“Năm nay có về được không con?”, Hòa nhận tin nhắn của mẹ khoảng hai tuần trước Tết Dương lịch.
Suy nghĩ hồi lâu, cô vẫn không biết phải trả lời như thế nào. Dù đã chắc chắn kế hoạch ở lại TP..Hồ Chí Minh, không về quê Quảng Trị đón Tết Âm lịch, Hòa chưa dám thông báo với cha mẹ. Mãi đến ngày hôm sau, cô mới gọi điện trực tiếp nói chuyện, giải thích lý do không thể về.
Hiện tại, số ca nhiễm ở cả TP..Hồ Chí Minh lẫn quê của Hòa đều có xu hướng tăng. Tình hình dịch kéo dài, có thể phức tạp hơn trong thời gian tới khi dòng người từ các thành phố lớn về quê vào kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Giống như nhiều lao động xa quê khác, Hòa sợ có thể tự gây nguy hiểm cho chính mình và người nhà khi phải di chuyển bằng các phương tiện như máy bay, xe khách. Thời gian nghỉ lễ hơn một tuần cũng gây khó khăn nếu cô phải cách ly từ 7-14 ngày khi trở về nhà.
Ngoài ra, điều khiến Hòa lo lắng nhất là nếu dịch bệnh ở quê bùng phát nghiêm trọng hơn cô sẽ bị mắc kẹt, không thể trở lại với công việc sau kỳ nghỉ Tết.
“Nếu ở lại, đây là năm thứ 2 liên tiếp mình không thể về quê đón Tết cùng gia đình. Mặc dù rất buồn và thất vọng, cha mẹ mình cũng hoàn toàn hiểu và cảm thông”.
Sợ con gái ở lại thành phố một mình, nhớ nhà ngày Tết, mẹ Hòa dự định gửi một số thức ăn, quà quê như bánh tét, thịt, dưa củ muối, bánh bột lọc, mắm nêm… để con dùng trong hơn một tuần nghỉ lễ.
“Năm ngoái mẹ mình cũng gửi không ít đồ. Dù biết những thứ này có thể mua được ở thành phố, cha mẹ nào cũng vậy, cũng mong con cái ở xa không thiếu thứ gì, đặc biệt trong những ngày như lễ Tết”.
Tương tự Hòa, Phạm Thương (27 tuổi, quê Nghệ An), nhân viên văn phòng đang làm việc tại quận Tân Bình (TP..Hồ Chí Minh), cũng quyết định không về quê đón Tết năm nay.
“Đây sẽ là cái Tết thứ hai liên tiếp mình không được đoàn tụ với gia đình. Năm ngoái, do ở lại đến sát Tết nên không may mắc kẹt lại khi dịch bất ngờ bùng phát mạnh. Hồi tháng 10, chị gái cưới nhưng mình cũng không thể về chung vui, cứ nói đùa chắc đợi chị sinh em bé mới về chơi được”.
Thương kể vì gia đình ít người nên mỗi dịp lễ Tết, cha mẹ luôn mong con gái về đoàn tụ. Chưa kể năm nay, chị gái đã lấy chồng nên cha mẹ càng hy vọng Thương về được.
Nghĩ rằng con gái ngại về vì năm nay khó khăn tiền bạc, lần nào gọi điện mẹ cô cũng nói khéo “Chỉ cần con về là vui rồi, về mẹ lo hết, lúc nào đi mẹ đưa thêm tiền cho”.
“Nhiều khi mình cũng muốn bỏ hết mọi thứ để về. Nhưng công ty cho nghỉ 9 ngày thôi, về nhà cách ly 7 ngày cũng coi như đã hết lễ. Dịch trong này đang phức tạp, mình sợ có vấn đề gì sẽ khó vào lại. Mình làm quản lý nên nếu không đi làm sẽ ảnh hưởng tới nhiều người”.
Trước Tết hơn một tháng, Thương đã mua sắm một số quần áo, đặc sản để gửi xe khách về tặng bố mẹ và anh chị. Cô dự định đợi ra Tết, tình hình dịch đỡ căng thẳng hơn sẽ xin nghỉ phép để thoải mái về thăm nhà.
Bà Nguyễn Thị Lệ (56 tuổi, tỉnh Quảng Ngãi) có con gái và con trai đang học tập, làm việc tại TP..Hồ Chí Minh. Năm ngoái, gia đình con trai bà không thể về quê đón Tết vì con dâu đang mang thai và lo ngại dịch bệnh căng thẳng.
“Năm ngoái chỉ có vợ chồng tôi và con gái ăn Tết cùng nhau. Nhà ít người nên không bày vẽ nhiều cộng thêm dịch bệnh hạn chế đi lại nữa nên không khí khá ảm đạm”.
Năm nay, chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ đến Tết Âm lịch, số ca nhiễm Covid-19 tại địa phương có xu hướng tăng, có ngày ghi nhận hơn 200 ca nhiễm mới.
“Tôi lo với tình hình như thế này, cả con gái và gia đình con trai đều không thể về quê đợt tới. Tết nhất nhưng chắc chỉ có hai ông bà già với nhau”.
Biết cha mẹ ở nhà mong ngóng, các con bà Lệ thường xuyên gọi điện động viên. “Tôi cũng thông cảm cho công việc, gia đình riêng của các con nên không trách móc gì cả. Mấy đứa cũng nói nếu không về được Tết thì ra năm sẽ thu xếp về với bố mẹ sau, nên tôi không buồn gì nhiều”, bà Lệ chia sẻ.
Dịch bệnh căng thẳng cộng thêm nhà neo người, gia đình bà Lệ đã không còn quá bày vẽ dịp Tết nhất. Mâm cơm tất niên năm ngoái chủ yếu để thắp hương cho ông bà, tổ tiên, không mời mọc bà con, hàng xóm như mọi năm.
Ngoài trừ đồ cúng và những vật dụng, món ăn không thể thiếu trong ngày Tết ra, bà Lệ không sắm sửa gì thêm. “Tinh thần năm nay cũng như vậy. Dịch bệnh là bất khả kháng nên con cháu về được thì vui còn nếu không cũng chẳng thể trách”.
Hơn một năm nay, bà Hiền (Quảng Bình) không được gặp con gái út đang làm việc ở TP..Hồ Chí Minh. Tết năm ngoái, con của bà thông báo vì dịch bệnh nên sẽ đăng ký ở lại trực rồi về phép sau.
“Hết Tết, bận bịu công việc, rồi dịch bệnh cứ triền miên nên mỗi lần con bé định về lại phải hủy lịch. Mấy tháng nay, lần nào gọi điện tôi cũng giục nó sắp xếp lịch rồi mua vé về từ sớm”.
Bà Hiền kể hồi tháng 6, khi TP..Hồ Chí Minh phong tỏa, khu trọ của con có nhiều F0, vợ chồng bà lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa vì lo lắng. Nhiều lần, bà còn bảo con nghỉ về quê tránh dịch, đợi ổn thỏa rồi vào lại.
“Con tôi cũng phải trấn an bố mẹ, liên tục cập nhật tình hình. Giờ tôi chỉ mong con bình an, đừng có chuyện gì bất ngờ xảy ra để cả nhà được đoàn tụ”.
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/cha-me-buon-vi-hai-nam-con-khong-duoc-ve-don-tet-a559.html