Nguồn lực nào tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững cho đất nước

Trả lời cho câu hỏi này, tôi tìm đến ba nguồn lực. Đó là: Giới doanh nhân; giới những người trẻ tuổi; và giới trí thức.

Nhiều nghìn năm trong xã hội phong kiến, dựa trên hệ ý thức Nho giáo và nền kinh tế tiểu nông, trật tự gần như không thay đổi của các thành phần cư dân - đó là Sỹ, Nông, Công, Thương. Chính sự coi nhẹ và kìm hãm hai thành phần Công và Thương tạo nên sự đình trệ của xã hội. Thời hiện đại của nhân loại dựa trên năng lực kiến tạo của giai cấp tư sản đã được thực hiện sớm ở phương Tây, và đưa các doanh nhân lên vị trí hàng đầu, tạo nên một chuyển động nhảy vọt làm nên gương mặt thế giới hôm nay.

nlntv-ho-chu-tich-1662435274.jpg
Ảnh minh hoạ Internet

Việt Nam ta, sau Cách mạng tháng Tám, do hoàn cảnh chiến tranh và chịu áp lực của cuộc chiến giữa hai phe, trong một thời gian dài giai cấp tư sản và vị trí của các doanh nhân hoàn toàn bị lu mờ, thậm chí còn là đối tượng của cách mạng. Phải đến thời Đổi mới, trước áp lực và yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì tình thế mới có sự thay đổi, nhưng vẫn còn rất chậm chạp vì trăm thứ khó khăn bủa vây, trong đó có nguyên nhân chủ quan nằm trong thiết chế thượng tầng khiến cho thành phần kinh tế tư nhân không thể phát triển. Phải sang thế kỷ XXI thì một tháo gỡ và khởi sắc cho tình thế trên mới xuất hiện trong các Nghị quyết mới của Đảng và hoạt động của chính quyền, chuyển từ chính quyền là công cụ chuyên chính sang chính quyền kiến tạo và phục vụ.

Con số hơn 60 vạn doanh nghiệp hiện có hôm nay, cùng với ao ước 1 triệu doanh nghiệp sẽ có sau năm 2020 cho ta một hy vọng tình thế đất nước sẽ thay đổi với vai trò của các doanh nhân, khi mọi khó khăn của họ dần dần và từng bước được tháo gỡ. Nếu tính trung bình mỗi doanh nghiệp tạo được công ăn việc làm cho ít nhất 50 người thì đất nước trên dưới 100 triệu dân của chúng ta sẽ có 50 triệu người có việc làm. Và khái niệm giàu có cùng mục tiêu làm giàu sẽ là một cái đích hấp dẫn chung cho cá nhân và cộng đồng, thay cho sự kỳ thị người giàu và mục tiêu chia đều cái đói cho mọi người trong một thời dài còn chưa xa.

nlntv-nguon-nhan-luc-1662435382.jpg
Nguồn lực luôn có sẵn trong nhân dân - Ảnh minh hoạ Internet

Sau doanh nhân, tôi nghĩ đến lớp trẻ - đó là lực lượng, dẫu muốn hoặc không sẽ làm chủ tương lai, trên bất cứ lĩnh vực nào. Lớp trẻ chiếm 40% tổng số dân có mặt khắp mọi nơi xung yếu, đặc biệt ở những tuyến đầu, những mũi nhọn - đó là sự thật đã được chứng minh gắn với vinh quang của dân tộc trong các chiến công giữ nước. Tuổi trẻ hôm nay vẫn là lực lượng chủ công trong các phong trào khởi nghiệp. Chỉ cần tiếp tục đẩy mạnh và đi đến cùng những cải cách trong giáo dục, từ là giáo dục nhồi nhét kiến thức, số lớn là vô bổ đến giáo dục với mục tiêu làm người và khởi nghiệp; tạo môi trường văn hóa, đạo đức lành mạnh trong các cộng đồng lớn nhỏ, bắt đầu từ đơn vị gia đình và nhà trường; tìm được sự thân thiện rộng khắp của bộ máy công quyền từ thấp lên cao…, thì hẳn chắc thông qua hoạt động của các hội, đoàn và các diễn đàn lớp trẻ, sớm muộn những sắc màu u ám trong bức tranh hôm nay sẽ thay đổi.

nlntv-datnuoc-1662435477.jpg
Ảnh minh hoạ Internet

Cuối cùng là giới trí thức khi “xã hội học tập” và “nền kinh tế trí thức” đang là các khái niệm ở cửa miệng mọi tầng lớp hôm nay. Trở lại lịch sử dân tộc Việt nhiều nghìn năm, rõ ràng chưa bao giờ vắng thiếu vai trò người trí thức, trong sự tôn vinh những gương mặt như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Thiếp, Phan Bội Châu… Khởi đầu thời đại Hồ Chí Minh đó là sự tập hợp gần như tuyệt đối những gương mặt trí thức tiêu biểu được đào luyện trong trường học của xã hội thuộc địa. Nửa sau thế kỷ XX là con số cực kỳ đông đảo của giới trí thức thuộc mọi ngành nghề chuyên môn làm nên gương mặt văn hóa, nghệ thuật, khoa học thời hiện đại. Với giới trí thức tôi nghĩ đến những trung tâm có tên gọi như Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Văn hóa – thể thao; Viện Hàn lâm Khoa học - công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội; Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật, Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật, cùng với tất cả những tên trường Đại học có mặt trong khắp cả nước… Nhưng dẫu với sự hấp dẫn của những tên gọi như thế tôi vẫn thấy thiếu một cái gì nó là một diễn đàn cho giới trí thức nói chung. Một diễn đàn, ở đó người trí thức được phát biểu tự do, trong tinh thần phản biện, và với ý thức công dân cao nhất. Một diễn đàn như thế xem ra là chưa có; còn báo chí truyền thông chuyên ngành thì rất nhiều. Một diễn đàn mà mọi giới trí thức thuộc rất nhiều ngành nghề trong xã hội cùng quan tâm, nhằm vào lợi ích tối cao và dài lâu của dân tộc.

Thời hưng thịnh của bất cứ dân tộc nào cũng là thời mà trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân đều được huy động; thời của những hội nghị Diên Hồng lớn nhỏ. Với giới trí thức mà sản phẩm cơ bản là các ý tưởng; họ cần có diễn đàn, tức là có nơi để phát ngôn một cách chính thức, không phải với tư cách chuyên gia cho một ngành nghề cụ thể nào đó, mà là cho một thành phần quan trọng của xã hội.

Nhân cách hiểu này tôi muốn trở lại sự nhận thức về bức tranh xã hội trong cấu trúc của các thành phần. Thời phong kiến đó là Sỹ, Nông, Công, Thương. Thời hiện đại sau 1945 ở ta, do áp lực của lý thuyết đấu tranh giai cấp đưa tới chủ nghĩa thành phần (kéo dài cho đến thập niên 1990) mà có lúc là Công Nông Binh và Trí thức; là Bần, Cố, Trung nông - Phú nông, Địa chủ; là Vô sản - Tư sản và Tiểu tư sản. Tùy vào các quan niệm trên mà có một hình dung riêng về xã hội trong tổng thể hoặc cho từng thời kỳ.

nlntv-trithuc-1662438025.jpg
Ảnh minh hoạ Internet

Phải đến thời hội nhập, từ cuối thập niên 1990 trong tiếp xúc với Xã hội học phương Tây (chứ không phải Xã hội học tư sản - được hiểu theo nghĩa tiêu cực trong cả một thời dài) ta mới có một nhận thức mới về 5 thành phần cư dân cấu tạo nên xã hội hiện đại. Đó là: giới hoạt động chính trị; giới hoạt động hành chính; giới doanh nhân; giới trí thức; và giới những người lao động. Ở bài này, tôi đề cập giới doanh nhân, giới trí thức, và những người trẻ tuổi là bộ phận chủ đạo tham gia vào giới người lao động.

Còn hai giới hoạt động chính trị và giới hành chính lại thuộc về một thành phần đặc biệt của cư dân, có một vai trò khác, không chỉ là quan trọng mà còn là quyết định, thiếu họ thì đương nhiên mọi việc sẽ bất thành. Đó là vai trò lãnh đạo, quản lý, định hướng, điều chỉnh, đồng hành, động viên, khích lệ, chia sẻ…

Theo quan sát của tôi, những năm gần đây xã hội ta đang có những chuyển động đáng mừng trên nhận thức này. Mong sao từ nhận thức mà tạo được những chuyển động và thay đổi trong thực tiễn. Có vậy đất nước mới đến được sự phát triển nhanh và bền vững như mong mỏi của nhân dân, và yêu cầu của thời đại ./.

 GS. Phong Lê  

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nguon-luc-nao-tao-nen-su-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-cho-dat-nuoc-a6520.html