Khí phách và nhân cách Chu Văn An

Kể từ Chu Văn An, lịch sử dân tộc đã qua biết bao triều đại, biết bao tang thương dâu bể; đặc biệt là cuộc xâm lăng và ách đô hộ của giặc Minh, trong hai mươi năm, với chủ trương tàn sát về văn hóa, sao cho “một mảnh một chữ” cũng đều “phải đốt hết”, “một mảnh một chữ” cũng đều không được phép “để sót lại”, như được ghi trong Việt kiệu thư quyển II, tờ 25a.

nlntv-chu-van-an-1658464746.jpg
Ảnh minh họa Internet

Nhà Nho, nhà giáo dục, nhà đạo đức, nhà văn hóa Chu Văn An sinh cách nay đúng 700 năm. Kể từ Chu Văn An, lịch sử dân tộc đã qua biết bao triều đại, biết bao tang thương dâu bể; đặc biệt là cuộc xâm lăng và ách đô hộ của giặc Minh, trong hai mươi năm, với chủ trương tàn sát về văn hóa, sao cho “một mảnh một chữ” cũng đều “phải đốt hết”, “một mảnh một chữ” cũng đều không được phép “để sót lại”, như được ghi trong Việt kiệu thư quyển II, tờ 25a. Có phải đó là lý do, hoặc là một trong những lý do quan trọng để giải thích phần lớn tác phẩm của danh nhân Chu Văn An đều bị thất truyền. Một Tứ thư thuyết ước, gồm 10 quyển, bằng chữ Hán, một Quốc ngữ thi tập và Tiều ẩn thi tập bằng chữ Nôm chỉ còn lại cái tên. Phần lưu lại được trong trước tác của Chu Văn An chỉ còn là 11 bài thơ chữ Hán trong Tiều ẩn thi tập được Phan Phu Tiên (đầu thế kỷ XV) đưa vào Việt âm thi tập, và bốn thế kỷ sau vẫn chỉ bấy nhiêu bài nằm trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn.

Mười một bài thơ Hán mà gần đây giới học giả đã tách thành mười hai bài - đó là toàn bộ những gì còn lại của Chu Văn An. Điều may mắn là còn lưu lại được những cái tên. Lịch sử dân tộc và lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam đã phải chịu đựng những tổn thất lớn. Nhưng tựa như Hoàng Đức Lương (thế kỷ XV), Dương Bá Cung (thế kỷ XIX), chúng ta hôm nay vẫn tiếp tục sự tìm kiếm, và vẫn không hết hy vọng, vì những gì bắt gặp được trên đá, trên các văn bia, để từng bước, từng phần dựng lại trên từng mảng diện mạo thơ văn thời Lý - Trần suốt theo chiều dọc 5 thế kỷ, từ thế kỷ X - đầu đời Lý, đến thế kỷ XIV - cuối đời Trần, là thời đại Chu Văn An tham gia triều chính, làm quan và lui về ở ẩn, làm thầy.

Nhưng bên bia đá, còn là sự truyền khẩu, truyền tụng, còn là ký ức của nhân dân. Ký ức nhân dân không bỏ sót bất cứ sự kiện quan trọng nào của hành trình dân tộc; cũng không bỏ sót những sự tích, những công trạng gắn với việc thỏa mãn những gì phù hợp với quan niệm của nhân dân. Và do vậy, trước hoặc sau một nhà Nho, một người thầy, một nhà văn hóa, còn ẩn chứa cái phần làm nên cốt cách một trí thức, một kẻ sĩ dũng cảm, trung thực, ngay thẳng, không màng danh lợi, không sợ quyền uy ở Chu Văn An. Đó là Sớ thất trảm, là hành vi treo mũ ở cửa Huyền Vũ, để bỏ quan, trở về nhà, sau ba mươi năm hoạt động ở tư cách người lãnh đạo trường đại học cao nhất và duy nhất của đất nước ta lúc bấy giờ.

Sớ thất trảm gắn với tấm gương trung thực, nghĩa liệt, khí phách Chu Văn An và do vậy mà được truyền tụng qua bao thời đại, cho đến hôm nay. Sớ thất trảm ra đời vào buổi đầu đi vào suy thoái của nhà Trần, đánh vào đám gian thần quyền cao chức trọng; nguyện vọng đó, yêu cầu đó Dụ Tông không muốn thực hiện, không thể thực hiện là điều dĩ nhiên. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là không vì vậy mà Chu Văn An bị liên lụy, bị trù dập, bị trả thù. Phải chăng điều không bình thường đó chứng tỏ uy tín lớn của Chu Văn An và chứng tỏ khả năng tự bảo vệ của tầng lớp trí thức, của các lương thần và công luận.

Trước khi về Kinh, ra làm quan, ở vị trí học quan, Chu Văn An đã là thầy; và sau khi từ quan, về ở ẩn, trở lại tư cách thầy; trước và sau, Chu Văn An đều là thầy. Nhà Nho có danh vang vì kiến văn rộng và đạo đức trung thực, khảng khái, thanh liêm. Nhà giáo giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám trông coi việc giáo dục và giảng dạy cho thái tử; rồi sau khi qua đời lại được đưa vào thờ cùng với Khổng Tử, Chu Công và 72 người hiền... Chu Văn An có đỗ tiến sĩ hay không, Đăng khoa lục không nói đến, trong phần Bổ di (bổ sung) cũng không cụ thể, rồi cũng không thành “vấn đề”; vì trong câu chuyện tương quan giữa danh và thực, thì cái thực cần được quan tâm trước cái danh.

Chu Văn An - đó là thầy của nhiều thế hệ sĩ phu; trước mặt thầy, cho dù là đại khoa, là quan to, ai ai cũng đều cung kính giữ lễ. Và Chu Văn An, tác giả Sớ thất trảm “cảm động đến cả quỷ thần” - đó mới chính là vinh quang, là vinh dự.

Hành trạng Chu Văn An trong khoảng lùi 700 năm đã là vậy và vẫn tiếp tục là vậy, trước hết trong tư cách người thầy, nhà giáo dục; và như là để bảo đảm và tôn cao uy tín đó, là nhà văn hóa, nhà thơ. Ký ức nhân dân đã lưu giữ tên tuổi của những danh nhân gắn với công lập nước và giữ nước còn ghi được dấu ấn qua văn thơ: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông... Ký ức nhân dân tiếp tục bổ sung và lưu giữ tên tuổi một người thầy với đạo cao đức trọng, rồi với một nhà văn hóa có kiến văn sâu rộng gắn với nền đại học đầu tiên của dân tộc. Từ Chu Văn An, ký ức nhân dân rồi sẽ còn tiếp tục giàu thêm bao tên tuổi mới làm rạng danh nền văn hóa, văn hiến Việt Nam: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du...

Ở tư cách nhà văn hóa, Chu Văn An là tác giả bộ sách 10 tập Tứ thư thuyết ước cùng các tập thơ chữ Hán và chữ Nôm, rất tiếc chúng ta hôm nay không còn tư liệu để bàn. Nhưng chỉ bằng những gì được lưu truyền trong nhân dân, từ Sớ thất trảm đến huyền thoại về Đầm Mực cũng đủ cho ta thấy cốt lõi của một khí phách, một nhân cách được nhân dân trọng thị và truyền tụng. Điều chắc chắn là Chu Văn An còn một sự nghiệp văn hóa, văn học khá lớn nếu tất cả những trước tác mang tên ông đều không bị thất truyền. Người Việt Nam đầu tiên được đảm nhiệm chức trách cao ở Văn Miếu, rồi được thờ ở Văn Miếu cùng với các bậc sáng lập đạo Nho cũng là người giàu hứng thú làm thơ Nôm trong buổi đầu hình thành thứ văn tự mới này. Nếu Tiều ẩn thi tập còn thì tác giả sẽ là một dấu nối quan trọng giữa Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cổ phía trước với Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông thế kỷ sau, bồi đắp thêm cho bề dày của nền văn học Nôm của dân tộc.

Phần Tiều ẩn thi tập bằng chữ Hán chỉ còn lại 12 bài, được ghi lại trong Toàn Việt thì lục của Lê Quý Đôn, và được đưa vào bộ Thơ văn Lý Trần, tập III, in năm 1978 của Viện Văn học, phần nhiều được Chu Văn An sáng tác khi ông về ẩn, ở Chí Linh, trong tư thế của một ông tiều đi tìm niềm vui và sự trang trải nội tâm trong cỏ hoa và non xanh nước biếc, nhưng không nguôi khuây niềm khắc khoải về thế sự. Tôi xin phép không bình luận gì về những khổ thơ chữ Hán nói cái chí và tâm trạng một nhà Nho trong các tư thế xuất - xử, hành - tàng. Tôi chỉ xin mượn lại sự nhận xét và đúc kết của học giả Phan Huy Chú (1782 - 1840) trong Văn tịch chí của bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí, ở hai chữ “trong sáng” và “u nhàn” để nói về thơ Chu Văn An, gắn với hành trạng, sự nghiệp, cuộc đời Chu Văn An.

Thơ Chu Văn An chỉ còn vậy, và ít ỏi là vậy. Thế nhưng, phần hậu thế nói về ông thì vẫn được tiếp tục qua nhiều thế kỷ. Có thể nói, Chu Văn An đã gợi nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ; và tôi lại muốn dựa vào Cao Bá Quát, một trong những nhân vật lỗi lạc của nền văn học, văn hóa dân tộc nửa đầu thế kỷ XIX để nói về ông trong khoảng lùi 600 năm, qua bài vịnh bằng chữ Hán, với một bản dịch tiếng Việt như sau để kết luận:

Tiết cứng, lòng trong, khí phách hùng
Một tay muốn kéo lại vầng hồng
Cô trung sấm sét không chồn chí
Thất trảm yêu ma phải rợn lòng,
Trời đất soi chung vầng hạo khí
Nước non còn mãi nếp cao phong
Suối rừng nơi ẩn nay đâu tá?
Văn Miếu còn tên hương khói nồng)

GS. Phong Lê

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/khi-phach-va-nhan-cach-chu-van-an-a5655.html