Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) quy mô hơn 400 lao động. Sau khi thành phố "mở cửa", nhà máy chấm dứt phương thức "3 tại chỗ" trở lại sản xuất bình thường, tập trung cho đơn hàng mùa Giáng sinh, năm mới. Tuy nhiên, lúc này doanh nghiệp đối mặt với chi phí tăng, nguyên liệu khan hiếm và khó tìm người.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty APT, nói những áp lực về chi phí, nguyên liệu có thể xoay xở được nhưng thiếu nhân công khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Mọi năm vào thời điểm này, thành phố sẽ đón lượng lớn lao động thời vụ ở các tỉnh lên làm hàng Tết ở các nhà máy nhưng năm nay trái ngược, "thị trường khá ảm đạm".
Doanh nghiệp đã liên hệ các trung tâm dịch vụ việc làm quận, thành phố nhờ giới thiệu lao động, đăng tin tuyển nhân sự lên mạng xã hội, các trang tuyển dụng, bố trí người nhận hồ sơ trực tiếp ở cổng công ty. Để hấp dẫn ứng viên, nhà máy tăng lương, thu nhập cơ bản mỗi tháng của lao động mới hơn 8 triệu đồng nhưng "bói không ra người".
Với quy mô hơn 2.000 lao động, nhà máy của Công ty cổ phần Sài Gòn Food ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) đã lên kế hoạch sản xuất đơn hàng Tết với trữ lượng khoảng 3.000 tấn, tăng 2% so với mùa Tết năm ngoái. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp những khó khăn nhất định khi nguồn nhân lực liên tục biến động từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát.
Phía công ty cho hay đã có khoảng 20% công nhân về quê tránh dịch và chỉ một nửa trong số này thông báo quay lại làm việc sau Tết. "Tình hình sau Tết cũng sẽ không khả quan hơn", phía công ty đánh giá. Người lao động vẫn còn tâm lý bất an dù nhà máy có nhiều chính sách phúc lợi để động viên, như thưởng Tết 2 tháng lương (khoảng 15 triệu đồng), ngoài ra còn chế độ thâm niên, trả tiền phép năm, tổ chức xe đưa đón về quê ăn Tết, quà công ty, công đoàn...
Đóng cùng khu công nghiệp với Sài Gòn Food, Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex đang thiếu hơn 500 công nhân làm đơn hàng cuối năm và mở rộng quy mô nhà xưởng, nhưng sau gần 3 tháng rao tuyển vẫn chưa đủ số lượng.
Ông Phạm Thế Toàn, Giám đốc nhân sự công ty, cho hay để thu hút lao động doanh nghiệp đã điều chỉnh cách tính lương. Lao động học việc sẽ được đảm bảo thu nhập ít nhất là 6 triệu đồng, nếu làm tốt sẽ cao hơn. Nhà máy tham gia các sàn việc làm trực tuyến do các tỉnh tổ chức, cam kết hỗ trợ chi phí đi lại, tổ chức xe đưa đón, trả tiền xét nghiệm, có nhà tập thể cho công nhân. Người lâu năm, có tay nghề thu nhập mỗi tháng tầm 13 triệu đồng.
"Nhiều chính sách như vậy mà nhà máy không tuyển được người", ông Toàn nói. Có những phiên giao dịch, bộ phận nhân sự công ty cả ngày chỉ tiếp vài ứng viên. Người lao động ở các tỉnh còn e ngại quay lại thành phố, số khác chọn làm việc ở quê. Ngay cả công nhân cũ của Cholimex "hồi hương" ở đợt dịch thứ 4, khi được công ty liên hệ đã không ngần ngại hẹn qua Tết trả lời.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Dịch vụ việc làm (Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP HCM), cho biết Cholimex là một trong số các nhà máy liên hệ với trung tâm để tuyển lao động nhưng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, có khoảng 10 doanh nghiệp nhờ trung tâm tuyển hơn 500 lao động thời vụ làm đơn hàng Tết nhưng không có nguồn để cung ứng.
Sau khi thành phố "mở cửa", trung tâm phối hợp các tỉnh để giới thiệu việc làm cho người lao động nhưng số lượng quay lại thành phố khá thấp. Một trong những chương trình tiêu biểu trung tâm triển khai là "combo 3 trong 1" hỗ trợ việc làm, test Covid-19 miễn phí và nhà trọ 0 đồng, kết hợp các địa phương, doanh nghiệp đưa đón tận nơi nhưng lao động vẫn không mặn mà.
Theo bà Thảo, các năm trước lực lượng sinh viên tham gia làm hàng Tết rất lớn. Năm nay các trường đại học dạy trực tuyến, sinh viên về quê cũng là lý do khiến nguồn cung lao động thời vụ thiếu hụt.
Khảo sát của Khoa Kinh tế, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), không chỉ lao động "hồi hương" e ngại trở lại, số bám trụ thành phố cũng sẵn sàng thay đổi công việc từ lâu dài sang ngắn hạn đã khiến các nhà máy thiếu lao động dịp cuối năm. Cụ thể, trong giai đoạn từ quý IV/2020 đến quý III/2021, khoảng 1,3 triệu lao động rời thành phố. Khảo sát dự báo có 520.000 người quay lại thành phố sau Tết, khoảng 230.000 người chưa có kế hoạch và 140.000 người không quay lại.
Khảo sát cũng chỉ ra với nhóm lao động còn ở lại, nhiều người đã chọn nghỉ việc hoặc chuyển sang làm việc không liên tục. Tỷ lệ nghỉ việc hoàn toàn là hơn 21% ở nhóm có công việc toàn thời gian; khoảng 43% ở nhóm bán thời gian; trên 70% ở nhóm làm thuê mướn và gần 46% ở nhóm kinh doanh tự do.
Lãnh đạo APT Trương Tiến Dũng, đồng thời là Phó chủ tịch Hội Lương thực và Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cho biết hầu hết doanh nghiệp trong ngành đều thiếu 20-30% lao động. Các doanh nghiệp đã phải tính toán phương án sản xuất, giảm bớt các khâu không cần thiết. Đơn cử, nhà máy của ATP dừng làm các mặt hàng không thiết yếu, được dự đoán sức mua giảm dịp Tết, để tập trung cho đơn hàng xuất khẩu.
Thương lượng tăng ca với người lao động là giải pháp nhà máy Cholimex lựa chọn để ứng phó tình trạng thiếu hụt nhân lực cuối năm. Về lâu dài nhà máy đang tập trung chuyển đổi công nghệ, đầu tư máy móc tự động để giảm nhân công. Cũng như nhiều doanh nghiệp, trong thời điểm này, Cholimex rất cần sự hỗ trợ của thành phố để đưa lao động trở lại.
Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp cần tuyển 33.000-42.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông để hoàn thành đơn hàng thời vụ. Trong đó, 70% nhu cầu tuyển lao động phổ thông liên quan các ngành may mặc, giày da, cơ điện - điện tử, chế biến và các ngành thương mại, dịch vụ khác với mức thu nhập bình quân mỗi tháng 7-15 triệu đồng.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thieu-lao-dong-lam-don-hang-tet-a563.html