Đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: “Trước những khó khăn do dịch Covid-19, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum đã triển khai hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Cùng với đó, triển khai đồng bộ các giải pháp vừa phòng, chống dịch, vừa chăm lo đời sống cho người dân, đặc biệt là công tác đón công dân của tỉnh từ vùng dịch về quê. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển, góp phần hoàn thành mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”.
Để hiện thực hóa các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch gắn với phát triển kinh tế-xã hội, UBND các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đã chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp; đặc biệt là việc hỗ trợ gia hạn nộp các loại thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ.
Báo cáo từ các cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum cho thấy, đến nay, tỉnh đã thực hiện giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 16.047 lao động của 872 doanh nghiệp với tổng số tiền giảm là 4.860 triệu đồng.
Riêng Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum đã thực hiện giảm 10% giá nước sinh hoạt cho người dân với tổng số tiền 585 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã giải ngân 12.583 triệu đồng cho 2.927 khách hàng thuộc đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Đắc Lắc cũng đã rà soát 1.858 doanh nghiệp, nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ 37.088 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và đã chi trả cho 28.922 người... Tại Gia Lai, các ngân hàng cũng đồng loạt gia hạn và giảm lãi suất cho các doanh nghiệp. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp giải quyết việc làm cho 10.377 lao động, trong đó triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, kết nối đưa hơn 300 lao động quay trở lại các tỉnh, thành phố phía Nam làm việc; xây dựng phương án đào tạo nghề cho hơn 500 lao động về từ vùng dịch...
Ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó giám đốc Công ty TNHH Dũng Phong Phát, ở Ngọc Hồi (Kon Tum) chia sẻ: "Tôi rất mừng là mặc dù quá trình đầu tư, xây dựng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giá vật tư tăng cao nhưng chính quyền các cấp của tỉnh Kon Tum đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các dự án, từ thủ tục đấu thầu đến việc triển khai đầu tư, xây dựng... đều được các cơ quan chức năng của tỉnh hỗ trợ nhanh gọn, cắt giảm các khoản chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, các chính sách về thuế, phí, tín dụng. Các nguồn vốn đều được giải quyết nhanh, các nguồn tiền vay từ các ngân hàng cũng được hạ lãi suất. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho công nhân, ổn định cuộc sống".
Là một trong những đơn vị đầu tiên được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, ông Nguyễn Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Trường Xuân (Gia Lai) cho biết: “Sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, của địa phương đối với người lao động và người sử dụng lao động thật ý nghĩa. Đặc biệt, việc giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% đã tạo điều kiện giúp doanh nghiệp có thêm khoản tiền lo cho đời sống công nhân. Ngoài số tiền này, một số hộ công nhân khó khăn, gia đình có người từ vùng dịch trở về... cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương đến thăm hỏi, hỗ trợ lương thực, thực phẩm... Đây là những việc làm kịp thời, đậm chất nhân văn, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.
Cùng với sự tiếp sức của chính quyền các địa phương, để tồn tại và phát triển trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên đã chuyển đổi phương thức quản lý sản xuất, kinh doanh, từ hoạt động sản xuất trực tiếp sang trực tuyến; từ quản lý nguồn nhân lực đến chiến lược phát triển; áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tay-nguyen-tiep-suc-de-doanh-nghiep-phat-trien-trong-dai-dich-a595.html