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế để thu hút nguồn cán bộ pháp chế có năng lực, chất lượng cao...

Tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự phiên họp và khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp.

Tiếp tục rà soát kỹ các quy định về nhiệm vụ của tổ chức pháp chế

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu ghi nhận và đánh giá cao bộ phận Thường trực và Tổ biên tập đã tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung phiên họp lần thứ nhất với nhiều thông tin chất lượng.

Cơ bản nhất trí với các nội dung dự thảo, Thứ trưởng Phan chí Hiếu đề nghị, nghiên cứu, cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh. Tiếp tục rà soát kỹ các quy định về nhiệm vụ của tổ chức pháp chế theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời rà soát, lược bớt một số nhiệm vụ không được pháp luật quy định mà chỉ do các thủ trưởng giao.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, quy định về tiêu chuẩn cán bộ pháp chế, về phân loại đơn vị sự nghiệp công lập…

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/de-xuat-thanh-lap-vu-cuc-to-chuc-phap-che-tai-cac-bo-don-vi-su-nghiep-cong-lap-a7096.html