Mark Galeotti, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu về quan hệ quốc tế Praha, cho biết: “Công tác tuyển (trong lĩnh vực tình báo, thuật ngữ này chỉ việc tuyển dụng người vào lưới điệp báo của một cán bộ hoạt động - người vận hành một lưới điệp báo) phải được thực hiện thành một quá trình lôi kéo lâu dài”. Để lôi kéo một đối tượng, cơ quan tình báo phải tiến hành nhiều bước hết sức cụ thể, tỉ mỉ và không để lại dấu vết. Các bước chuẩn bị này bao gồm việc rà soát đối tượng cần tiếp cận, xây dựng vỏ bọc cho người tiếp cận, thiết lập tổ chức bình phong trong giới khoa học, tiến hành nhiều hội thảo khoa học, và tiếp cận mục tiêu khi điều kiện chín muồi.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Trong câu chuyện đề cập đến vấn đề tuyển người vào lưới điệp báo của CIA, cơ quan này phải chuẩn bị hàng tháng trời để có thể tiếp cận được đối tượng của mình. Trong đó, vấn đề khó khăn nhất là điệp vụ được cử tới các cuộc hội thảo khoa học khó có thể nắm bắt được vấn đề khoa học là chủ đề của hội thảo. Thêm vào đó, giới học thuật trong một lĩnh vực thường biết rõ lẫn nhau. Vì thế, không dễ gì để nói rằng: Tôi là Tiến sĩ A, ở Trường Đại học B, chuyên ngành C. Đối tượng cần tiếp cận sẽ nhanh chóng kiểm chứng được thông tin này bằng cách hỏi lại rằng Ông có biết Giáo sư D ở đó không… Chính vì lẽ đó, các điệp vụ phải có cách tiếp cận riêng.
Theo Gene Coyle, người từng làm việc cho CIA từ năm 1976 đến 2006, điệp vụ CIA sẽ tìm cách liên hệ với một giáo sư về lĩnh vực liên quan của hội thảo, đề nghị tài trợ đi lại, ăn ở để vị giáo sư này có thể có mặt tại một cuộc hội thảo khoa học nào đó có đối tượng mà CIA đã lựa chọn. Sau đó, điệp vụ CIA này bắt đầu xây dựng vỏ bọc cho mình thành một doanh nhân. Một công ty sẽ được đăng ký thành lập cùng với một website và tên miền (domain) chính thức. Điệp vụ này cũng sẽ tạo hóa đơn, thẻ tín dụng, số điện thoại liên lạc cho công ty “không tồn tại” này, và tất nhiên là cả một biệt danh cho bản thân.
Viên điệp vụ này thực ra chẳng biết chút nào về khoa học. Vì vậy, anh ta sẽ không thể nói chuyện với đối tượng cần tiếp cận về nội dung chuyên môn của hội thảo. Thay vào đó, hiểu rằng phần lớn các nhà khoa học đều là người hướng nội, anh ta sẽ đi tới gần đối tượng bên lề cuộc hội thảo và nói: “Ông có thấy ghét chỗ đông người như tôi không?”, rồi đi ngay. Như vậy là đã hoàn thành bước một. Khuôn mặt viên điệp vụ sẽ được ghi vào bộ nhớ đối tượng. Sẽ là sai lầm lớn khi tiếp cận đối tượng ngay trước mặt người khác mà rất có thể họ lại là lực lượng giám sát từ nước chủ quản của đối tượng. Tiếp theo, trong suốt phần còn lại của cuộc hội thảo, viên điệp vụ sẽ chạy qua chạy lại và liên tục đụng mặt đối tượng nếu có cơ hội. Mục đích là để ghi đậm hơn dấu ấn hình ảnh của mình vào tâm trí nhà khoa học kia.
Bước tiếp theo sẽ là vờ như ngẫu nhiên nói với đối tượng một câu đại loại như: “Tôi vừa mới đọc một bài báo về chủ đề XYZ mà tôi không nhớ rõ của tác giả ABC nào đó”. Nhà khoa học kia sẽ đỏ mặt mà bảo rằng tác giả bài báo khoa học đó chính là ông ta. Thực hiện xong bước này thì viên điệp vụ gần như sẽ chắc chắn mời được đối tượng của mình đi ăn trưa. Tại bữa trưa, viên điệp vụ sẽ giới thiệu công ty của mình, cho biết rằng công ty này đang quan tâm tới lĩnh vực mà nhà khoa học kia đang nghiên cứu và đề xuất đầu tư một khoản tiền nào đó cho một dự án nghiên cứu về lĩnh vực đó. Tất nhiên là nhà khoa học bị tiếp cận sẽ đồng ý, bởi các nhà khoa học luôn quan tâm tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu. Khi nhận tiền của một cơ quan tình báo nước ngoài, bất kể vì mục đích gì, thì điều đó cũng có nghĩa là đối tượng đã bị ràng buộc.
Kết thúc “hội thảo”
Việc tiếp theo của viên điệp vụ là tiếp tục tài trợ cho đối tượng làm dự án và đi dự các hội thảo liên quan. Thông qua mạng lưới các công ty thương mại, cơ quan tình báo sẽ đầu tư tài chính và bố trí một cuộc hội thảo quyết định ở một địa điểm không gây nghi ngờ, mời các nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan tới hội thảo trình bày tham luận để sự kiện diễn ra đúng như một cuộc hội thảo khoa học thực sự. Tất cả không gian quanh nơi diễn ra hội thảo, từ bếp ăn cho tới phòng họp, được cài cắm nhiều điệp vụ với mục đích tách được đối tượng ra khỏi lực lượng giám sát vài phút. Để làm được điều này, đôi khi các điệp vụ phải dùng đến tiểu xảo để vô hiệu hóa lực lượng giám sát như bỏ hóa chất vào đồ ăn, khiến của lực lượng này bị tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt, nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Khi thời cơ chín muồi, tiếng gõ cửa phòng khách sạn sẽ vang lên và xô nước đá sẽ được mang ra khỏi phòng lúc nửa đêm. Mọi thủ tục như visa, hộ chiếu, bố trí di tản gia đình đối tượng sẽ được đảm bảo thuận lợi tối đa sau đó.
Thêm một lý do nữa cho việc các cơ quan tình báo như CIA đầu tư nhiều công sức vào các hội thảo khoa học là ở chỗ ngoài việc tìm cách lôi kéo các nhà khoa học về làm việc cho mình, thông tin từ các hội thảo khoa học có thể giúp định hình chính sách (hoặc là cái cớ cho thực thi chính sách). Trên thực tế, thông tin từ các cuộc hội thảo khoa học chuyên ngành hóa học, sinh học và hạt nhân là một phần khiến chính quyền Mỹ tin rằng Iraq đang phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Mặc dù những thông tin này về sau được cho là sai, nhưng nó đã được CIA cung cấp cho chính quyền từ những nguồn khoa học “được coi là tin cậy”.
John Kiriakou là cựu điệp vụ chống khủng bố của CIA nổi tiếng với hồi ký “Điệp viên bất đắc dĩ: Cuộc đời bí mật của tôi trong cuộc chiến chống khủng bố của CIA”. Năm 2012, sau khi John Kiriakou “rò rỉ” nhiều thông tin tình báo cho báo chí, ông đã trở thành nhân viên CIA đầu tiên bị kết án 30 tháng tù giam vì tội làm lộ thông tin mật cho báo chí và làm lộ danh tính của nhân viên CIA. Trong hồi ký của mình, John Kiriakou viết trong giai đoạn trước chiến tranh Iraq, các nhà khoa học trong lĩnh vực hóa học, sinh học và năng lượng hạt nhân của Iraq đã liên tục xuất hiện tại các hội thảo chuyên đề quốc tế. Rất có thể trong vụ này, từ thông tin cho thấy các nhà khoa học Iraq liên tục đi dự hội thảo quốc tế, các điệp vụ CIA đã đưa ra kết luận sai lầm rằng Iraq đang phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (do họ thiếu chuyên môn về hóa học, sinh học và năng lượng hạt nhân). Nhưng cũng rất có thể đó chỉ là một lời biện hộ, bởi điều quan trọng là khi một quyết sách được đưa ra thì chính quyền rất cần một lý do giải thích cho nó.
Bằng cách đưa người tham gia hội thảo khoa học quốc tế và tổ chức các cuộc hội thảo giả, CIA và nhiều cơ quan tình báo khác đã tiếp cận và lôi kéo được không ít nhà khoa học đang tham gia các chương trình quan trọng của đối thủ về với mình. Trong tương lai, chắc chắn sẽ còn nhiều nhà khoa học tiếp tục trở thành đối tượng tiếp cận và lôi kéo của các cơ quan tình báo thông qua phương thức này.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp từ The Guardian, The New Yorker)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/ho-so-mat-hoi-thao-khoa-hoc-va-thong-tin-tinh-bao-phan-2-a6297.html