Hồn quê sắc tộc trong tác phẩm của hoạ sỹ Thang Trần Phềnh

“Tác giả cuốn sách đã làm sống lại được một con người, một sự nghiệp hầu như đã bị bao phủ bởi lớp bụi của thời gian và qua con người ấy, sự nghiệp ấy, cả một thời kỳ vang bóng xa xưa của hội họa Việt Nam cũng bỗng hiện về và trở nên sống động lạ thường…”.

nlntv-thang-tran-phenh-1661497455.jpg
Tác phẩm của Hoạ sỹ Thang Trần Phềnh

Cuốn sách THANG TRẦN PHỀNH – Hồi ký và tác phẩm (Lê Quang Tuyến sưu tầm và tập hợp), khổ 22,5 x 28 cm, độ dày 117 trang, Nhà xuất bản Thế giới 2021. Ngoài một số trang mang tính mở đầu giới thiệu cùng “Một tiểu luận về Thang Trần Phềnh” của nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt (14 trang); Phần còn lại là: “Thang Trần Phềnh: hồi ký (28 trang); Thang Trần Phềnh: tác phẩm hội họa và trang trí sân khấu” (75 trang). Trong đó có trên 70 bức vẽ gồm các thể loại tranh phong cảnh, ký họa, phác thảo trang phục nhân vật sân khấu, trang trí bối cảnh vở diễn bằng nhiều chất liệu khác nhau. Những tác phẩm của ông đa phần, không hoành tráng to lớn về hình thức kích cỡ, màu sắc không rực rỡ choáng ngợp. Nhưng nội dung hàm chứa sâu rộng về cả không gian và thời gian. Với những gam màu trầm ấm, lặng lẽ mà nhẹ nhàng tươi sáng, gợi mỹ cảm bởi nét duyên dáng, tỉ mỉ, chân thực , càng xem càng thu hút, gần gũi, mang lại những rung động về cảm xúc chất hồn quê, sắc tộc Việt Nam.

Dưới con mắt quan sát hiện thực sâu sắc của họa sĩ, từ đối tượng ngoại cảnh đi vào nội tâm bằng trình độ kỹ xảo tinh tế, làm chủ chất liệu họa phẩm trong hệ thống nhịp điệu sắc màu đỏ, nâu mặn mòi trong trẻo. Đã đưa ta trở về quá khứ với những hình ảnh sinh hoạt thanh bình chốn bến sông, xóm nhỏ, chợ quê, góc hè nơi phố thị… Đặc biệt ở mảng trang phục của con người thể hiện trong từng bức vẽ. Đã phác họa lên một phần sử liệu phong phú khá chính xác về đặc trưng hình dáng, màu sắc đến tính chất vật thể, hoàn cảnh, cách mang vận của chủ nhân đương thời.

Từ vòng khăn lượt đơn sơ quấn trên mái tóc; khăn xếp đội ngay ngắn; tấm khăn vuông vuông mỏ quạ tùm hụp trên đầu, cái áo cánh bằng vải màu nâu non; áo dài tứ thân đổi vạt; chiếc quần ta màu trắng “cháo lòng” nhờ đục; tấm áo bông sờn rách có đôi miếng vá trên lưng màu đen bạc phếch; nón lá gồi ngả màu tro xám bờn chợt bong vành. Đến chiếc mũ ô sa cách chuồn nghiêm chỉnh, áo gấm đại triệu tay thụng cầm hốt ngà đường bệ, chiếc lọng bằng lụa cán dài xòe tán rộng, áo dài năm than tay chẽn chất the mỏng vượt cho tới những khối hình đa chiều, đa diện tích với nét bút thanh – đậm, vờn – lượn… trên các mảng chạm trổ rồng mây cuộn cảnh triều đình…
Vượt lên nhiều cung bậc thụ cảm về cái đẹp qua những tác phẩm của ông thì có một khúc nhịp thẳm sâu nhất đi vào con tim. Đó là sự hài hòa của màu sắc: trời mây sông nước, cảnh vật và con người tương hợp cùng nhập vào thế giới kỳ diệu của màu nâu sồng, thâm đen chân chất mang một vẻ đẹp thuần Việt. 

Có thể định danh gọi ông là người họa sĩ tả chân tài hoa, mang dấu ấn rất riêng của Trần Phềnh, ít gặp trong dòng chảy của hội họa Việt Nam ở thời điểm đó.

Và như lời Nhà xuất bản Mỹ thuật đã viết trong cuốn sách: Thang Trần Phềnh của Ngô Kim Khôi ra mắt ngày 19/8/2018 tại Nhà triển lãm Mỹ Thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội:… “Tác giả cuốn sách đã làm sống lại được một con người, một sự nghiệp hầu như đã bị bao phủ bởi lớp bụi của thời gian và qua con người ấy, sự nghiệp ấy, cả một thời kỳ vang bóng xa xưa của hội họa Việt Nam cũng bỗng hiện về và trở nên sống động lạ thường…”.

nlntv-thang-tran-phenh-1-1661498900.jpg
Chân dung hoạ sỹ Thang Trần Phềnh - Ảnh minh hoạ Internet

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, người “nhen lửa” đi tìm quá khứ với những “mảnh ghép” về cuộc đời và sự nghiệp họa sĩ Thang Trần Phềnh, ngọn lửa từ sự tâm thành nơi xa xứ hướng về văn hóa dân tộc của tác giả, đã lan tỏa đồng nhịp với lòng tri ân, trân trọng những giá trị nghệ thuật của bậc tiền bối ấy; Đến hôm nay, một cuốn sách tiếp theo về ông với tiêu đề: Thang Trần Phềnh – Hồi ký và tác phẩm cùng dự kiến trưng bày phòng tranh triển lãm của nhà sưu tầm nghệ thuật Lê Quang Tuyến thì đã mang lại ý nghĩa to lớn. Ví như người “hậu đài” kéo tấm màn nhung trên sân khấu, mở ra trang đời, nguồn tâm của họa sĩ Thang Trần Phềnh: từ lúc còn bé thích vẽ, biết vẽ rồi bước chân vào con đường nghệ thuật khởi nghiệp “trình làng” bằng tác phẩm đầu tay “Chùa Trấn Quốc trong buổi hoàng hôn” chất liệu thuốc nước (aquarelle) bày ở Đấu xảo mỹ thuật (Expesition des Beaux Art) đã lọt vào “mắt xanh” nhà sưu tập ngoại quốc lúc ông mới 15 tuổi; Rồi tự nghiên cứu, thử nghiệm tìm bút pháp. Và năm 17 tuổi, vẽ tranh phong cảnh bằng sơn dầu; Năm 19 tuổi, chính thức hoạt động trong lĩnh vực sân khấu trang trí phông cảnh; Tới năm 31 tuổi (1926) vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; Năm 36 tuổi (1931) tốt nghiệp. Suốt cả quãng thời gian trước khi “tu nghiệp” trong lúc đang học tập mang tính chính quy “hiện đại”, cũng như sau khi tốt nghiệp, luôn song hành sáng tác hội họa, thường xuyên có tác phẩm trưng bày ở phòng Đấu xảo Mỹ thuật, hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội), triển lãm ở ngoài nước được đặt mua khá nhiều và thiết kế mỹ thuật sân khấu, cho đến khi mãn quả “nghiệp duyên” cầm bút vẽ ở tuổi 77 vẹn toàn. Mà những bức vẽ hiện hữu ở đây chỉ đại diện cho một số nhỏ trong nhiều tác phẩm về hội họa cũng như các công trình trang trí sân khấu kiến trúc... của ông đã sáng tác.

Với nội dung “kép” trong cuốn sách này (Thang Trần Phềnh – Hồi ký và tác phẩm) còn có tính nhân văn sâu sắc. Bởi giá trị hồi ký và tác phẩm là hai phần quan trọng về tính chứng thực của một con người, để hậu thế chiêm nghiệm, tự hào về văn hóa nghệ thuật đậm sắc màu thời gian, màu trí tuệ của dân tộc, đã thổi hồn vào tác phẩm của họa sĩ Thang Trần Phềnh.

PGS. TS Đoàn Thị Tình - Viện Nghiên cứu Sân khấu nghệ thuật

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/hon-que-sac-toc-trong-tac-pham-cua-hoa-sy-thang-phan-phenh-a6330.html