Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2022 được tổ chức nhằm phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng với mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng trong bối cảnh mới.
Diễn đàn nhằm cung cấp thông tin về các giải pháp công nghệ cho tiết kiệm năng lượng, góp phần đáp ứng tốt các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) và theo tinh thần của Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ. Đồng thời, Diễn đàn là nơi tiếp nhận ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước… nhằm xây dựng hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng bền vững.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An đã có những chia sẻ chi tiết, qua đó khẳng định, nước ta có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050. Theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã cùng thảo luận và lắng nghe các phân tích từ chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế liên quan đến các vấn đề như: Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Trên thế giới, các cuộc xung đột chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về khí hậu diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, những tác động của hiện tượng ấm lên, nước biển dâng, cháy rừng, lũ lụt đang ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe doạ sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư.
Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022, Ngân hàng thế giới nhận định sau hơn 2 năm đại dịch, cùng với tác động lan toả từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina, hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022, một trong những lý do là giá năng lượng ngày một tăng, tình trạng thiếu hụt và giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao đã xảy ra trong các chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn tới sản xuất đình trệ và giá sản xuất tăng lên.
Trong Phiên thảo luận đầu tiên của Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe các tham luận như: “Chính sách và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030” do Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) Trịnh Quốc Vũ trình bày; “Định hướng và giải pháp UNDP cho Việt Nam về hỗ trỡ thúc đẩy tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2022-2026” do ông Đào Xuân Lai - Trưởng ban Môi trường và Biến đổi khí hậu, Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) trình bày...
Tại phiên đầu này, các thông tin từ tham luận đã giúp các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị quản lý nhà nước, chuyên gia tư vấn chiến lược và cộng đồng nhà khoa học trong và ngoài nước có sự chia sẻ về chính sách, đồng thời cung cấp thông tin hữu ích trong các chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm phục vụ chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26.
Trong Phiên 2, các nhà khoa học công nghệ trong và ngoài nước bày tỏ sẵn sàng tiếp nhận các đặt hàng từ các nhà quản lý, địa phương và doanh nghiệp của Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu các xu hướng công nghệ mới tới cộng đồng giúp sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, các tham luận tại Phiên 2 của Diễn đàn đã giúp đưa ra bức tranh tổng quan về nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới; tiếp nhận ý kiến đóng góp từ chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong nước và quốc tế ... đề xuất các giải pháp xây dựng hoàn thiện chính sách ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển năng lượng bền vững.
Ngoài ra, thảo luận về lộ trình thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 đặc biệt nhấn mạnh về công nghệ khuyến cáo nên sử dụng; đưa lĩnh vực ứng dụng công nghệ trong năng lượng trở thành một lĩnh vực đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và bảo vệ môi trường; hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trong hoạt động quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, trong các tòa nhà và trong đời sống xã hội...
Nguyễn Liên
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/dien-dan-cong-nghe-va-nang-luong-viet-nam-2022-a6769.html