Nhà khoa học, nhà giáo dục Nguyễn Khánh Toàn

Nguyễn Khánh Toàn thuộc thế hệ sớm có hoạt động báo chí - khoa học - văn chương từ nửa sau những năm 1920. Xét về tuổi đời, về vốn tri thức - học vấn, nếu theo đuổi con đường nghiên cứu - Nguyễn Khánh Toàn, theo ước đoán của chúng tôi, rất có thể đã là tác giả một bộ sách quan trọng, có ý nghĩa đánh dấu giai đoạn như nhiều bộ sách của các tác giả khác cùng thế hệ với ông như Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Đào Duy Anh, Hoài Thanh, nhưng ông đã không hoàn toàn theo con đường đó.

nlntv-giao-su-nguyen-khanh-toan-1659668002.jpg
GS.Viện sỹ Nguyễn Khánh Toàn - Ảnh mình hoạ Internet

Sinh năm 1905, Nguyễn Khánh Toàn thuộc thế hệ sớm có hoạt động báo chí - khoa học - văn chương từ nửa sau những năm 1920. Xét về tuổi đời, về vốn tri thức - học vấn, nếu theo đuổi con đường nghiên cứu - Nguyễn Khánh Toàn, theo ước đoán của chúng tôi, rất có thể đã là tác giả một bộ sách quan trọng, có ý nghĩa đánh dấu giai đoạn như nhiều bộ sách của các tác giả khác cùng thế hệ với ông như Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Đào Duy Anh, Hoài Thanh, nhưng ông đã không hoàn toàn theo con đường đó. Sau một thời kỳ hoạt động sôi nổi trong phong trào thanh niên trí thức ở Hà Nội và Sài Gòn, từ năm 1928, Nguyễn Khánh Toàn sang Pháp, rồi qua Liên Xô, học ở trường Đại học phương Đông. Năm 1939, ông về Trung Quốc, và mãi đến năm 1945 mới về nước. Trên 15 năm sống ở nước ngoài, tìm đến chủ nghĩa Mác - Lênin, gặp gỡ Nguyễn Ái Quốc, giao thiệp với những người cộng sản, hoạt động của Nguyễn Khánh Toàn là hướng về tư cách người cách mạng. Trước khi là một nhà văn hoá, một học giả, Nguyễn Khánh Toàn đã là một người hoạt động cách mạng.

Với tư thế đó, ta hiểu mục tiêu của toàn bộ sự nghiệp viết trên 15 năm hoạt động của ông là một sự nghiệp báo chí cách mạng, mà bài viết đầu tiên là bài viết bằng tiếng Pháp, có tên Đáp lại bức thư 1 năm Đỗ Hữu Chấn, đăng trên tờ L’Annam, số ra ngày quan ngỏ của 27-6-1926, ấn hành ở Sài Gòn.

Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Khánh Toàn được Đảng và Hồ Chủ tịch giao ngay việc tổ chức và lãnh đạo ở hai khu vực khoa học và giáo dục. Các chức trách này rồi ông sẽ giữ cho đến cuối đời. Điều rất đáng nói là người được phân công ở cương vị tổ chức và lãnh đạo hai khu vực đó lại chính là người từng có cái vốn hiểu rộng và sâu về các lĩnh vực chuyên môn mà mình phụ trách; và trên hành trình của người lãnh đạo, cái vốn đó không ngừng được bổ mài sắc thêm, để theo kịp và đón trước các nhu cầu của cách mạng trong bối cảnh thời đại. Như vậy, nói đến Nguyễn Khánh Toàn là nói về một con người ở hai tư cách - người lãnh đạo và học giả; cả hai cùng bồi đắp, bổ sung cho nhau; thiếu hoặc non yếu một vế sẽ không có một Nguyễn Khánh Toàn như ta hiểu và kính trọng.

nlntv-gs-vien-sy-nguyen-khanh-toan-1659669614.jpg
GS. Viện sỹ Nguyễn Khánh Toàn

Trước tác quan trọng đầu tiên của Nguyễn Khánh Toàn về khoa học văn học mà chúng tôi hồi còn ở tuổi học sinh từng được nghe là cuốn Đại cương về văn học sử Việt Nam, ông viết trong kháng chiến chống Pháp, được ấn hành từ năm 1945. Cuốn sách thể hiện tầm bao quát trong kiến thức của một học giả; và thể hiện tính định hướng thiết thực và sáng rõ của một nhà giáo dục, người tổ chức lãnh đạo. 

Tác phẩm lớn tiếp theo là bộ sách Vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản (Nxb. Sự thật; 1960 - 1962, gồm 2 tập và cuốn Xung quanh một số vấn đề văn học và giáo dục (Nxb. Khoa học xã hội; 1972), gồm 723 trang, là một tập hợp rất dày dặn các bài viết của ông trên hai lĩnh vực khoa học văn học và khoa học giáo dục. Năm 1978, ông cho ra mắt tập Cách mạng và khoa học xã hội, 443 trang - tập sách tôi muốn xem như là sự tiếp tục mạch theo dõi và suy nghĩ của ông, kể từ Báo cáo về khoa học xã hội ở Việt Bắc, cuối năm 1948, in trong Kỷ yếu hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ II. Bộ tuyển cuối cùng trước khi ông qua đời in năm 1992 có tên Một số vấn đề của khoa học nhân văn. Đó là các bộ tuyển bao quát hoạt động của Nguyễn Khánh Toàn ngót nửa thế kỷ qua trên hai lĩnh vực khoa học và giáo dục. Ở đây thể hiện rõ quan niệm nhất quán của ông - không bao giờ xa rời các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời là cái vốn kiến thức rộng về nhiều bộ môn khoa học như sử học, văn học, ngôn ngữ học, giáo dục học... Và do có sự am hiểu khá kỹ các lĩnh vực khoa học cụ thể nên Nguyễn Khánh Toàn thuộc trong số ít người có năng lực bao quát và tổng hợp các vấn đề chung của khoa học nhân văn và khoa học xã hội ở nước ta. 

nlntv-gs-vien-sy-nguyen-khanh-2-1659669708.jpg
GS. Viện sỹ Nguyễn Khánh Toàn

Là người chuyên về nghiên cứu và phê bình văn học, tôi đến với Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan như là các bậc thầy. Nhưng tôi cũng không bao giờ ngừng sự kiếm tìm và hứng thú trên các bài viết của Nguyễn Khánh Toàn. Chẳng hạn các bài viết về vai trò của văn học dân gian và văn hoá dân gian trong lịch sử dân tộc; về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu; về Hồ Chủ tịch và văn học; về chủ nghĩa Mác và văn học nghệ thuật; về Cách mang tháng Mười Nga và Gorki... Đặc biệt là những tư tưởng chủ đạo của Nguyễn Khánh Toàn đối với việc viết một bộ sử về văn học Việt Nam. Bộ sử đó trong nhiều năm chờ đợi và chuẩn bị đã được khai thông ở tập I - Lịch sử văn học Việt Nam, với lời Tựa của chính ông, ấn hành năm 1980. Cho đến nay, đáng tiếc vẫn chưa có tiếp tập II. 

Dĩ nhiên trên cái nhìn xuyên suốt cả thế kỷ, và trên tầm cao của công cuộc đổi mới hôm nay, một số luận điểm rất cơ bản của Nguyễn Khánh Toàn vẫn cần được bổ sung hoặc điều chỉnh. Chẳng hạn việc nhấn mạnh, luôn luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hoá, văn học dân gian (số tiểu luận và ý kiến của ông về vấn đề này chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các vấn đề văn học mà ông đề cập), cũng cần được cân đối với việc quan tâm đến yêu cầu kết tinh và nâng cao trong sáng tạo của cá nhân, của các tài năng, các thiên tài trong một nền văn hoá, văn học dân tộc. Thế kỷ XVIII trong văn học Việt Nam là thế kỷ của các truyện nôm khuyết danh rất đáng nhớ; nhưng để nhớ được đích thực và sâu sắc gương mặt tinh thần của dân tộc phải có thế kỷ XIX với Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, cùng bao nhiêu tên tuổi khác... Những chỗ thiếu, hoặc thiên lệch và bất cập tôi nghĩ đều là chuyện khó tránh ở bất cứ tài danh nào. Đặng Thai Mai, người uyên thâm và cẩn trọng là thế mà cũng đã từng có nhận xét: “Ta chưa có một nền văn học cao cấp là vì ta chưa hề có một nền văn học bình dân”. 

Vậy là nhìn vào trước tác, Nguyễn Khánh Toàn không để lại một bộ sách đồ sộ theo dạng nào đó, hoặc có ý nghĩa đánh dấu giai đoạn về bất cứ lĩnh vực chuyên môn cụ thể nào. Sự nghiệp viết tính được ở ông là trên 500 bài báo, theo sưu tầm và thống kê của nhà nghiên cứu Đặng Việt Ngoạn. Nhưng tư cách học giả của ông vẫn cứ được khẳng định mà không ai có chút nghi ngờ, qua các ý kiến sâu sắc và có giá trị định hướng của ông cho nhiều lĩnh vực khoa học nhân văn cụ thể. Nói cách khác do tư chất bách khoa ở ông. Bách khoa mà không chung chung. Bách khoa, không phải như một kiểu phô trương, mà có thể nói, như một sự tích luỹ và tiêu hoá biết bao dữ kiện và suy tư. Tôi ít được tiếp xúc với Nguyễn Khánh Toàn như nhiều bậc thầy khác thuộc ngành văn của tôi, nhưng trong quá trình học hỏi, tôi thường tìm được sự yên tâm trong nhiều ý kiến, nhận xét của ông

Có thể là thuận và cụ thể hơn trong cách nói: Nguyễn Khánh Toàn là nhà khoa học, nhà giáo dục. Không phải chỉ ở chỗ trong nhiều chục năm ông là người lãnh đạo cao, hoặc cao nhất ở hai lĩnh vực trên. Thuận là bởi, nói khoa học là nói yêu cầu về kiến thức rộng và sâu, cả hai phía đó ông đều có; và nói giáo dục là nói về tính định hướng, tính tư tưởng của nhận thức, của nội dung, gắn với các yêu cầu cụ thể của thời sự, trong bối cảnh thời đại. 

nlntv-giao-su-vien-sy-nguyen-khanh-toan-1659669248.jpg
GS. Viện sỹ Nguyễn Khánh Toàn

Là người lãnh đạo, có tư cách học giả suốt từ năm 1945 đến cuối những năm 1980, không thể nói Nguyễn Khánh Toàn là người gần gũi với tất cả mọi người, như một người làm công tác quân chúng hoặc một người bình thường. Chúng tôi là lớp thanh niên, cán bộ suốt thời kỳ ông phụ trách Ủy ban Khoa học xã hội, rồi Viện Khoa học xã hội, chúng tôi rất ít khi được tiếp xúc trực tiếp với ông. Nhưng dẫu ít có dịp tiếp xúc, chúng tôi vẫn được hưởng một từ trường học thuật quanh ông - đó mới thật sự là điều đáng quý, thậm chí một nhu cầu không thể thiếu, không được phép thiếu trong một cơ quan học thuật. Và thông thường là vậy, những người có vốn học, vốn văn hoá đích thực bao giờ cũng biết sống chân tình, giản dị. Do vậy, tuy ít khi được gần ông, nhưng tôi vẫn cứ hi vọng có ở ông sự tin cậy và bao dung đối với tất cả các thế hệ đến sau, không phải chỉ ở tư cách một người lãnh đạo, một người thầy, mà còn là người bạn, người anh em, đồng nghiệp.

Thọ ngót chín mươi tuổi, có vốn sống phong phú ở nhiều lĩnh vực, có vốn đọc rộng, vốn đi nhiều nơi, biết nhiều ngoại ngữ, rõ ràng Nguyễn Khánh Toàn có rất nhiều mặt thuận lợi để “trước thư” và “lập ngôn”. Thế nhưng đến cuối đời, ông vẫn còn ân hận là chưa viết hết được những điều tâm huyết về Hồ Chí Minh sau 20 luận văn nghiên cứu được công bố, và được in trong tập Bác Hồ của chúng ta, năm 1990. Một người như Nguyễn Khánh Toàn hoàn toàn có dư vốn để viết về Hồ Chí Minh trong nhiều dạng văn. Nhưng cho đến tuổi ngót chín mươi ông vẫn chưa thực hiện được. Tôi lại nghĩ đến bao người khác cũng đã ra đi mà chưa thực hiện được trọn vẹn nguyện vọng của mình, kể từ Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nguyễn Đổng Chi, Xuân Diệu... cho đến Cao Huy Đỉnh, Trần Đình Hượu... Cố nhiên đó là những người có vốn, có tài. Chỉ riêng chuyện đó thôi cũng đủ gợi cho lớp hậu sinh chúng tôi một điều gì thật bổ ích: bể học là không cùng, và khát vọng học thuật là một cái gì đó không có tuổi. 

Có cảm tưởng Nguyễn Khánh Toàn viết ít hơn những điều ông biết và ông muốn. Đó thật sự là điều đáng tiếc. Nhưng phải chăng đó cũng là một nét cơ bản nằm trong phẩm chất các học giả chân chính? 

GS. Phong Lê

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nha-khoa-hoc-nha-giao-duc-nguyen-khanh-toan-a5924.html