Trữ lượng các nguồn tài nguyên hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt chỉ còn vài thập niên nữa sẽ cạn kiệt, loài người sẽ lâm vào nguy cơ khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã tận dụng và phát triển tài nguyên năng lượng gió – một nguồn tài nguyên vô tận và dồi dào.
Các dự án điện gió biển ngoài khơi đầu tiên được lắp đặt tại Đan Mạch vào năm 1991. Kể từ đó, quy mô thương mại các trang trại gió ngoài khơi đã được hoạt động trong vùng nước nông trên toàn thế giới, nhiều nhất là tại châu Âu. Với sự tiến bộ về công nghệ sản xuất turbin, những năm gần đây giá thành đầu tư đã giảm mạnh về khoảng 6-8 cent/kW, khiến thị trường điện gió biển toàn cầu phát triển mạnh mẽ.
Hiện nay, giá điện khai thác từ năng lượng gió đã xấp xỉ với giá điện từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Năng lượng gió trên biển được chuyển đổi thành điện năng nhờ các turbin gió được chế tạo với công nghệ kỹ thuật hiện đại, giúp tuổi thọ cao hơn, phù hợp với điều kiện khắc nghiệt trên biển.
Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng từ tài nguyên gió rất lớn
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 về điện gió trên biển và ngoài khơi vừa diễn ra trong 2 ngày 7-8/7 vừa qua, tiến sĩ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định: “Tài nguyên năng lượng gió là nguồn năng lượng mới và phát triển mạnh nhất trên thế giới trong thời đại ngày nay”.
Trong khi đó, Việt Nam có nguồn tài nguyên gió vô cùng dồi dào. Tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360MW, so với các nước khác trên thế giới là trung bình nhưng là lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Với tiềm năng đó sẽ cho công suất lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020.
TS. Dư Văn Toán cho biết, nghiên cứu của ông cùng các đồng nghiệp cho thấy, các vùng biển có tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là từ Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ.
Năng lượng gió khu vực biển Ninh Thuận, Bình Thuận tốt nhất Việt Nam. Ở tầng 100m, tốc độ gió là hơn 10m/s, mật độ năng lượng gió đạt 1.200-1.400W/m2.
Khánh Hòa (bao gồm quần đảo Trường Sa) là tỉnh có đường bờ biển dài nhất 370km, diện tích mặt biển lớn nhất lên tới 37.000km2 và có tài nguyên năng lượng gió cao nhất 259.000MW.
Tiếp theo là Cà Mau với 254km đường bờ biển, 25.400km2 diện tích mặt biển và tài nguyên năng lượng gió lý thuyết đạt 203.200MW.
Tỉnh Bình Thuận có đường bờ biển dài 192km, diện tích mặt biển 19.200km2 và tài nguyên gió đạt 172.800MW…
Ngoài ra, tại các khu vực như đảo Phú Quý, Bạch Long Vĩ, Trường Sa cũng có tài nguyên năng lượng gió cao có thể thiết lập các dự án điện gió biển lớn.
Tiềm năng khu vực biển Việt Nam được đánh giá là có thể phát triển năng lượng gió biển tới hàng ngàn GW. Hiện nay, điện gió trên biển ở Việt Nam đang phát triển mạnh với số lượng dự án đã khai thác và có đăng ký đang ở mức khoảng 15GW, nhất là khi các dự án kịp vận hành thương mại áp dụng giá FIT được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua với giá 9,8 cent/kWh trong 20 năm.
Cụ thể, năm 2015 mới có dự án điện gió ven bờ Bạc Liêu công suất 99,6MW hoạt động. Năm 2017, có các dự án như điện gió Khai Long, ven biển các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tới năm 2019, dự án điện gió Kê Gà (Thanglong Wind) công suất 3,4GW, tổng vốn 12 tỷ USD đã được Chính phủ phê duyệt nghiên cứu khả thi.
Năm 2020, tổng công suất Nhóm “Lộ trình điện gió ngoài khơi đến năm 2050” của Ngân hàng thế giới đề xuất tổng 70GW cho 1 quốc gia thành công có giá điện gió biển sẽ đạt 5 cent/KWh. Nếu đạt được 70GW vào 2050 thì Việt Nam sẽ đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và đứng trước Hàn Quốc, Philippinne, Indonesia…
Tính đến 30/10/2021, đã có tổng cộng 84 dự án kịp vận hành thương mại toàn bộ hoặc một phần dự án với tổng công suất lắp đặt nguồn điện gió của toàn quốc là xấp xỉ 4GW. Từ đó đến nay, trong lúc chờ Bộ Công Thương ban hành cơ chế giá đấu thầu, các dự án điện gió đã đăng ký tiếp tục được hoàn thiện và các dự án mới cũng liên tục được đề xuất.
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII phiên bản tháng 4/2022, Bộ Công Thương đưa ra công suất 16GW điện gió trên bờ và gần bờ, 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030; đến năm 2045 sẽ có 122GW tổng công suất điện gió. Trong đó, điện gió ngoài khơi là 66GW.
Theo các chuyên gia, đây là những mục tiêu khá thách thức và tham vọng, bởi để đạt được các mục tiêu đó, rất cần kịp thời có quy hoạch không gian biển và khung pháp lý về môi trường. Từ nay đến năm 2030 chỉ còn 7 năm. Trong khi đó, một dự án điện gió ngoài khơi cần 7-10 năm để hoàn thành các khâu khảo sát, đo gió, nghiên cứu địa chất, đánh giá khả thi, đánh giá tác động môi trường, thiết kế, sản xuất các cấu phần, xây dựng, lắp đặt...
Thực hiện công trình điện gió ngoài khơi rất phức tạp về kỹ thuật và đòi hỏi nguồn đầu tư tài chính rất lớn. Về mặt thời gian vẫn có thể khả thi nhưng cần bắt đầu ngay bây giờ, từ việc cấp phép khảo sát địa chất và sớm đưa ra cơ chế chính sách rõ ràng, dài hạn.
Theo ước tính của các chuyên gia, tới năm 2050 Việt Nam có thể sử dụng nguồn tài nguyên gió này để đáp ứng gần 30% nhu cầu điện, thậm chí có thể cao hơn tùy thị trường cũng như tiến bộ công nghệ.
Điện gió ngoài khơi cần có quy hoạch dài hạn và khung chính sách rõ ràng, ổn định
Theo tiến sĩ Dư Văn Toán, quy hoạch không gian biển, quy hoạch phát triển các vùng có tài nguyên gió lớn cần phải được phát triển đồng bộ cùng kinh tế biển bền vững, phù hợp với định hướng, chủ trương lớn trong phát triển ngành kinh tế biển (Năng lượng tái tạo và kinh tế biển mới), đã được quy định trong Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 55/NQ-TW năm 2020 về định hướng phát triển năng lượng và năng lượng tái tạo.
Trong báo cáo "Lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt Nam" ban hành tháng 6/2021 của Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra nhận định, điện gió ngoài khơi có tiềm năng cung cấp 12% điện năng của Việt Nam vào năm 2035. Việc thay thế các nhà máy nhiệt điện than giúp giảm phát thải hơn 200 triệu tấn carbon và thêm ít nhất 50 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam bằng cách kích thích sự phát triển của chuỗi cung ứng địa phương, tạo ra hàng nghìn việc làm có tay nghề cao và xuất khẩu sang các thị trường điện gió ngoài khơi trên toàn cầu.
Về lâu dài, với chiến lược chuyển đổi năng lượng tái tạo và điện gió trở thành một trong những nguồn năng lượng chính, Việt Nam sẽ phải phát triển chuỗi cung ứng sản xuất turbin và các thiết bị, cấu kiện tại chỗ phục vụ ngành điện gió.
Phát triển chuỗi cung ứng địa phương sẽ làm tăng hàm lượng nội địa hóa trong các dự án, do đó giảm nhập khẩu và thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, phát triển điện gió cần có cơ chế chính sách đặc thù về tài chính, khoa học công nghệ và thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghiệp này.
Các cơ quan quản lý biển và năng lượng cần quan tâm đến việc khảo sát khu vực biển và việc chỉ định giao độc quyền khảo sát một khu vực biển cụ thể cho doanh nghiệp sẽ tránh lãng phí nguồn lực.
Hiện chính sách giao vùng biển cho doanh nghiệp tiến hành khảo sát, đo gió mà chưa chốt phương án dẫn đến trường hợp nhiều doanh nghiệp cùng thực hiện khảo sát tại một khu vực biển, kéo theo đó là sự tốn kém về chi phí thực hiện.
Vì vậy, việc giao độc quyền khảo sát dự án cho doanh nghiệp trong điều kiện Nhà nước chưa đủ năng lực về tài chính là rất cần thiết.
Theo ông Toán, đo gió ngoài khơi tiêu tốn một khoản tài chính rất lớn, khoảng 2 triệu USD. Đó là chưa kể chi phí cho các thủ tục hành chính, khảo sát khác tổng cộng khoảng 15 triệu USD/dự án.
Ông Toán cũng đề xuất, các cơ quan Nhà nước quản lý về biển và năng lượng sớm phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể và dài hạn, tạo điều kiện về thị trường cho điện gió ngoài khơi cũng như các hoạt động liên quan như ngành hàng hải, an ninh quốc phòng, các khu bảo tồn biển, ngư trường, kết hợp các ngành kinh tế hướng biển khác.
Các vùng, địa phương ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi cũng cần sớm công bố quy hoạch để có định hướng đầu tư khảo sát, nghiên cứu khả thi, báo cáo tác động môi trường. Cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư điện gió nếu có thể hợp tác, lập ra quy tắc chung về chia sẻ thông tin cũng sẽ giúp giảm bớt thời gian, nguồn lực tài chính cho giai đoạn khảo sát. Bởi khi tham gia đấu thầu, bất cứ hồ sơ thầu nào cũng cần có đầy đủ số liệu đo đạc kỹ thuật.
Cũng trong báo cáo trên, Nhóm Ngân hàng thế giới có đề cập đến kinh nghiệm thành công của ngành điện gió ở một số quốc gia châu Âu. Theo đó, chính phủ các nước đã thực hiện và duy trì khung chính sách chiến lược khuyến khích sự phát triển các trang trại gió ngoài khơi thông qua các đơn vị phát triển và nhà đầu tư tư nhân, sử dụng các quy trình trong quy hoạch không gian biển để cân bằng nhu cầu của các bên liên quan và các hạn chế về môi trường.
Nếu đưa ra được một khung chính sách pháp luật ổn định và hấp dẫn, với tầm nhìn tối thiểu là 10 năm tiếp theo, thì các đơn vị phát triển sẽ xây dựng được các trang trại gió ngoài khơi cung cấp điện năng (chi phí thấp và không phát thải carbon) để tiếp sức cho nền kinh tế.
Các khung chính sách và quy định này đã tạo ra các quy trình vững chắc, minh bạch và kịp thời về cho thuê đáy biển và cấp phép dự án. Đồng thời, các đơn vị phát triển cũng xem xét cần đầu tư gì vào lưới điện và cơ sở hạ tầng khác để có được một danh mục dự án tiềm năng lâu dài. Qua đó, điện gió ngoài khơi có thể thu hút vốn cạnh tranh bằng cách đưa ra một lộ trình ổn định và hấp dẫn cho lượng điện mà các dự án sản xuất ra.
Ngọc Linh
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chuyen-gia-dien-gio-ngoai-khoi-can-duoc-uu-tien-phat-trien-nhu-mot-nganh-cong-nghiep-moi-a5649.html