“Bạn” là cách gọi của ngư dân miền biển nói chung đối với những người lao động làm thuê trên tàu cá (nghề đi biển). Dù là hành nghề lưới vây hay lưới rê, trên mỗi chiếc tàu công suất máy từ 90 CV trở lên đều cần khoảng 10 - 15 bạn cho mỗi chuyến đi biển khai thác hải sản. Những ngày qua, mặc dù giá cả xăng dầu có giảm đôi chút nhưng khó khăn của ngư dân vẫn còn bủa vây, bởi thiếu lao động đi biển. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm kìm hãm sự phát triển của nghề cá, đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành ven biển; trong đó có Ninh Thuận.
Giảm thu nhập kéo theo giảm lao động biển
Đến bến cá Khánh Hội (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) tìm hiểu về vấn đề khai thác hải sản vụ cá Nam của ngư dân nơi đây, hầu hết ngư dân ai cũng vui mừng khi giá xăng dầu giảm. Mặc dù giá không xuống là bao nhưng ngư dân ai cũng đặt niềm tin và kỳ vọng vào một vụ cá Nam thắng lớn. Tuy vậy, vẫn còn đó nỗi lo bởi được mặt này thì lại thiếu mặt kia, cụ thể là lao động biển giờ thiếu rất lớn.
Ngư dân Huỳnh Thanh Minh, (ở xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) chia sẻ, hiện khó khăn về lao động đi biển không khác gì lúc “bão giá xăng dầu”. Nhiều năm nay vì tuổi cao, ông Minh không còn khỏe để đưa tàu vươn khơi đánh bắt. Mọi công việc đánh bắt, điều hành tàu cá được ông chuyển cho người con trai là anh Huỳnh Thanh Lai, cũng là một ngư dân thông thạo trong nghề cá. Thế nhưng gần 2 tháng nay, do khó khăn đủ điều, chiếc tàu hiệu NT 90070-TS, công suất 1.040 CV hành nghề vây rút chì của anh lại đang được rao bán với giá 3,2 tỷ đồng do liên tục làm ăn thua lỗ.
Theo tính toàn của anh Huỳnh Thanh Lai, so với đánh bắt trước đây thì bây giờ không hiệu quả nữa, một mặt giá nhiên vật liệu tăng cao, mặt khác giá bán hải sản thấp cộng với giá thuê công lao động đi biển tăng theo bão giá đã khiến cho việc vươn khơi gặp nhiều khó khăn hơn. Tại xã Tri Hải hiện nay, nhiều tàu phải nằm bờ, chờ qua mọi khó khăn rồi tính tiếp.
Anh Huỳnh Thanh Lai cho biết, chiếc tàu 22 m của anh đóng năm 2014, thông thường mỗi chuyến ra khơi đánh bắt, trên tàu phải cần từ 15 - 20 bạn, nếu thiếu bạn sẽ không đủ người kéo lưới. Thời gian này được coi là phù hợp cho tàu lưới vây rút chì ra khơi hoạt động đánh bắt, ngư dân ai cũng đặt hết hy vọng vào đó song biển lại vắng cá, tàu về không có gì.
Nhiều lần như vậy nên anh Lai rao bán tàu, tuy vậy trong thời buổi khó khăn này, dù rao bán với giá mềm nhưng vẫn chưa thấy có ai hỏi han tới.
Cũng như anh Huỳnh Thanh Lai, trường hợp của anh ngư dân Huỳnh Khiêm và một người bạn cùng ở thôn Khánh Hội, xã Tri Hải, chủ tàu hiệu NT 90952-TS và NT 90148-TS cùng có công suất trên 400 CV cũng chẳng thấy sáng sủa là mấy.
Anh Huỳnh Khiêm cho biết, tàu nằm bờ đã hơn tháng nay mà nguyên nhân do thu nhập không đủ sống nên bạn bỏ tàu. Thực tế cho thấy, dù chủ tàu có cố giữ chân bạn nhưng do khả năng tài chính có hạn, chỉ có thể cho mỗi người mượn 2 - 3 triệu đồng, không đủ chi tiêu gia đình nên khi tàu ở nhà chừng một tháng, một số bạn phải đi làm các công việc khác trên bờ để kiếm sống.
Tại cảng cá Cà Ná (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam), lao động đi biển hiện được ngư dân ví von như là món hàng đặc biệt. Ngư dân hầu như ai cũng muốn giữ lao động của mình nhưng không có kinh phí để cho lao động ứng lâu dài chi tiêu sinh hoạt gia đình. Còn muốn vươn khơi đánh bắt thì chi phí cao, ngư trường không thuận lợi… Theo nhiều ngư dân ở xã Cà Ná, cho tàu nằm bờ dài ngày thì cũng không phải là cách hay, tàu cũng sẽ bị hư hỏng, chết máy. Cho nên khó khăn cách mấy cũng cho tàu ra khơi, chí ít cũng phải đánh gần bờ.
Cố gắng cùng vươn khơi
Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung đó nhưng qua tìm hiểu việc đánh bắt hải sản tại một số địa phương vùng biển của tỉnh Ninh Thuận, thực tế vẫn có một số tàu cá của ngư dân không nằm bờ vì thiếu bạn, dù chiếm số ít.
Anh La Văn Hiền (ở thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, gia đình anh có chiếc tàu hiệu NT 90140-TS, công suất 370 CV hành nghề lưới rê. Những năm trước, mỗi chuyến đi vươn khơi đánh bắt chỉ tiêu tốn khoảng 5 triệu đồng/ngày nhưng lãi được từ 9 - 10 triệu đồng; bạn đi tàu mỗi người trung bình được chia từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày. Nếu ngư trường thuận lợi, mỗi tháng đi được 20 ngày, mỗi bạn được nhận từ 8 - 10 triệu đồng. Nay khó khăn đủ điều, mỗi chuyến tàu ra vùng lộng đánh bắt cần tới 300 lít dầu, với chi phí tăng và ngư trường giờ khó khăn, có chuyến quay về mỗi bạn được chia có lúc giảm còn 100.000 đồng/ngày.
Tuy nhiên, với anh Hiền, việc kiếm bạn cùng đi biển thì không khó khăn gì mấy, bởi tàu của anh là tàu công suất nhỏ, chỉ cần 4 người làm nên anh dễ tìm bạn hơn. Để tiết kiệm chi phí, anh nắm thông tin ngư trường chắc chắn mới cho tàu vươn khơi, nhưng tránh để tàu nằm bờ quá lâu bởi kinh nghiệm cho thấy nếu bạn ở nhà chờ, không có thu nhập sẽ bỏ tàu, chuyển sang các tàu làm ăn hiệu quả hơn hoặc bỏ nghề luôn.
Tại cảng cá Đông Hải (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), hình ảnh nhiều tàu cá nằm bờ không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, vẫn có một số chủ tàu đang cân phân tính toán, có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu bạn và tìm cách bám biển vươn khơi đánh bắt.
Anh Phạm Văn Sơn, chủ tàu lưới rê hiệu NT 90235-TS, công suất 250 CV đang neo đậu tại cảng cho hay, thường tàu anh đánh bắt ở vùng biển đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), chi phí cho chuyến đi xa 8 ngày là trên 30 triệu đồng. Chuyến vừa rồi, tàu của anh đánh bắt đạt 3 tấn cá ngừ. Do thời điểm đó cảng vắng cá nên anh gặp may bán được giá 30.000 đồng/kg, trừ các chi phí (chủ yếu là tiền dầu) anh thu lãi trên dưới 70 triệu đồng. Tàu tương đối nhỏ nhưng để giữ chân bạn, trước mỗi chuyến đi anh Sơn ứng trước tiền để gia đình bạn tàu sinh hoạt nếu cần, vì thế lúc nào tàu anh Sơn cũng luôn có từ 9 - 1 0 bạn thường xuyên làm việc.
Nhìn tổng thể, trong thời buổi khó khăn này, các tàu cá công suất từ 90 CV - 400 CV có cơ hội hơn trong việc tìm cách khắc phục khó khăn, bám biển vươn khơi. Thực tế cũng cho thấy, tàu nào đánh bắt đạt hiệu quả cao, bất kể là tàu công suất nhỏ hay lớn thì đều luôn có bạn giỏi đi trên tàu. Để giữ chân lao động biển, các chủ tàu cần đảm bảo khả năng tài chính, đủ cầm cự một thời gian cần thiết khi biển “đói”.
Để khắc phục tình trạng thiếu bạn trên tàu cá, về lâu dài giải pháp cần tính tới đó là cần đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong đánh bắt để bù vào sự thiếu hụt lao động như từ trước tới nay. Cụ thể, ngành thủy sản cần tham mưu để có chính sách hỗ trợ; khuyến khích ngư dân trang bị máy móc lắp đặt thay dần sức người trên tàu cá.
Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi nguồn lực lớn; do đó trước mắt để giải quyết bài toán thiếu bạn đi biển, ngành thủy sản cần sớm có giải pháp tham mưu UBND tỉnh có chính sách tạo điều kiện tiếp nhận lao động dịch chuyển từ nơi khác đến. Song song đó, để bảo đảm hoạt động, các chủ tàu phải có giải pháp mang tính căng cơ lâu dài để luôn duy trì nguồn lực bạn gốc; đồng thời cùng sát cánh với lao động biển để hỗ trợ, chia sẻ lúc khó khăn để họ an tâm và cùng đồng hành với chủ tàu vươn khơi đánh bắt.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm đến nay, thời tiết trên biển không mấy thuận lợi nên hoạt động khai thác hải sản của ngư dân cũng gặp nhiều khó khăn, đó chưa kể là giá nhiên vật liệu tăng và nay lại thiếu lao động biển. Tuy nhiên, ngư dân Ninh Thuận luôn chủ động có giải pháp để vươn khơi đánh bắt, không xảy ra tình trạng tàu cá nằm bờ nhiều.
Công Thử (TTXVN)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/giu-lao-dong-bien-de-duy-tri-vuon-khoi-danh-bat-a5578.html