Khoá họp lần thứ 24 của Đại Hội đồng UNESCO diễn ra tại Paris (từ ngày 20/10 đến 20/11/1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 ghi nhận "năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam".
Việc UNESCO thông qua Nghị quyết khẳng định sự đúng đắn, chính nghĩa của sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đây cũng là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. UNESCO và bạn bè quốc tế đã ghi nhận, tôn vinh, đề cao lý tưởng cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Người về một thế giới hòa bình, bình đẳng, hạnh phúc.
Ở tuổi 87, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên vẫn nhớ như in cảm xúc khi tham dự kỳ họp Đại hội đồng UNESCO cách đây 35 năm. Khi đó ông làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, trưởng phái đoàn Việt Nam tham gia khoá họp.
Kể rành mạch về quá trình xây dựng, đệ trình để UNESCO thông qua nghị quyết lịch sử này, đến nay ông vẫn trân trọng tấm thẻ màu đỏ đã đeo trong cuộc họp 35 năm trước.
Khi đó, ông Nguyễn Dy Niên được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng giao trọng trách làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Ông cũng được chỉ định là Trưởng đoàn Việt Nam dự khóa họp lần thứ 24 của Đại Hội đồng UNESCO.
"Đó là một vinh dự lớn đối với tôi. Điều kiện lúc đó vô cùng khó khăn, năm 1987, nước ta đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn. Về kinh tế, lạm phát lên mức 3 con số, Việt Nam bị bao vây cấm vận, quan hệ ngoại giao chưa được mở rộng và rất nhiều những khó khăn rất lớn khác. Chúng tôi phải nâng cao cường độ làm việc, phải xây dựng đề án thật tốt, chuẩn bị tốt nhất để UNESCO thông qua Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại kỳ họp”, nguyên Bộ trưởng nói về thời điểm khi xây dựng đề án Nghị quyết và đệ trình lên UNESCO.
Theo ông Niên, điều khiến ông cùng các cán bộ ngoại giao thời kỳ đó hết sức lo lắng là từ muôn vàn khó khăn, làm thế nào để có thể tranh thủ được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số các nước tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Khi nhận nhiệm vụ trước lãnh đạo cấp cao, chúng tôi muốn quyết tâm làm thế nào để Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được UNESCO tôn vinh với đa số tuyệt đối”, ông Niên kể.
Bác Hồ để lại 'kho báu' cho cả nhân loại
Đặt chân đến Paris để chuẩn bị cho hội nghị, phái đoàn Việt Nam đã có cuộc tiếp xúc ngay với các lực lượng tiến bộ của Pháp, những trí thức kiều bào, Ban thư ký UNESCO để vạch ra kế hoạch vận động thật tốt.
Cùng thời gian ấy, ông Niên lại nhận một nhiệm vụ khác là Trưởng đoàn Việt Nam tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thay cho Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lúc đó đang bận những công việc khác không thể tham gia.
Ông nhớ lại: “Khi tôi đang đang dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thì nhận điện thượng khẩn của đồng chí Phan Thị Phúc, lúc đó là Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, điện từ Paris, nói rằng phải sang Paris gấp, tình hình đang rất cần và phải vận động hết sức quyết liệt mới có thể thành công được”.
Do vậy, ông đã phải bỏ dở công việc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để bay sang Paris. Việc đầu tiên lúc đó là gặp ngay Tổng giám đốc UNESCO, ông Amadou-Mahtar M'Bow (nguyên thủ tướng Sénégal) - một người rất có cảm tình với Việt Nam.
Tổng giám đốc UNESCO khi đó quả quyết về việc thông Nghị quyết. Ông Niên kể: “Khi gặp nhau, ông nói ngay, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ của Việt Nam mà còn là lãnh tụ của nhân dân các nước đang đấu tranh cho hoà bình và chiến đấu cho độc lập, tự do”.
Khi nghe những lời đó của Tổng giám đốc UNESCO, ông Niên rất phấn chấn và bàn ngay với các anh chị em trong đoàn rải ra, đi vận động các nước ngay.
Đúng như lời ông Tổng giám đốc M'Bow nói, các nước có cảm tình với Việt Nam và đặc biệt rất tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một đại biểu đến từ châu Phi nói rằng “chúng tôi phải cảm ơn Việt Nam, cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vì nếu các bạn không chiến đấu thắng lợi thì chúng tôi hôm nay không thể ngồi cùng với các nước tại diễn đàn này”.
Khi Nghị quyết 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa ra thì tuyệt đại đa số đại biểu ủng hộ, không có phiếu chống, không có phiếu trắng. Đúng như lời tiên đoán tờ báo Đoàn Kết của Ý cách thời gian bỏ phiếu 8 năm nói rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người duy nhất trên thế giới không có ai chống đối”.
Nguyên Bộ trưởng chia sẻ: “Đây là một thắng lợi cực kỳ lớn với chúng tôi. Chúng tôi vô cùng xúc động, vô cùng cảm ơn đại biểu các nước tại hội nghị lần ấy. Theo quyết định của Đại hội đồng UNESCO, đến năm 1990 tổ chức hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Khi đó, ở Hà Nội đã tổ chức hội thảo rất lớn, trong đó 74 khách quốc tế đến từ 34 quốc gia và có nhiều nhân chứng lịch sử như Thiếu tá Archimedes L.A.Patti, người bạn của Bác Hồ. Tại Paris - nơi tổ chức các cuộc họp của Đại hội đồng UNESCO - cũng diễn ra hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều hoạt động khác cũng đã được tổ chức ở các nước để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.
Ông Niên đúc kết lại: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản vô cùng to lớn và sự mến mộ đặc biệt của nhân dân thế giới. Như Tổng thống Ấn Độ đã nói: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người có tinh thần quốc tế tuyệt vời, sống hết mình cho niềm tin vào cuộc sống của các dân tộc anh em vì mục đích cao cả của loài người trên khắp các châu lục và nhóm lên niềm khát vọng cho tất cả những ai yêu chuộng hoà bình trên thế giới ở mọi thời đại".
Nhà thơ Nga Osip Emilyevich Mandelstam đã viết: Ở Người toát lên hơi thở của văn hóa, có lẽ là một nền văn hóa tương lai. Trong giọng nói ấm áp của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái trên toàn thế giới. Có thể nói không hề do dự rằng di sản Hồ Chí Minh là kho báu để chúng ta thể hiện sự giàu có và trí tuệ của dân tộc Việt Nam và của cả nhân loại”.
Ông Nguyễn Dy Niên giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao từ tháng 2/2000 - 6/2006. Ông nhiều lần nói chuyện, thảo luận về chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh, thế nhưng chẳng khi nào cảm thấy nhàm chán. Câu chuyện có thể là của những năm tháng đã xa nhưng với ông nó vẫn vẹn nguyên giá trị.
Ông là người đầu tiên của ngành ngoại giao đã tổng kết những tư tưởng của Hồ Chí Minh về lĩnh vực ngoại giao và xây dựng khá đầy đủ những tư tưởng này thành một hệ thống "Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh" phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu nghệ thuật ngoại giao mang đặc trưng Việt Nam.
Ông cũng đã giới thiệu việc vận dụng một cách có hệ thống và hiệu quả "Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh" vào hoạt động đối ngoại, đặc biệt là trong tình hình quốc tế phức tạp ở những năm đầu thế kỷ XXI, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nguyen-bo-truong-va-nhung-viec-lam-truoc-phien-hop-vinh-danh-bac-ho-o-paris-a6570.html