Nhóm điều dưỡng khó tuyển dụng
Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM diễn ra chiều 30/8, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết 6 tháng đầu năm, nhìn chung hoạt động khám chữa bệnh, hóa xạ trị, phẫu thuật cho bệnh nhân đều vượt chỉ tiêu đề ra.
Khi cơ sở 2 ở TP Thủ Đức hoạt động, nơi đây có 800 nhân viên. Bệnh viện cũng chuyển tất cả bệnh nhân nội trú của khu xạ trị, các khoa Nội 4, Nội 2, khoa Chăm sóc giảm nhẹ từ cơ sở 1 sang cơ sở 2 và triển khai 6 máy xạ trị tại đây.
Từ đầu năm 2021 đến nay đã có hơn 130 người thôi việc, trong đó có 19 bác sĩ, 46 điều dưỡng. Tính riêng 8 tháng năm nay, tỷ lệ bác sĩ xin nghỉ giảm 3% nhưng điều dưỡng nghỉ việc tăng đến 20%.
Theo bác sĩ Thịnh, người nghỉ việc đưa ra lý do vì hoàn cảnh gia đình. Tuy nhiên khi tìm hiểu phía bệnh viện thấy rằng nhiều trường hợp xin thôi việc xuất phát từ xa vị trí làm việc. Cụ thể, có những nhân sự nhà ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ phải chạy 20 - 30km đến TP Thủ Đức làm việc mỗi ngày.
Nhận ra bất cập trên, phía bệnh viện cố gắng hỗ trợ cho các nhân sự ở cơ sở 2 mỗi tháng một triệu để lo việc di chuyển, xăng cộ, ăn uống...
"800 nhân sự là 800 triệu đồng mỗi tháng, bệnh viện phải trích từ quỹ phát triển sự nghiệp để hỗ trợ. Ngoài khoản tiền trên, chúng tôi cũng rất lo về vấn đề an toàn, thời tiết mưa gió khi nhân viên làm xa", ông Thịnh tâm tư.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhận định, Bệnh viện Ung bướu TPHCM là một trong những đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Số lượng bệnh nhân của các bệnh viện giảm bình quân từ 40-60%, dẫn đến tất cả các nguồn thu đều giảm.
Sau thời gian giãn cách dài, nhiều bệnh nhân quay lại trong tình trạng chậm trễ điều trị, khiến bệnh phát triển phức tạp hơn.
Về tình hình nghỉ việc, ông Nam rất lo lắng ở nhóm điều dưỡng. Thực tế hiện nay, rất nhiều cơ sở không tuyển dụng được điều dưỡng, trong khi đó bác sĩ lại tuyển dễ.
Có thể hỗ trợ về xe buýt, nơi ở
Sau khi nghe các ý kiến, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - xã hội của HĐND TPHCM, đề nghị thành viên chuyên trách của ban ngồi lại với bệnh viện và Sở Y tế để hệ thống lại các khó khăn và kiến nghị. Từ đây, các thành viên sẽ tham mưu cho thường trực HĐND TPHCM ra văn bản gửi đến UBND TPHCM để có sự tháo gỡ.
Ông Bình ghi nhận những đóng góp, hy sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt là trong thời điểm chống dịch Covid-19.
Đồng thời, ông tỏ ra quan ngại khi nhân viên một bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối thu nhập trung bình chỉ hơn 8 triệu đồng mỗi tháng.
Ông Bình nêu quan điểm, cần nghiên cứu thêm để có cơ chế, chính sách đặc thù cho đội ngũ y tế theo từng lĩnh vực. "Trước đó, ngành y tế đã từng đề xuất chính sách đối với y tế cơ sở. Giờ chính sách về y tế chuyên sâu là cái gì", ông Bình đặt câu hỏi.
Về vấn đề nơi làm việc xa, ngoài việc bệnh viện cố gắng hỗ trợ mỗi nhân viên làm tại cơ sở 2 số tiền một triệu đồng mỗi tháng, ông Bình cho biết, HĐND TPHCM cũng có gói 1.000 tỷ đồng trợ giá xe buýt. Ông đề nghị bệnh viện có thể tính toán tuyến xe buýt từ cơ sở 1 sang cơ sở 2, xem thời gian nào nhân viên y tế đi làm để tìm cách hỗ trợ.
Trưởng ban Văn hóa - xã hội của HĐND TPHCM cho rằng cũng có thể đề xuất về chính sách nhà ở. Hiện TP Thủ Đức đã khởi công gần 10.000 căn nhà ở xã hội. Khu vực này cũng có những cơ sở không phải xây bán mà giao về Nhà nước để cho thuê, có thể tính toán tạo điều kiện hỗ trợ cho y bác sĩ.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhieu-bac-si-dieu-duong-o-benh-vien-5800-ty-xin-nghi-viec-a6442.html