Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ (sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện Hành chính Quốc gia). Việc này được thực hiện sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 63/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.
Theo hồ sơ dự thảo, cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia hiện nay gồm ban giám đốc học viện và 17 đơn vị, trong đó giám đốc học viện do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, Phó giám đốc học viện do Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm.
Cơ cấu tổ chức của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội hiện nay gồm hội đồng trường, ban giám hiệu và 23 đơn vị. Hội đồng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội gồm chủ tịch hội đồng trường và các thành viên hội đồng, thực hiện quyền hạn và trách nhiệm theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hiệu trưởng là người đại diện cho Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trước pháp luật, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động của trường trước Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và trước pháp luật về việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Dự thảo quyết định do Bộ Nội vụ xây dựng đề xuất, từ 40 đơn vị của hai trường sẽ sắp xếp và tổ chức lại thành 21 đơn vị trong cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia (giảm 19 đơn vị).
Trong đó cơ bản dựa trên cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia theo Quyết định số 05/2018 của Thủ tướng Chính phủ, có điều chỉnh, sửa đổi về tên gọi cũng như nhiệm vụ của một số tổ chức bên trong để phù hợp với tình hình thực tế cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động.
Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia sẽ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức và đình chỉ công tác sau khi có ý kiến thống nhất của Thủ tướng Chính phủ.
Các phó giám đốc học viện do Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nội vụ và Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia.
Giám đốc học viện sẽ ban hành quy chế làm việc của học viện; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc và trực thuộc học viện; thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các phòng, bộ môn và tương đương; bổ nhiệm, miễn nhiệm viên chức giữ chức vụ quản lý tại các đơn vị thuộc và trực thuộc học viện và các tổ chức bên trong các đơn vị này (nếu có).
Bộ Nội vụ khẳng định, việc xây dựng và thực hiện đề án sáp nhập hai cơ sở giáo dục nêu trên sẽ được chỉ đạo chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Đại học Nội vụ Hà Nội.
Đồng thời bảo đảm sự hoạt động bình thường của học viện sau khi sáp nhập, tiếp tục thực hiện các nội dung công việc của học viện và trường chưa hoàn thành trước khi sáp nhập.
21 đơn vị thuộc Học viện Hành chính Quốc gia
Theo dự thảo quyết định, cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia (sau khi sáp nhập) bao gồm 21 đơn vị: 1. Văn phòng; 2. Ban Tổ chức cán bộ; 3. Ban Kế hoạch - Tài chính; 4. Ban Hợp tác quốc tế; 5. Ban Quản lý bồi dưỡng; 6. Ban Quản lý đào tạo; 7. Khoa Hành chính học; 8. Khoa Quản trị nhân lực; 9. Khoa Nhà nước và Pháp luật; 10. Khoa Quản lý xã hội; 11. Khoa Quản lý kinh tế; 12. Khoa Lưu trữ Học và Quản trị văn phòng; 13. Khoa Khoa học liên ngành; 14. Khoa Ngoại ngữ - Tin học; 15. Viện Nghiên cứu khoa học hành chính; 16. Tạp chí Quản lý nhà nước; 17. Trung tâm Kiểm định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; 18. Trung tâm Công nghệ và Thư viện; 19. Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM; 20. Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia Khu vực Miền Trung; 21. Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên.
Thế Kha
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/giam-19-don-vi-khi-sap-nhap-dh-noi-vu-va-hoc-vien-hanh-chinh-quoc-gia-a6827.html