Thế giới đón năm mới 2022 cẩn trọng và trầm lắng hơn vì biến thể Omicron

Khi bước vào tuần cuối cùng của năm 2021, chắc chắn nhiều người đều có cảm xúc đan xen. Đó là sự thở phào vì một năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nữa đã gần qua và nhen nhóm hy vọng năm 2022 sẽ chứng kiến thế giới thoát khỏi đại dịch.

Pháo hoa rực rỡ, tiếng chuông, tiếng nhạc tưng bừng, hàng đoàn người cùng tụ tập hân hoan náo nhiệt chào đón năm mới… Đó sẽ chỉ là hoài niệm từ 2 năm trước, khi thế giới chưa xuất hiện đại dịch Covid-19. Bởi năm nay, sự xuất hiện của biến thể Omicron một lần nữa làm tiêu tan các kế hoạch tổ chức chào đón năm mới 2022.

quang-truong-thoi-dai-o-new-york-da-chuan-bi-su-kien-chao-don-nam-moi-nhung-se-han-che-nguoi-tham-du-1640487575.jpg
Quảng trường Thời đại ở New York đã chuẩn bị sự kiện chào đón năm mới nhưng sẽ hạn chế người tham dự

Hàng loạt sự kiện chào năm mới bị hủy hoặc thu hẹp quy mô

Những ngày cuối năm này, nhiều nơi đang chật vật ứng phó với làn sóng đại dịch gia tăng trở lại cùng với sự xuất hiện biến thể mới Omicron. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 25-12, thế giới đã ghi nhận gần 280 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 5,4 triệu ca tử vong. Nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Italy ghi nhận số ca mắc trong ngày cao kỷ lục. Cụ thể, Anh ngày 24-12 ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, với 122.186 ca. Pháp cùng ngày cũng ghi nhận ngày có nhiều ca nhiễm mới nhất từ khi dịch bùng phát, với 94.124 ca. Italy cũng ghi nhận ngày thứ hai có số ca nhiễm mới cao kỷ lục, với 50.599 ca. Các con số này được cho là sẽ tiếp tục tăng cao do biến thể siêu lây nhiễm Omicron và mùa nghỉ lễ Giáng sinh. Điều đó khiến hầu hết các thành phố lớn trên thế giới phải hủy sự kiện đón năm mới 2022 để đảm bảo an toàn.

Theo CNN, ngày 23-11, Thị trưởng thành phố New York (Mỹ) Bill de Blasio thông báo sẽ thu hẹp quy mô tổ chức và giới hạn xuống còn 15.000 người được phép tham gia bữa tiệc mừng năm mới theo truyền thống tại Quảng trường Thời đại, một trong những địa điểm đón Giao thừa nổi tiếng nhất thế giới. Thông thường, có khoảng 58.000 người sẽ tập trung tại đây để chứng kiến thời khắc quả cầu pha lê rơi xuống, đánh dấu chuyển sang năm mới. Theo quy định mới, những người tham gia buộc phải đeo khẩu trang và có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. “Những biện pháp an toàn bổ sung này sẽ đảm bảo cho những người đã tiêm chủng đầy đủ được an toàn và khỏe mạnh khi chúng ta đón chào năm mới” - ông de Blasio nói. Số liệu thống kê cho thấy, trong ngày 22-12, New York đã ghi nhận gần 11.000 ca mắc mới Covid-19 tại 5 khu vực của thành phố này.

Trong khi đó, một số thành phố khác ở châu Âu, vùng tâm dịch Covid-19 hiện nay, cũng đã thông báo quyết định hủy hoặc tạm dừng sự kiện đón năm mới 2022. Cụ thể, Tân thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 21-12 cho biết, nước này sẽ không tổ chức bắn pháo hoa và tụ tập đông người tại các thành phố lớn bao gồm Thủ đô Berlin, Munich và Frankfurt. Là một trong những quốc gia châu Âu đang trải qua lan sóng dịch nghiêm trọng, Đức bắt đầu áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 từ ngày 28-12. Theo đó, Đức chỉ cho phép một nhóm tối đa 10 người gặp nhau ngoài trời, bất kể đó là những người đã được tiêm vaccine hay đã khỏi bệnh.

Cùng thời gian này, Thị trưởng London Sadiq Khan ngày 20-12 cho hay, sự kiện đón năm mới 2022 tại Thủ đô của Anh sẽ bị hủy bỏ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. “Do sự gia tăng nhanh chóng của số ca mắc Covid-19 mới, chúng tôi buộc phải đưa ra một quyết định vô cùng khó khăn là hủy bỏ sự kiện đón Giao thừa ở Quảng trường Trafalgar. Sự an toàn của người dân phải được đặt lên hàng đầu” - ông Sadiq Khan viết trên Twitter. Trước đó, sự kiện này được lên kế hoạch với sự tham gia của khoảng 6.500 người. Tuy nhiên, chương trình sẽ được thay thế bằng sự kiện phát sóng trực tiếp trên truyền hình trong đêm Giao thừa.

Tương tự, tại Italy, Thủ đô Rome là một trong những thành phố đã quyết định hủy bỏ các lễ hội và sự kiện đón năm mới để ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19. Vùng Campania cũng đã cấm tiệc tùng và uống rượu ở các khu vực công cộng từ ngày 23-12 đến 1-1-2022. Trong khi đó, Venice đã hủy bỏ các buổi hòa nhạc ngoài trời và bắn pháo hoa đêm giao thừa.

Cũng tại châu Âu, Paris, Thủ đô nước Pháp cũng quyết định hủy màn bắn pháo hoa truyền thống tại Đại lộ Champs-Elysées để chào đón năm mới 2022. Thủ tướng Pháp Jean Castex hôm 17-12 thông báo các bữa tiệc công cộng lớn và pháo hoa sẽ bị cấm vào đêm Giao thừa. Đồng thời, giới chức Pháp khuyến cáo những người đã tiêm vaccine nên tự đi xét nghiệm Covid-19 trước khi tham gia các bữa tiệc cuối năm.

Ở châu Á, quốc gia đông dân thứ hai thế giới Ấn Độ đã ban hành quy định cấm tất cả các cuộc tụ tập xã hội, văn hóa, chính trị và lễ hội cho đến khi có thông báo mới vì sự gia tăng của các ca mắc Covid-19 tại đây. Điều này có nghĩa, không có sự kiện văn hóa, tụ tập, hội họp nào diễn ra trong Giáng sinh hoặc năm mới đồng thời, các quán bar và nhà hàng tại Ấn Độ sẽ chỉ được phép hoạt động với 50% công suất.

Trong khi đó, tại Rio de Janeiro (Brazil), Thị trưởng Eduardo Paes hôm 18-12 đã thông báo trên Twitter cá nhân rằng, các buổi lễ ăn mừng dịp năm mới 2022 tại thành phố sẽ bị hủy bỏ do lo ngại về Covid-19. Ông Eduardo Paes chia sẻ: “Tôi rất buồn khi phải đưa ra quyết định này nhưng không thể tổ chức lễ kỷ niệm mà không có sự bảo đảm của tất cả các cơ quan y tế. Rất tiếc, chúng ta không thể tổ chức một bữa tiệc quy mô lớn như vậy. Có nhiều chi phí và công việc hậu cần liên quan mà không có thời gian tối thiểu để chuẩn bị”.

nguoi-dan-chau-au-don-nam-moi-voi-cac-bien-phap-that-chat-de-phong-dai-dich-1640487575.jpg
Người dân châu Âu đón năm mới với các biện pháp thắt chặt để phòng đại dịch

Lý do để lạc quan trong năm 2022

Nhìn lại năm 2021, thế giới đã có một số vaccine hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2, nhưng chỉ riêng tiêm phòng không giúp chấm dứt đại dịch Covid-19. Vaccine được ghi nhận làm giảm thiểu số ca tử vong và các bệnh nhân nặng, nhưng cũng có thực trạng phân phối không đồng đều và tỷ lệ do dự cao hơn dự kiến ở một số nơi. Cùng với đó, sự phục hồi của kinh tế thế giới đã không đạt được như kỳ vọng, chủ yếu là vì chúng ta chưa đến được giai đoạn “hậu đại dịch”, tức là virus gây đại dịch vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Thậm chí, ngay cả khi tăng trưởng kinh tế phục hồi đến mức trước đại dịch, virus vẫn tồn tại và sẽ làm rối loạn chuỗi cung ứng, đẩy giá thực phẩm, năng lượng và tác động đến mọi mặt đời sống.

Sau biến thể Delta mang đến một làn sóng chết chóc hơn, nhân loại đang cẩn trọng theo dõi diễn tiến của biến chủng Omicron, được cho là nguy hiểm và siêu lây nhiễm do mang nhiều đột biến hơn bất kỳ biến thể nào trước đó. Tín hiệu tốt là nó dường như ít gây hại hơn đáng kể so với các biến thể trước đó và rơi vào thời điểm nhân loại bắt đầu tiêm chủng bổ sung, có nghĩa là bước sang năm mới nhiều người sẽ có được khả năng miễn dịch tự nhiên tăng cường, kéo dài và mạnh mẽ hơn so với tiêm phòng đơn thuần.

Nếu ứng phó nghiêm ngặt với làn sóng Omicron hiện tại, chúng ta có thể bắt đầu thấy tỷ lệ lây nhiễm giảm ngay sau tháng 1-2022. Và xu hướng đó tiếp tục diễn ra trong năm thì mọi người - ngay cả các nhà hoạch định chính sách công - có thể bắt đầu lạc quan một cách thận trọng. Tất nhiên, mọi người vẫn nên thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa và dù chưa chấm dứt hẳn đại dịch, nhưng đây có thể là sự khởi đầu cho sự kết thúc của giai đoạn thử thách có một không hai này.

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/the-gioi-don-nam-moi-2022-can-trong-va-tram-lang-hon-vi-bien-the-omicron-a619.html