05/10/2022 11:18
05/10/2022 11:18
Đường tơ, nét duyên thổ cẩm Châu Phong
An Giang là tỉnh có nhiều dân tộc như Kinh, Hoa, Khmer, Chăm cùng chung sống trên một vùng đất đa dạng sinh thái. Nơi đây vừa có đồng bằng, vừa có rừng núi, nhiều sông rạch và cận biên giới Campuchia. Tất cả những yếu tố đó làm nên đời sống văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng của miền đất biên giới Tây Nam.
An Giang là tỉnh có nhiều dân tộc như Kinh, Hoa, Khmer, Chăm cùng chung sống trên một vùng đất đa dạng sinh thái, vừa có đồng bằng, vừa có rừng núi, nhiều sông rạch và cận biên giới Campuchia. Tất cả những yếu tố đó làm nên đời sống văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng của miền đất biên giới Tây Nam.
Bàn tay thoăn thoắt của các cô gái Chăm trên khung dệt, hòa theo nhịp âm thanh của các khung gỗ chạm vào nhau “lắc cắc” nghe vui tai đã tạo nên nhiều tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn xinh đẹp, bắt mắt và được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Dệt thổ cẩm là nghề mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Khi được 10 - 12 tuổi, những bé gái người Chăm đã được tập những thao tác đơn giản nhất của nghề dệt.
Thổ cẩm của người Chăm hiện nay khác trước rất nhiều nhưng vẫn giữ được những hoa văn truyền thống. Chất liệu chủ yếu được sử dụng là tơ công nghiệp. Sợi được nhuộm màu thủ công từ nước nấu cây rừng.
Nhuộm màu sợi, màu vải là bí quyết được lưu truyền nhiều đời nay trong cộng đồng người Chăm ở An Giang. Với đôi bàn tay khéo léo, đồng bào Chăm làm ra những chiếc khăn choàng tắm, sà rông đầy màu sắc, thổ cẩm tinh xảo, túi đeo và đặc biệt là những chiếc khăn bịt tóc đẹp mắt.
Ban đầu, cộng đồng dân cư người Chăm chọn phương kế sống bằng nhiều nghề như: đánh bắt thủy sản, dệt vải… Tại Châu Phong, nghề dệt thổ cẩm Chăm được hình thành từ rất sớm. Trước là phục vụ cho nhu cầu ăn mặc của gia đình, sau là để trao đổi hàng hoá với các dân tộc khác.
Có một thời gian, nghề dệt ở Châu Phong bị “chững” lại do khó khăn trong khâu nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Một số người bỏ nghề dệt sang làm nghề khác, làng dệt đứng trước nguy cơ bị thất truyền.
Sở dĩ nghề dệt thổ cẩm Chăm ở đây còn lưu giữ đến hôm nay là do tục “cấm cung”, tức con gái lớn lên không được ra ngoài, chỉ ở trong nhà dệt vải hay thêu thùa. Mặc dù tục “cấm cung” hiện nay không còn nữa, nhưng sự khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ của người phụ nữ Chăm Châu Phong vẫn không bị mai một.
Thổ cẩm Châu Phong đã tạo nên một tiếng nói độc đáo cho nét đẹp của dân tộc. Các sản phẩm từ làng nghề thủ công này không những có giá trị trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được nét đẹp truyền thống kết hợp với vẻ đẹp hiện đại, được đắm chìm trong không gian thân thiện, gần gũi, và cuộc sống bình thường, giản dị của người dân.
Võ Việt
Link nội dung:
https://nguonluc.com.vn/duong-to-net-duyen-tho-cam-chau-phong-a7069.html