Để khắc phục bất cập này, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố đã tập trung triển khai các chương trình phát triển nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc cần phải tháo gỡ để công nhân các khu công nghiệp được tiếp cận với loại hình nhà ở này, cải thiện điều kiện sống.
Năm 2007, thành phố Hà Nội bắt đầu thí điểm đầu tư xây dựng khu nhà ở dành cho công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh.
Đến nay, hệ thống hạ tầng khu nhà ở dành cho công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã được xây dựng tương đối đồng bộ. Đây là dự án nhà ở tập trung dành cho công nhân đầu tiên của cả nước, được quy hoạch đồng bộ trên khu đất rộng 20ha, gồm 24 tòa nhà năm tầng, bốn tòa nhà 15 tầng, đáp ứng khoảng 11.500 chỗ ở, cùng các thiết chế như nhà trẻ, trường học, y tế, nhà văn hóa, trung tâm thương mại, dịch vụ...
Thiếu trầm trọng nhà ở cho công nhân
Chị Nguyễn Thị An, quê ở tỉnh Thái Bình, là công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, trước đây chị và em gái thuê phòng trọ rộng gần 20m2 tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, với giá 1,6 triệu đồng/tháng, chưa kể chi phí điện, nước sinh hoạt tính theo giá kinh doanh, khiến tổng chi phí thuê nhà trọ mỗi tháng gần ba triệu đồng, nhưng điều kiện sinh hoạt kém và không bảo đảm an ninh.
Từ khi chuyển sang làm việc tại Công ty Nissel Electric Hà Nội, chị được công ty bố trí ở miễn phí trong khu nhà tập trung trong khu công nghiệp, phòng ở tiện nghi, bảo vệ trực 24/24 giờ, giúp chị An và các công nhân luôn có cảm giác an tâm.
Tương tự như vậy, chị Đặng Thị Hằng, quê ở huyện Mê Linh (Hà Nội), làm công nhân Công ty Canon đóng tại Bắc Ninh cho biết: “Tôi làm ở công ty được hai năm nay, được công ty hỗ trợ ở ký túc xá có đủ tiện nghi, mỗi tháng chỉ trả 50 nghìn đồng và không phải trả thêm tiền điện nước. So với ở trọ bên ngoài thì ở ký túc xá tiết kiệm được rất nhiều, an ninh trật tự bảo đảm”.
Tuy nhiên, những khu nhà ở cho công nhân nêu trên chỉ là vài điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh toàn cảnh về nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp trong cả nước. Theo số liệu của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025, riêng cho đối tượng công nhân khu công nghiệp cần khoảng 163.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 82 nghìn tỷ đồng.
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030 phấn đấu có 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, giúp 70% số công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất có được ngôi nhà của riêng mình. Nhưng đến nay mới có 122 dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân, lao động, chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu.
Thiếu nghiêm trọng nhà ở cho công nhân là hiện trạng diễn ra phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp.
Thành phố Hải Phòng hiện có 12 khu công nghiệp đang hoạt động với khoảng hơn 180 nghìn lao động, trong đó có khoảng hơn 50 nghìn lao động ngoại tỉnh có nhu cầu cấp bách về nhà ở.
Tỉnh Bắc Ninh có 10 khu công nghiệp tập trung đã đi vào hoạt động với khoảng 331 nghìn công nhân lao động, trong đó có 193 nghìn người ngoại tỉnh, nhưng chỉ có khoảng 39 nghìn công nhân đang ở tại các khu nhà ở công nhân tập trung (chiếm khoảng 26%), còn khoảng 110 nghìn công nhân đang ở trọ tại các khu nhà ở do nhân dân xây dựng.
Tỉnh Thái Nguyên có 100 nghìn công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, ngoài Công ty Samsung Thái Nguyên xây dựng ký túc xá để bố trí chỗ ở cho hơn 10 nghìn lao động của mình, hơn 27 nghìn công nhân thuê nhà ở trọ ở bên ngoài.
Đáng lưu tâm nhất là địa bàn tỉnh Đồng Nai, nơi tập trung 31 khu công nghiệp với hơn 1,2 triệu công nhân, trong đó chiếm khoảng 70% người lao động nhập cư, nhu cầu về nhà ở rất bức thiết.
Từ Quảng Bình vào Đồng Nai làm công nhân ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Nhân Da thuê căn phòng trọ rộng 9m2 để ở cùng gia đình. Đợt dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, sau ba tháng thất nghiệp, gia đình anh Da không thể tiếp tục cầm cự được nữa, cho nên anh và nhiều công nhân cùng dãy trọ quyết định chạy xe máy vượt hơn 1.000km để về quê.
Hầu hết các khu nhà mà công nhân thuê ở trọ trong các khu dân cư đều không bảo đảm về hạ tầng xã hội, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, thiếu các thiết chế văn hóa, khó có thể tái tạo tốt sức khỏe cho người lao động sau giờ làm việc.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý cho biết: “Sau đợt dịch Covid-19, những khó khăn của người lao động khi sinh sống tại các khu trọ càng bộc lộ rõ. Do điều kiện sinh hoạt chật chội, thiếu tiện nghi, hầu hết công nhân sống trong các nhà trọ bị lây nhiễm dịch, có những khu trọ có hàng trăm F0”.
Ngoài ra, việc thiếu nơi ở tập trung cho công nhân gần nơi làm việc, khiến nhu cầu đi lại lớn hơn, tăng áp lực lên hệ thống giao thông. Khu công nghiệp Vsip trên địa bàn huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), mỗi ngày có hàng chục nghìn công nhân từ các nơi đến làm việc. Vào các buổi sáng, tại ngã ba vào khu công nghiệp này thường xuyên có hàng nghìn xe máy cùng hàng trăm xe ô-tô chở khách cỡ lớn đưa đón công nhân từ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương sang đi làm, khiến giao thông luôn bị ùn tắc cục bộ.
Cố gắng để xóa “món nợ” đối với người lao động
Trước nhu cầu bức thiết về nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, chính quyền các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để thu hút lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến làm việc, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao tại các khu công nghiệp hiện nay. Có địa phương coi việc thiếu nhà ở xã hội cho công nhân như là “món nợ” của tỉnh đối với người lao động, nên nỗ lực để khắc phục.
Tháng 7/2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, trong đó nêu rõ nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp và bảo đảm chỗ ở ổn định cho công nhân và phát triển nhà ở công nhân gắn liền với trách nhiệm của người sử dụng lao động, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, chính quyền địa phương và các tổ chức công đoàn.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới 1 triệu 250 nghìn m2 sàn nhà ở xã hội; xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại; rà soát, điều chỉnh quy hoạch để bố trí, quy hoạch bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, phấn đấu đến năm 2030, tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ người lao động.
Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, từ năm 2021, thành phố Hải Phòng, Ban Quản lý Khu Kinh tế cùng các doanh nghiệp tập trung cao để vượt qua các “cửa ải” quy trình thủ tục, điều chỉnh quy hoạch, thủ tục về đất đai, cấp phép xây dựng..., để thực hiện được dự án nhà ở công nhân.
Trong quý I/2022, Ban Quản lý Khu Kinh tế đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hai dự án xây dựng nhà ở công nhân của Công ty TNHH Pegatron Việt Nam và Công ty TNHH Universal Scientific Industrial Việt Nam. Đây là sự khởi đầu mạnh mẽ cho thấy quyết tâm cao của Hải Phòng khi huy động chính các doanh nghiệp vào cuộc nhằm tạo đột phá trong xây dựng nhà ở công nhân. Cùng với đó, thành phố cũng triển khai việc xây dựng nhà ở xã hội giá rẻ tại các khu vực quy hoạch nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp và các khu vực phụ cận để bán cho công nhân.
Tỉnh Thái Nguyên đã cấp các thủ tục hành chính, cấp giấy phép xây dựng cho Công ty cổ phần Bình Minh Phát triển khai dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại phường Tích Lương, thành phố Thái Nguyên trên diện tích hơn 11ha với 924 căn hộ, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Đức Khánh cho biết, từ nay đến năm 2030, tỉnh dành 41 vị trí, quỹ đất với diện tích 160ha tại các khu vực gần khu công nghiệp để thu hút đầu tư xây dựng khoảng 35 nghìn căn nhà ở xã hội, giải quyết chỗ ở cho công nhân, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển kinh tế của tỉnh.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai cần ít nhất hơn 200 nghìn căn nhà giá rẻ để đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, sau đợt dịch Covid-19 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc làm việc về chương trình phát triển nhà ở xã hội, yêu cầu mỗi địa phương có khu công nghiệp phải đầu tư ít nhất từ hai đến ba khu nhà ở xã hội. Tỉnh phấn đấu từ nay đến năm 2025, sẽ xây dựng 10 nghìn căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Để có quỹ đất làm nhà ở xã hội, tỉnh đã rà soát tính toán đưa một số vị trí đất công chuyển sang làm nhà ở xã hội vào quy hoạch để xây dựng. Qua rà soát trong 31 khu công nghiệp trên địa bàn còn 132ha đất quy hoạch làm khu thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, để lấy quỹ đất này thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, Đồng Nai kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xin cho điều chỉnh quy hoạch.
Tuy nhiên, quá trình đầu tư xây dựng nhà ở công nhân hiện nay còn một số vấn đề cần được tháo gỡ.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng Viglacera (trụ sở tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết:
Doanh nghiệp triển khai khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Yên Phong với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, trên diện tích 9,8ha, tổng số hơn 2.000 căn hộ. Đến tháng 11/2021 đã hoàn thành được 512 căn, nhưng gần một năm sau, công ty mới bán được cho người lao động trong khu công nghiệp hơn 30 căn, nguyên nhân do nhiều công nhân không đáp ứng được tiêu chí về đối tượng để được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, nhất là tiêu chí về thuế thu nhập cá nhân.
Theo quy định của Luật Nhà ở, đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhiều công nhân phải nộp thuế thu nhập (thực chất là do làm tăng ca, làm thêm giờ...), nhưng phần lớn thu nhập sau khi nộp thuế phải gửi về gia đình, chỉ giữ lại một phần nhỏ để chi trả cho cuộc sống hằng ngày, cuộc sống hết sức khó khăn, nhưng vẫn không đủ điều kiện để hưởng chính sách về nhà ở xã hội.
Bất cập này cần được các ngành chức năng xem xét, để sửa đổi một số quy định của Luật Nhà ở cho phù hợp hơn, điều chỉnh mở rộng đối tượng được mua nhà cũng như cho phép các tổ chức, doanh nghiệp có thể thuê, mua nhà ở xã hội cho công nhân ở. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định thống nhất về các thủ tục mua nhà đối với người lao động, bảo đảm chặt chẽ nhưng cũng thông thoáng, không gây khó khăn cho những người có nhu cầu mua nhà thật sự.
NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhieu-giai-phap-phat-trien-nha-o-cho-cong-nhan-a6325.html