Điều này khiến người lao động vui mừng khi được trở lại với công việc. Tuy nhiên, một phần lớn lao động tự do lại như “ngồi trên đống lửa” khi không có việc làm ổn định. Nổi bật nhất là nghề làm thợ hồ - một công việc tưởng chừng dễ kiếm việc nhưng nay lại khan hiếm vô cùng.
Cận Tết nên không còn ai thuê
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết nguyên đán, gánh nặng cơm áo gạo tiền chưa vơi thì nỗi lo những ngày cận Tết lại khiến nhiều người làm thợ hồ thêm chật vật. Bởi, không phải dự án hay công trình nào cũng cần lao động. Nếu có, cũng chỉ là những công trình ngắn hạn.
Từ khi hết giãn cách, được đi làm trở lại đến nay anh Nguyễn Quang Hiệp (phụ hồ, 40 tuổi, ngụ Nhơn Trạch) vẫn chưa nhận được một dự án nào đủ lâu, mà chỉ toàn là các dự án nhỏ, ngày một, ngày hai.
“Dịch thì ở nhà không làm được việc gì cả, đến nay làm hơn 3 tháng mà chỉ có khoảng 4-5 dự án nhỏ như làm sân, làm đường xóm, xây cổng.... Cuối năm, tình hình là không còn việc để làm” - anh Hiệp chia sẻ.
Trước cảnh thất nghiệp, Tết cận kề, là trụ cột gánh vác cả gia đình, anh Hiệp lo sợ không đủ tiền để lo cho 3 con nhỏ ăn học và có cái Tết trọn vẹn. Anh sốt sắng lắm, chỉ mong có ai gọi điện là anh đi làm liền, làm gì cũng được. “Giờ là không có ngồi yên một chỗ được, Tết sắp đến nữa, nên ai kêu gì làm nấy không kén chọn” - anh Hiệp bùi ngùi chia sẻ.
“Làm hồ” là cái nghề bấp bênh, chỉ làm được mùa nắng, vào mùa mưa thì kiếm đâu ra việc bởi không ai xây, sửa vào những ngày này. Vậy mà năm nào mùa mưa cũng kéo dài từ 1 đến 2 tháng. Cộng thêm năm nay dịch bệnh, giãn cách xã hội mấy tháng liền khiến cuộc sống của những người thợ hồ vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Cũng giống như anh Hiệp, anh Nguyễn Văn Sang (phụ hồ, 30 tuổi, ngụ Nhơn Trạch) đã bám trụ theo nghề gần 10 năm nay cũng đang lâm vào cảnh thất nghiệp. Vợ bỏ đi, anh một mình nuôi con. Tuy dịch tạm ổn nhưng anh vẫn chưa tìm được dự án mới, càng khiến anh thêm lo lắng. Tết đến, lấy gì mà ăn.
“Một ngày kiếm được khoản 300.000 đồng nhưng đâu phải ngày nào cũng được, Tết đến thì càng không có, một tuần thì chắc làm được 2-3 ngày, còn mấy ngày còn lại thì phải ở nhà chờ ai gọi làm gì thì đi, giờ chỉ mong ai đó gọi đi sơn nhà, sơn cổng thôi cũng mừng nữa”, anh Sang tâm sự.
Diện mạo đáng buồn của nghề “làm hồ” cuối năm
“Dịch vừa hết thì Tết lại sắp đến, người dân thường đâu có xây dựng nhà cửa vào mấy tháng cận kề như vầy, nghề “làm hồ” nó như con nước, mùa vụ phải đúng mùa thì mới có việc, còn cận Tết như vầy thì chỉ có sơn nhà, đắp đường.... Mà dịch này cũng chẳng nhà nào dư giả mà xây, sửa” - anh Huỳnh Thanh Thảo (thợ hồ, ngụ Nhơn Trạch) đang loay hoay sắp xếp, cất dẹp giàn giáo, vật dụng xây dựng để ăn Tết sớm vì chẳng còn ai thuê.
Anh Thảo cho biết đã theo nghề hơn 20 năm nhưng chưa có năm nào khó khăn như năm nay, vừa kết thúc một dự án cách đây gần 2 tuần mà đến giờ vẫn chưa kiếm được một dự án nào khác.
“Mấy năm trước thì công việc liên tục, nhiều dự án mà không nhận kịp luôn, ngay cả mùa mưa cũng có. Làm vài dự án 1,2 tháng là đủ dư giả cho Tết nhưng năm nay ảm đạm quá, thu nhập chưa bằng 1/3 năm ngoái, thì Tết làm sao mà đủ đầy cho được” - Anh Thảo chia sẻ.
Trường hợp của những người lao động tự do “làm hồ” như anh Hiệp, anh Sang, anh Thảo là hoàn cảnh chung của rất nhiều lao động tự do đang làm việc tại Đồng Nai. Dịch COVID -19 vẫn còn phức tạp, được ra đường làm việc đã khó, tìm được việc để làm lại khó gấp bội.
Đợt dịch vừa qua, lao động tự do là thành phần bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những ngày cuối năm, nỗi lo của những người thợ hồ cơ cực, quanh năm rám nắng lại nặng trĩu trên vai. Một cái Tết ấm no sau trận đại dịch có lẽ quá khó đối với họ.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/lao-dong-tu-do-noi-kho-cua-nguoi-lam-ho-nhung-ngay-can-tet-a599.html