Dịch sốt xuất huyết lan rộng, nhiều bệnh nhân biến chứng nặng

Ghi nhận những ngày qua tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng lên với nhiều ca biến chứng nặng ngay từ đầu mùa dịch. Rất may, vẫn chưa có trường hợp tử vong

Cụ thể, trên địa bàn thành phố ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 14,1% so với tuần trước); các quận, huyện ghi nhận số ca mắc cao như: Thanh Trì (19 ca), Phú Xuyên (16 ca), Ba Đình (12 ca), Đống Đa (11 ca), Hà Đông (11 ca), Thường Tín (11 ca), Bắc Từ Liêm (10 ca). Chưa có trường hợp tử vong. Hiện tuýp virus Dengue gây sốt xuất huyết đang lưu hành trên địa bàn là D1 và D2.

so-ca-sot-xuat-huyet-tang-vot-nhieu-benh-nhan-bien-chung-nang-1660557011.jpg
Số ca sốt xuất huyết tăng vọt, nhiều bệnh nhân biến chứng nặng (Ảnh: TTXVN)

Theo BS CKII Trần Thị Hoài, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, đa số các ca nặng có tình trạng cô đặc máu, thoát dịch, tràn dịch màng bụng, màng phổi nhiều; số bệnh nhân bị giảm tiểu cầu, phải truyền tiểu cầu cũng tương đối nhiều. Đặc biệt, năm nay, bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết; trong khi mọi năm các trường hợp này rất ít.

Bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Vì vậy, cùng với tăng cường giám sát, phát hiện bệnh nhân sốt xuất huyết tại cộng đồng và các bệnh viện để kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện sớm, điều tra xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch, hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng. Đồng thời, Hà Nội cũng đang tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ.

Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Đặc biệt, khi người dân có dấu hiệu bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện sốt xuất huyết và tư vấn điều trị phù hợp, không tự ý điều trị tại nhà.

Phương Nam-TH

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/so-ca-sot-xuat-huyet-tang-vot-nhieu-benh-nhan-bien-chung-nang-a6127.html