Làng Vồng và ký ức tuổi thơ
Khi được hỏi về tên riêng này, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính cười vui vẻ: Có gì đặc biệt đâu. Vì quê tớ ở làng Vồng, một vùng quê nghèo chiêm trũng thuộc xã Khả Phong, huyện Kim Bảng (Hà Nam).
Nguyễn Hữu Chính sinh ngày 18-1-1959 trong gia đình có 5 người con. Họ sinh ra, lớn lên trong giai đoạn đặc biệt của đất nước. Tổ quốc bị chia cắt, miền Bắc vừa là hậu phương chi viện cho miền Nam, vừa là chiến trường chống chiến tranh phá hoại.
Khó khăn, gian khổ, thiếu thốn trăm bề dường như là một tự nhiên với mọi người, mọi nhà những năm ấy. Là con trưởng nên ngay từ bé ông đã trưởng thành hơn chúng bạn, làm đồng, chăn trâu, mò cua bắt ốc… việc gì ông cũng làm tốt để giúp đỡ mẹ chăm các em trong khi bố đi dạy học xa nhà. Vất vả là vậy nhưng Nguyễn Hữu Chính vẫn quyết tâm học tập. Trường học ở xa, nhưng ngày nào cũng vậy, Nguyễn Hữu Chính đều đặn đi bộ đến trường cách nhà 5-6 cây số. Tối về nhà lại phụ việc giúp mẹ.
"Lên cấp 3 tôi phải trọ học. Nhiều hôm học cả ngày, buổi trưa không về nhà trọ tôi ở lại trường, ăn qua loa, kê ghế ngả lưng một chút rồi học tiếp. Có buổi, nhớ nhà và cũng muốn về đỡ việc cho mẹ, chiều tôi lại đi bộ về quê, sáng sớm hôm sau lại tới trường. Thương con vất vả, bố tôi đưa chiếc xe đạp Thống Nhất mà ông đang sử dụng để đi. Thế là, cứ sáng thứ 2, tôi đưa bố tới nơi ông dạy, rồi lại đạp xe đến trường cấp 3 Kim Bảng và về nhà hằng ngày bằng chiếc xe đạp đó. Cuối tuần, tôi lại đến trường nơi bố dạy học để hai bố con cùng về”, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính nhớ lại.
Trong con mắt của những người thân, thầy cô và người dân làng Vồng, Nguyễn Hữu Chính nổi bật với những tố chất và nỗ lực rất quý. Ông học giỏi toàn diện, từng ở đội tuyển học sinh giỏi môn Hóa của trường, nhưng Chính cũng đam mê các môn xã hội, nhất là môn Văn và Sử với tư duy chính luận nổi bật.
Nhiều năm sau này các thầy cô từ thầy Hiệu trưởng Phạm Duy Đằng, thầy Lạc dạy Sử, thầy Lục dạy Toán, cô Oanh dạy Thể dục… vẫn nhắc đến Nguyễn Hữu Chính-một tấm gương vượt khó, học giỏi toàn diện. Ông là số ít thanh niên của làng Vồng thời bấy giờ hoàn thành hết ba cấp học, để ngay sau ngày đầu tòng quân Trung đoàn 224, Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không tháng 5-1978 đã được chỉ định làm tiểu đội trưởng. Để rồi trên bước đường quân ngũ, ông không ngừng phấn đấu, trưởng thành, khẳng định bản lĩnh trên cương vị người chủ trì công tác đảng, công tác chính trị của cơ quan tham mưu chiến lược trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Sau những thành công là hậu phương vững chắc
Những lần gặp và trò chuyện, bên lề câu chuyện công việc với chúng tôi, Trung tướng Nguyễn Hữu Chính thường nhắc đến phu nhân Lê Hồng Nga với sự trân trọng và tình yêu luôn lấp lánh trong ánh mắt. Ông chia sẻ: “Tôi được như ngày hôm nay, phần lớn là nhờ công của bà xã đó. Từ khi yêu đến khi về chung sống dưới một mái nhà, vợ tôi luôn ở phía sau, âm thầm thay chồng lo chu toàn mọi việc để tôi yên tâm phấn đấu”.
Chuyện tình yêu của ông với phu nhân Lê Thị Hồng Nga cũng thật đặc biệt. Gặp nhau vội vàng khi cả hai cùng dự đám cưới của một người quen ở Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật tên lửa-radar (nay là Học viện Phòng không-Không quân) ở Sơn Tây, Hà Nội. Lúc đó, Nguyễn Hữu Chính 23 tuổi, đang là giáo viên Triết học của trường.
Trước đó chưa một “mảnh tình vắt vai” vì xác định quyết tâm rèn luyện, phấn đấu ổn định sự nghiệp mới tính chuyện riêng, nên khi gặp cô nữ sinh trường y 22 tuổi Hồng Nga với bao ngại ngùng và mới mẻ, Nguyễn Hữu Chính chỉ kịp chào hỏi mấy câu xã giao. Mọi sự chỉ bắt đầu từ lá thư sau đó Nga gửi cho chị gái Hồng Lan, khi ấy là nhân viên thông tin của Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật tên lửa-radar. Là thư gia đình nhưng ở phần tái bút, Nga ghi: “Chị cho em gửi lời hỏi thăm tới anh Chính hôm trước gặp nhé”. Tướng Chính cười, kể với chúng tôi: “Mình “chết” vì câu tái bút ấy đấy!”.
Được chị Lan chuyển lời và khuyến khích, Nguyễn Hữu Chính mạnh dạn viết thư cho Hồng Nga. Ban đầu là những lời hỏi thăm, rồi những câu chuyện về trường, về lớp, về gia đình và những quan điểm sống, ước mơ… Họ đồng cảm và gần gũi dần theo những cánh thư qua lại. Cho đến một ngày, Chính quyết định hẹn gặp Hồng Nga tại Trường Trung cấp Y Hà Tây.
Trung tướng Nguyễn Hữu Chính nhớ lại: “Bữa ấy, nắng hè chói chang nhưng có động lực thôi thúc, tôi đạp xe một mạch về trường Nga. Từ nơi thực tập, nghe báo có người tìm gặp, Nga vội vàng về trường mà chưa biết người đó là ai. Lần gặp đầu tiên từ 3 tháng trước đó khiến Nga mơ hồ về hình dáng của tôi. Thấy Nga, tôi chủ động đến gần và tự giới thiệu. Trong khi gương mặt Nga đỏ bừng lục tìm trong trí nhớ thì tôi được dịp nhìn kỹ em. Nét đẹp duyên dáng với gương mặt phúc hậu toát ra từ Nga khiến tôi cảm thấy tin tưởng”.
Trưa ngắn ngủi của buổi gặp chính thức đầu tiên, dù không nói ra nhưng có một tình cảm đặc biệt đã neo lại trong lòng mỗi người. Chia tay, Nga nhận lời hôm sau tiễn anh Chính ra bến xe. Đây cũng là lần đầu tiên cô đồng ý đi riêng với một người con trai, dù còn thẹn thùng. Mọi sự dường như “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.
Sau buổi gặp đó, hai người thư từ và gặp nhau nhiều hơn. Năm 1984, Nga ra trường và về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ, tình yêu giữa hai người đến tự nhiên và kín đáo. Bố Nga là ông Lê Kim Tuyên, lúc đó là Chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật tên lửa-radar cũng không hề biết con gái đã yêu chàng cán bộ thuộc quyền mình.
Ngày 19-5-1985, Nguyễn Hữu Chính chính thức về nhà Nga (lúc này đã chuyển về Hòa Mục, gần đường Láng, quận Đống Đa, TP Hà Nội) ra mắt và thưa chuyện với bố mẹ vợ tương lai. Nhìn thấy Chính, ông Tuyên không khỏi ngạc nhiên, nhưng lại biểu lộ sự tin tưởng vì ông biết khá rõ về Nguyễn Hữu Chính. Bảy tháng sau ngày ra mắt, và cũng đến lá thư thứ 37, hai người chính thức nên duyên chồng vợ. Hôm đó là ngày 15-12-1985. Nguyễn Hữu Chính khi ấy là trợ lý thanh niên của Phòng Chính trị, Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật tên lửa-radar, còn Lê Hồng Nga là y sĩ đa khoa của Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ.
Qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, tình yêu của họ ngày càng thắm thiết, sâu nặng. Trung tướng Nguyễn Hữu Chính luôn biết ơn người vợ chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng con và đến nay là với cả các cháu. Đó là người phụ nữ chu đáo, nhường nhịn, giàu đức hy sinh. Tướng Chính vẫn không quên những ngày tháng học hành, công tác triền miên, một tay vợ đảm đang việc nhà, nuôi dạy con cái. Khi nghỉ hưu, bà vẫn hằng ngày đi chợ, lo cơm nước cho cả nhà, giúp các con chăm sóc, dạy dỗ các cháu.
Quả ngọt tình yêu của vợ chồng tướng Nguyễn Hữu Chính là một tổ ấm gia đình hạnh phúc, biết thương yêu, giúp đỡ nhau. Bốn người con của ông bà (hai cặp con trai-con dâu) đều công tác trong quân đội và sinh con đủ cả nếp, cả tẻ. Trong đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội vừa qua, gia đình ông cũng là một trong những người đi đầu trong việc cùng với chính quyền địa phương nơi cư trú chung tay giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn.
Sáng sớm hôm ấy, khi chúng tôi có mặt tại Nhà văn hóa thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội), đã thấy Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, cùng phu nhân Lê Hồng Nga và người thân đang chuyển từng bao gạo mà gia đình ông chuẩn bị để hỗ trợ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn từ trên xe ô tô đến điểm tập kết.
Nhận xét về vợ chồng ông, Thiếu tướng Lê Xuân Phương, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật binh chủng, Tổng cục Kỹ thuật nói: “Tôi biết anh Chính từ hơn 20 năm nay. Khi anh em có việc hiếu hỷ, dù bận, anh đều thu xếp tham dự hoặc để chị Nga thay mặt. Hai người bổ khuyết cho nhau. Chị lặng thầm ở phía sau chia sẻ, cùng với gia đình là điểm tựa để anh Chính đi tới thành công. Còn anh luôn tin tưởng, gửi gắm hậu phương vào người vợ hiền hậu của mình”.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/vi-tuong-lang-vong-a655.html