“Cũng có lúc tôi tưởng đã quen với sự khốc liệt của “giặc lửa” nhưng thật sự là chưa có trận đánh nào mà không khỏi chạnh lòng, xót xa trước những ánh mắt thất thần của người dân khi bị hỏa hoạn cướp mất tài sản sau bao năm tích lũy. Điều làm chúng tôi day dứt nhất là những giọt nước mắt, những tiếng gào khóc chua xót của người thân trước thi thể cháy đen sau vụ hỏa hoạn”. Đó là tâm sự của một người lính cứu hỏa viết trên trang cá nhân của mình sau những thời khắc chiến đấu với giặc lửa để cứu những người dân trong cơn hỏa hoạn. Cuộc đời của một người lính PCCC phải trải qua nhiều gian nan, nguy hiểm nhưng họ coi thường chúng. Chỉ cần có hiệu lệnh là tất cả vội vã lên đường. Cũng vì công việc mà biết bao chàng trai phải lỗi hẹn với người yêu, biết bao người con về muộn trong ngày sinh nhật mẹ, biết bao người cha đành xin lỗi cậu con trai vì lỡ hẹn đi chơi khi tiếng kẻng hiệu lệnh vang lên.
Trong tất cả những lần đi chữa cháy, họ đều cố gắng giữ lấy những tài sản còn sót lại cho nhân dân, dù là nhỏ nhất. Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cái tâm của những người lính Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH. không phải chúng tôi sợ hiểm nguy, sợ không đủ bản lĩnh để đương đầu với khó khăn, sợ gian khổ mà chúng tôi sợ mình đến không kịp lúc, sợ rằng nơi nào đó người dân đang gặp nguy hiểm, sợ khi xuất xe trên đường đi làm nhiệm vụ bị gặp phải trở ngại. Ngoài niềm vui khi dập tắt nhanh đám cháy, cứu được tính mạng và tài sản của nhân dân thì người lính chữa cháy còn nhiều tâm tư. Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã tâm sự rằng: Có những vụ cháy khi chúng tôi đến hiện trường thì lửa đã lan rộng, thiệt hại về người và tài sản là điều khó tránh. Nhưng một số người dân không hiểu lại tỏ ý trách móc. Và sau mỗi vụ cháy, mọi người chỉ lo thống kê các con số thiệt hại, chứ ít khi quan tâm đến những người “đứng mũi chịu sào” khống chế ngọn lửa để giành lại của cải và tính mạng cho họ.
Có một đoạn clip ghi lại, cảnh một chàng thanh niên trẻ khi đang ngồi ăn trong quán, bất chợt tiếng chuông lớp học vang lên. Chàng thanh niên trẻ vội vã đứng dậy chạy nhanh ra khỏi cửa, người chủ quán vội vàng gọi với theo vì anh bỏ đi mà chưa tính tiền. Khi ra tới của, chàng thanh niên khựng lại, vì trước mặt anh là cả một đoạn đường dài nơi nhiều người qua lại, tất cả đều nhìn anh và đều e sợ. Anh thẫn thờ một chút ròi vội vàng che mặt, và quay lại bàn tìm chiếc túi xách để lấy tiền trả cho chủ quán. Lúc này, người chủ quán mới thấy những vết bỏng trên khuôn mặt của anh. Khi anh đưa tiền, chủ quán đã nhất quyết từ chối. Đến lúc này mọi người mới nhận ra, anh là một người lính chữa cháy, đã bị thương khắp thân thể và cả trên khuôn mặt. Tiếng chuông báo vang lên lúc nãy đã khiến anh tưởng nhầm rằng là tiếng chuông hiệu lệnh báo cháy của đơn vị. Chính vì thế anh mới vội vã lao ra ngoài như một thói quen...
Ngày đầu tiên của tháng 8 này, có những bức ảnh trên báo, có lẽ được chụp từ cùng một khung cửa sổ, và chắc chỉ cách nhau trong khoảnh khắc. Ba người lính cứu hoả của Thủ đô hôm nay đã đưa được 8 người ra ngoài an toàn. Và họ tiếp tục quay lại tìm kiếm những nạn nhân khác. Nhưng rồi cầu thang sập, vòi chữa cháy đứt, không còn dưỡng khí…Và họ đã hy sinh như thế đó.
Còn nhớ Dan Rowan, người lính cứu hỏa đầu tiên lao vào toà tháp đôi của Mỹ, 17 năm sau khoảnh khắc đó, kể lại rằng : Khi mọi người tháo chạy từ trong ra, thì chúng tôi chạy vào. Hành động đó xuất phát từ trong tim, bạn biết chứ, chúng tôi không nghĩ về những hậu quả”. Hôm nay cũng thế. Những người lính cứu hỏa ở Thủ đô lao vào ngọn lửa với nhận thức rõ được rằng “mình và những đồng đội của mình hoàn toàn có thể hy sinh”. Và họ vẫn chọn cứu người, dù chẳng còn được trở về nhà nữa.
Anh Quân! Anh Việt! Anh Phúc! Ba người chiến sỹ công an Quận Cầu Giấy, chiều nay, nhận nhiệm vụ cứu hỏa, cứu nạn rồi ra đi mãi mãi.
Sau nhiều giờ, đám cháy được dập tắt, nhưng những giọt nước mắt của những người lính cứu hỏa Hà Nội và nhiều người dân đã không ngừng chảy. Đồng đội của các anh thất thần giữa tiếng còi xe cứu thương rền rĩ góc phố. Khiêng đồng đội lên xe, ai cũng hiểu là lần cuối được cùng nhau rời hiện trường của đám cháy. Những bữa cơm tập thể từ nay vắng anh Quân, anh Việt, anh Phúc rồi. Vắng tiếng cười, vắng giọng nói, vắng cái bắt tay, vắng chỗ ngồi... chỉ còn lại trống trải, mênh mông.
Xin nghiêng mình tiễn biệt các anh, trân trọng sự xả thân của các anh giữa thời bình vì bình yên, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đầu tháng 8. Hà Nội lác đác vài giọt mưa rơi mà sao buồn quá.
Tiêu Dao
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhung-nguoi-linh-quen-minh-trong-giac-lua-a5862.html