Đoàn Nhữ Hài (1280 – 1335) là quan trải qua 3 đời vua: Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiển Tông. Vị quan này khi mới nhậm chức đã làm quan to: Ngự sử trung tán (chức quan đứng thứ hai ở Ngự sử đài, nơi chuyên can gián vua), đến quan hành khiển, tức tương đương với tể tướng. Ông được phong chức một cách thần tốc. Điều kỳ lạ là quan lộ hanh thông của ông xuất phát từ sự việc hết sức tình cờ, không qua thi cử.
Đời nhà Trần, ngoài những võ tướng anh hùng, còn có những quan văn giỏi, nổi tiếng, như: Lê Văn Hưu, Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… Trong số hàng ngũ những danh sĩ này có một người được các nhà sử học kể đến, đó là Đoàn Nhữ Hài, người quê huyện Gia Lộc, Hải Dương. Đây là vị quan để lại những ý kiến trái chiều về tài năng cũng như ứng xử của ông.
Cuộc gặp định mệnh
Chuyện bắt đầu vào tháng 5/1299, như từng đề cập trong một bài viết trước, tức là lúc vua Trần Anh Tông đã lên ngôi được khoảng gần 6 năm. Một hôm Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường về kinh, ông đi một vòng cung đình thì cảm nhận được không khí trễ nãi trong công việc, biết vị vua Trần Anh Tông dù đã đến trưa nhưng vẫn chưa ngủ dậy do say rượu từ đêm trước. Thượng hoàng lập tức về Thiên Trường và ra lệnh vua và bá quan văn võ ngày mai phải yết kiến ông, ai vắng mặt phải bị phạt nặng, tức chí ít cũng bị mất chức.
Vua Trần Anh Tông khi tỉnh rượu biết chuyện xảy ra, hoảng hốt đi một vòng trong cung nhưng không gặp một ai, nên vội vã ra ngoài cung thì gặp Đoàn Nhữ Hài ở chùa Tư Phúc, lúc này là giờ Mùi, khoảng 13 – 15 giờ. Vua hỏi: Sao ngươi lại đến đây? Đoàn Nhữ Hài cúi rập đầu đáp: Thần vì học tập nên lỡ ra đây. Vua trước đó đã đi tìm quan trong triều như không gặp ai, nay gặp vị thư sinh nên cho biết tình thế của mình đang có tội với Thượng hoàng và nhờ anh ta viết một cái biểu tạ tội.
Trần Anh Tông là một vị vua triều Trần trong thời kỳ thịnh trị nên được đào tạo bài bản không phải không biết được bài biểu, nhưng do tinh thần hoang mang nên gặp một cậu học trò chưa đến 20 tuổi, mới biết đã vội nhờ viết bài. Đại Việt sử ký toàn thư kể lại rằng, Đoàn Nhữ Hài dứng trước mặt vua soạn xong ngay bài biểu. Điều này chứng tỏ học sinh này khá bản lĩnh, chịu được sức ép lớn khi soạn biểu trong tình thế cấp bách lại cho vua, tuổi trẻ nhưng kiến thức dày dặn. Hơn nữa, bài biểu này khiến Trần Anh Tông an lòng và lập tức lấy thuyền nhẹ cùng Đoàn Nhữ Hài đến phủ Thiên Trường.
Sáng sớm hôm sau, Đoàn Nhữ Hài đến phủ Thiên Trường dâng biểu tạ tội. Đến chiều mưa gió kéo đến. Thượng hoàng hỏi người dâng biểu còn có ngoài sân không, nội nhân đáp vẫn còn. Lúc này thượng hoàng mới cho gọi Đoàn Nhữ Hài vào, đọc bài biểu thấy hài lòng: “Bài biểu của ngươi làm rất hợp lòng ta” mới cho gọi Trần Anh Tông vào, sau khi nghiêm khắc răn dạy mới tha tội cho vị vua này: “Bèn xuống chiếu cho quan gia lại được làm vua” (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Văn học, trang 328).
Nói cuộc gặp của vua Trần Anh Tông với Đoàn Nhữ Hài là định mệnh quả có lý. Bởi, nếu lúc vua Trần Anh Tông tỉnh dậy tìm quan lại mà vẫn có người thì không phải ra ngoài để tìm rồi gặp Đoàn Nhữ Hài. Nếu lúc Đoàn Nhữ Hài dâng biểu tạ tội cho vua mà trời không mưa gió thì chưa chắc Thượng hoàng Trần Nhân Tông, người vốn hiền từ, giàu lòng trắc ẩn đã cho gọi vào gặp… Đương nhiên tài năng trong văn chương, lý luận… của Đoàn Nhữ Hài là khỏi phải bàn, vì bài biểu này khiến cả vua lẫn thượng hoàng hài lòng.
Vua Trần Anh Tông nhờ sự giúp đỡ của Đoàn Nhữ Hài nên giữ được vương vị, khi từ Thiên Trường về kinh lập tức phong học sinh này làm quan Ngự sử trung tán, chức quan đứng thứ hai ở Ngự sử đài, được quyền can gián vua. Nên nhớ, thời nhà Trần việc phong chức tước hết sức nghiêm ngặt, Trần Thủ Độ từng không đồng ý để vua phong anh mình làm chức to. Việc một thư sinh trẻ tuổi nhận chức lớn khi tổi còn trẻ bị nhiều dị nghị, ghen tức.
Thời đó có thơ rằng: “Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ/ Khẩu tồn nhũ xú Đoàn trung tân (Đài ngự sử ôn câu cổ ngữ/ Miệng Đoàn trung tán sữa còn hoi), bởi lẽ Ngự sử đài là nơi cần các quan giỏi và đặc biệt là lão luyện trong chốn quan trường, còn Đoàn Nhữ Hài lúc này như là cuốn sổ trắng tinh mới lật trang đầu tiên.
Tận trung báo quốc
Chính trường thời bình bao giờ phức tạp hơn lúc còn chiến tranh. Bởi chiến tranh thì kẻ thù đã rõ và mọi người đồng lòng, đồng sức tập trung tiêu diệt nó. Còn ở thời bình, kẻ thù nhiều lúc là đồng đội, là người bên cạnh và không phải lúc nào cũng nhận diện được. Sự cạnh tranh nhau để có vị thứ cao là vô cùng gay gắt.
Đoàn Nhữ Hài bước đầu được vua trọng dụng, được thượng hoàng nhận xét tốt (nhất là sau khi ông được gặp và nói chuyện với Thượng hoàng suốt gần một tiếng đồng hồ sau lần gặp dâng biểu tạ tội cho vua). Nhưng đây là mối liên hệ khá mỏng manh. Đoàn Nhữ Hài cũng không phải là người trong hoàng tộc, không phải con của gia đình thế lực. Do vậy, trong chốn quan trường đầy rẫy chông gai, thị phi, ông phải luôn cố gắng để chứng tỏ năng lực của mình xứng với lòng tin của vua. Có lẽ đây là cách ứng xử gần như xuyên suốt trong cuộc đời làm quan của ông: Luôn cố gắng làm tốt hơn những gì được giao phó, sẵn sàng nhận những công việc gian lao, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Do vậy, trong năm 1307, lúc quan hệ Đại Việt – Chiêm Thành còn căng thẳng, vua sai Đoàn Nhữ Hài đến hai châu là Châu Thuận và Châu Hóa vỗ về người dân chưa quy thuận triều đình, chọn người có năng lực để bổ nhiệm, tha thuế cho họ trong 3 năm.
Năm 1312, vua thân chinh đi thảo phạt Chiêm Thành theo hai đường thủy bộ, có lão tướng Trần Khánh Dư tham gia. Vua sai Đoàn Nhữ Hài làm Thiên tử chiêu dụ sứ đi trước và danh sĩ này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi vua Chiêm Thành là Chế Chí đã nghe lời của ông đem cả gia thuộc hàng vua Đại Việt. Đoàn Nhữ Hài đã giúp chiến tranh không nổ ra mà phần thắng lợi thuộc về Đại Việt.
Đến tháng 9/1335, Đoàn Nhữ Hài theo Thượng hoàng Trần Minh Tông (con của Trần Anh Tông, cha của Trần Hiến Tông) chinh phạt Ai Lao. Khi thượng hoàng đau mắt không ra trận được thì Đoàn Nhữ Hài làm đốc chiến ra trận, bị địch phục kích trong mây mù che tối và bị tử trận. Một số sử gia, trong đó có Ngô Sĩ Liên, không công bằng khi nhận xét Đoàn Nhữ Hài thua là do kiêu căng, do muốn lập công trạng đặc biệt.
Như đã nói, xét về cả quá trình làm quan của Đoàn Nhữ Hài cho thấy, ông luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc được giao, kể cả trong chiến đấu. Việc bị phục kích và tử nạn luôn là chuyện thường trong trận chiến, có thể xảy ra với bất cứ vị tướng nào, đội quân nào, chứ không riêng với Đoàn Nhữ Hài. Khi nghe tin Đoàn Nhữ Hài tử trận, vua Trần Hiến Tông đã nhận xét rất công bằng: “Nhữ Hài dùng mưu tất thắng, thừa thế tất thắng, công lớn gần xong, cuối cùng bị quân giặc nhử mồi mà chết” (Sđd, trang 370).
“Nhữ Hài dùng mưu tất thắng”, nhìn lại vua Trần Anh Tông, và cả Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã “thắng” khi dùng một người tài, người tận lực vì giang sơn, xã tắc và vì vua là Đoàn Nhữ Hài. Đây là cách dùng người có khác lạ, biệt lệ nhưng may mắn là đã chính xác.
Vị vua Việt nào rước voi giày mả tổ, chết nhục nhã nơi xứ người?
Nguyễn Hưng (Theo Kinh Tế Đô Thị)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/doan-nhu-hai-bo-nhiem-than-toc-ky-la-lam-quan-3-doi-vua-tran-a5901.html