Bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục

Vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để.

Trên đây là ý kiến của ông Trần Thanh Mẫn, ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội tại Hội nghị đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường, do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa- Giáo dục của Quốc hội, tổ chức chiều 22/8 tại Hà Nội.

nlntv-hoi-nghi-1661215903.jpg
Hội nghị đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường (Ảnh: Ng. Mạnh).

Chưa khắc phục triệt để bệnh thành tích, thiếu trung thực

Theo ông Trần Thanh Mẫn, văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, vì sự phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế.

Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT xác định văn hóa học đường là một môi trường quan trọng.

Nhiều văn bản chỉ đạo đã được cơ quan này ban hành, từ đó, 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và triển khai xây dựng Bộ quy tắc ứng xử.

Việc lồng ghép giáo dục văn hóa học đường trong chương trình giáo dục chính khóa đang dần phù hợp, hiệu quả.

Tiến hành đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt Đoàn, Đội; tăng cường liên hệ với thực tiễn, thầy cô giáo phải gương mẫu mọi nơi, mọi lúc…

nlntv-ong-tran-thanh-man-1661216059.jpg
Ông Trần Thanh Mẫn, ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội (Ảnh: Ng. Mạnh).

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thật sự sát sao, quyết liệt.

Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ; vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường chưa được phát huy đầy đủ.

Cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường của nhiều cơ sở giáo dục chưa xanh, sạch, đẹp.

Ý thức giữ gìn môi trường của một bộ phận học sinh, sinh viên còn hạn chế. Nội dung, phương pháp giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh chậm được đổi mới.

Kỷ cương nhà trường ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử.

Vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để.

Để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa học đường, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội chỉ đạo Bộ GD&ĐT thực hiện 6 nội dung trọng tâm.

Trong đó ông nhấn mạnh, ngành Giáo dục phải phát huy vai trò quan trọng của nhà trường tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố, hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử.

Tập trung xây dựng và hướng dẫn thực hiện các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử trong nhà trường, ngoài nhà trường và trên không gian mạng.

Xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường xanh, sạch, đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện.

nlntv-nguyen-dac-vinh-1661216164.jpg
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội (Ảnh: Ng. Mạnh).

Giáo viên thiếu gương mẫu phải xử lý nghiêm

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội cho rằng, hai trọng tâm lớn để xây dựng văn hóa học đường là xây dựng cảnh quan và hành vi ứng xử văn hóa trong nhà trường.

Trong đó, đối với nhà quản lý cần chuẩn mực từ đạo đức đến ứng xử cá nhân…

Với giáo viên, ảnh hưởng của người thầy đối với học trò là vô cùng lớn, do đó phải yêu cầu, quy định sự chuẩn mực, gương mẫu; đề cao sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề và giỏi phương pháp sư phạm. Giáo viên thiếu gương mẫu phải được xử lý nghiêm.

Đối với học sinh, sinh viên, các em phải được rèn luyện, bồi dưỡng trong các giờ học, trong các hoạt động của nhà trường, để hình thành các phẩm chất đạo đức, nhân cách từ những việc nhỏ nhất.

Đối với người lao động trong cơ sở giáo dục, cần được chuẩn hóa theo các chuẩn mực, bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường.

Tuy nhiên, ông cũng đề nghị việc xây dựng và ban hành các hệ giá trị văn hóa trong trường học thực hiện một cách khoa học, không áp đặt, không cầu toàn.

Các giá trị văn hóa được hình thành qua các hoạt động thực tiễn. Do đó, trường học cần tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thi đua để từng thành viên cảm nhận, thẩm thấu.

nlntv-nguyen-kim-son-1661216260.jpg
Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (Ảnh: Ng. Mạnh).

Ví dụ, việc xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp cũng phải do chính thầy cô, học sinh cùng làm mới đem lại hiệu quả.

Xây dựng văn hóa học đường phải gắn với chất lượng dạy và học trong nhà trường. 

Xây đi kèm với chống, kiên quyết chống lại các biểu hiện phi văn hóa/phản văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội cũng đề nghị cơ sở giáo dục xây dựng các mô hình điểm, nên bắt đầu từ những việc cụ thể hằng ngày.

Cấp ủy quan tâm chỉ đạo cụ thể hóa chủ trương xây dựng văn hóa học đường thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ hằng năm.

Chính quyền các cấp, ban giám hiệu nhà trường cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình công tác thường kỳ; phối hợp với các tổ chức đoàn, hội triển khai thực hiện…

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa học đường.

Trong đó, lấy tinh thần của khoa học, dân chủ làm phương diện rất quan trọng để tạo nên văn hóa học đường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận, một trong những vấn đề khiến một số không nhỏ các nhà giáo chuyển việc, bỏ việc thì ngoài thu nhập còn có yếu tố thuộc về môi trường làm việc. Vấn đề dân chủ trong cơ sở giáo dục đang cần phải rất nhấn mạnh.

"Nếu trong nhà trường các thầy cô làm gương tốt nhưng ra khỏi cổng trường gặp đầy các tấm gương xấu thì hiệu quả của việc giáo dục cũng trở nên mong manh", Bộ trưởng cho hay.
 

Mỹ Hà

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/benh-thanh-tich-su-thieu-trung-thuc-trong-giao-duc-chua-duoc-khac-phuc-a6261.html