Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu như trên tại Hội nghị báo chí toàn quốc, sáng 24/12. Theo ông, mỗi cơ quan báo chí cần quan tâm đến năng lực xử lý dữ liệu không chỉ trong nội bộ đơn vị mà của các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Các tác phẩm báo chí "nói có sách, mách có chứng" bằng số liệu, thậm chí là những số liệu qua phân tích nhiều dữ liệu khác mới có thể định hướng, trả lời được mong mỏi của công luận. Ông đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam có chương trình hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số, xây dựng và xử lý cơ sở dữ liệu.
Phó thủ tướng cũng đề cập đến việc báo chí đang phải cạnh tranh với mạng xã hội, thông tin nhanh nhạy "tính bằng giây". Do vậy, báo chí cần được tiếp cận thông tin minh bạch một cách nhanh nhất có thể về những "điểm nóng" hay sự cố vừa phát sinh.
Qua theo dõi, quản lý thông tin trên báo chí, mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chủ động hơn trong dự báo, cảnh báo và phối hợp; đề nghị các bộ, ngành cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí về những vấn đề mà dư luận, xã hội quan tâm. "Khi báo chí chính thống minh bạch được thông tin một cách sớm nhất thì nhân dân, công luận sẽ nghe theo", Phó thủ tướng nói
Về công tác quy hoạch, sắp xếp báo chí, Phó thủ tướng nói đã được thực hiện được một bước và cần có quá trình để tạo chuyển biến thực chất bên trong, "không thể nóng vội".
Theo ông, mục đích quy hoạch báo chí để báo chí phát triển, không chỉ là tiếng nói của từng cơ quan chủ quản mà còn của nhân dân. "Việc thực hiện cơ chế, chính sách quản lý phải nghiêm, thực chất. Những gì không phù hợp cần được bổ sung, điều chỉnh; tránh tình trạng thực tế không như văn bản", Phó thủ tướng nói, nêu rõ năm 2022, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, các cơ quan phải đánh giá việc thực hiện quy hoạch báo chí xem những gì phù hợp hoặc không. Qua đó, giúp báo chí phát triển, tránh xu hướng chạy theo thị trường quá mức, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, làm lệch lạc trong hoạt động thông tin báo chí.
Ngoài ra, ông cho rằng muốn báo chí tự chủ được thì phải có "cơ chế đặt hàng" đủ mạnh. Bộ Thông tin và Truyền thông phải là đầu mối của các cơ quan báo chí, làm việc với các bộ ngành để giao nhiệm vụ, "đặt hàng" báo chí tuyên truyền, vận động trước, trong và sau khi ban hành chính sách. "Đó không nhất thiết là những cơ quan báo chí lớn, có uy tín mà quan trọng là phải có những nhóm độc giả mà chính sách cần tác động", Phó thủ tướng lưu ý.
Ghi nhận sự đóng góp quan trọng của báo chí trong năm 2021, ông Đam nói các nhà báo thực sự là những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, kịp thời phản ánh những hành động, nghĩa cử cao quý, nhân văn của người dân Việt Nam trong đại dịch.
Trước nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron, ông cho rằng các giải pháp kỹ thuật như tăng cường tiêm vaccine, chuẩn bị thuốc điều trị, oxy y tế, nâng cao năng lực y tế cơ sở... đã có, nhưng cần đẩy mạnh thông tin, động viên để người dân đồng thuận, tham gia.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn nhưng vị thế, uy tín của Việt Nam được tăng cường, trong đó có vai trò của báo chí.
"Các sự kiện trọng đại và các tình huống quan trọng của đất nước đều có vai trò lớn của báo chí", ông nói.
Về công tác thông tin phòng chống dịch Covid-19, ông Nghĩa đề nghị "các đơn vị nói đúng, trúng, có hướng dẫn hành động, thống nhất người phát ngôn, thông tin đơn giản, dễ hiểu".
Theo thống kê của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông, năm 2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí; 40.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Cả nước có hơn 17.000 người được cấp thẻ nhà báo.
Viết Tuân
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/pho-thu-tuong-bao-chi-can-quan-tam-den-nang-luc-xu-ly-du-lieu-a703.html