Đến dự sự kiện, có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng; ông Vũ Ngọc Phương - Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam, cũng các nhà khoa học, lãnh đạo Viện Nghiên cứu danh nhân.
Tại lễ kỷ niệm, T.S Nguyễn Thị Kim Oanh – Chủ tịch Hội đồng của Viện đã báo cáo tổng kết hoạt động trong một năm qua và phương hướng phát triển của Viện trong những năm tiếp theo. Được thành lập ngày 17/7/2021 và Bộ KHCN cấp phép hoạt động ngày 23/7/2021, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp trên thế giới và ở Việt Nam, Viện gặp vô vàn những khó khăn trong những ngày đầu hoạt động. Nhưng với sự nỗ lực đồng lòng của từng cá nhân, các nhà khoa học, đến nay Viện đã dần đi vào hoạt động ổn định.
Là Viện Nghiên cứu danh nhân đầu tiên của Việt Nam với sứ mệnh Nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến xuất sắc của các danh nhân đối với sự phát triển trong lịch sử dân tộc và lịch sử Văn hóa nhân loại. Trước hết và chủ yếu là các danh nhân của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Kết hợp Nghiên cứu với Đào tạo – Bồi dưỡng và quảng bá thông tin về danh nhân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo Nhân lực, bồi dưỡng Nhân tài để hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế. Truyền cảm hứng tới mọi người, đặc biệt tới thế hệ trẻ về Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn.
Về tầm nhìn, định hướng của Viện trong tương lai tới năm 2030, kỷ niệm 100 năm lịch sử quang vinh của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 2045, kỷ niệm 100 năm chính thể Cộng hòa Dân chủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển 10 năm (2021 - 2031) và 20 năm (2021 - 2041) của Viện, tạo lập thành tựu của Viện trên ba lĩnh vực: Nghiên cứu – Đào tạo, bồi dưỡng và truyền thông với đội ngũ chuyên gia – cộng tác viên khoa học, đội ngũ công chúng, độc giả trong nước và quốc tế quan tâm tới danh nhân, học tập và làm theo gương sáng danh nhân, kết tinh ở Tư tưởng – Đạo đức – Phong cách Hồ Chí Minh và các học trò xuất sắc của Người.
Từng bước xây dựng đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên có trình độ chuyên môn cao, có Tài năng, Tâm huyết và bản lĩnh trong nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng về danh nhân. Từng bước xây dựng và thực hiện các sản phẩm khoa học của Viện để phục vụ nhu cầu của xã hội, góp phần phát triển khoa học nghiên cứu danh nhân, một bộ phận quan trọng của Văn hóa học, thông qua các dự án hợp tác phát triển trong và ngoài Viện, trong nước và quốc tế.
Là một đơn vị còn non trẻ mới thành lập được một năm, nhưng Viện đã nhận được sự quan tâm sát sao của Lãnh đạo Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam. Được sự ủng hộ của các nhà khoa học trong đó có các nhà khoa học đã nghỉ hưu và vẫn đang công tác ở các cơ sở giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn trên địa bàn cả nước, sự đồng thuận, tâm huyết của nhiều nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực ngiên cứu khác nhau và sự đoàn kết nhất trí cao của các cán bộ, thành viên, cộng tác viên của Viện. Bước đầu đã có những thành quả nhất định.
Bên cạnh đó thì còn tồn tại những khó khăn Viện chưa tìm được người có tiếng nói chung để đồng hành, thiếu và mỏng về nhân sự, cơ sở vật chất và tài chính. Xác định phương hướng phát triển chưa rõ ràng, chương trình nội dung hoạt động phải xây dựng mới từ đầu. Chưa có kinh nghiệm tổ chức các hoạt động của Viện và tổ chức các hoạt động nghiên cứu giáo dục và đào tạo.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Vũ Ngọc Phương - Chủ tịch Trung ương Hội khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam chúc mừng Viện tròn một tuổi và cũng để nghị lãnh đạo Viện cần quyết tâm hơn thực hiện các nội dung đã đề ra tạo nguồn thu cho Viện hoạt động… Ông Vũ Ngọc Phương cũng gợi ý cho Viện nhiều hình thức để tạo ra nguồn thu như hợp tác với các dòng họ ở Việt Nam, các tổ chức xã hội…
Tại buổi lễ, GS. Hoàng Chí Bảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Danh nhân đã bày tỏ sự cảm ơn đến Trung ương Hội khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam đã tạo điều kiện, hỗ trợ về mọi mặt để Viện có được như ngày hôm nay. Bên cạnh đó, GS. Hoàng Chí Bảo cũng cảm ơn các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, các đơn vị, các tổ chức đã đến chung vui, gửi hoa chúc mừng sinh nhật lần thứ nhất của Viện và mong muốn trong tương lai sẽ có nhiều các nhà khoa học tổ chức hợp tác với Viện để ngày càng phát triển công hiến cho cộng đồng nhiều hơn.
Cũng trong buổi Lễ kỷ niệm, Viện đã tổ chức tọa đàm khoa học – Cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh: Với báo cáo khoa học của GS. TS Hoàng Chí Bảo với nội dung; Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh – Cuộc đời và sự nghiệp cùng 4 tham luận với các nghành nghề khác nhau. Thứ nhất của PGS, TS Trần Vì Dân với nội dung - Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh từ góc nhìn lực lượng vũ trang Công an; Thứ hai của GS, TS Nguyễn Văn Tài với nội dung - Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh từ góc nhìn quân sự của; Thứ ba của PGS, TS Đặng Văn Hữu với nội dung - Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh từ phương diện giá trị nhân văn; Thứ tư của PGS, TS Đặng Quốc Bảo với nội dung - Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh về phương diện giáo dục./.
Lam Anh
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/le-ky-niem-mot-nam-ngay-thanh-lap-vien-nghien-cuu-danh-nhan-a5566.html