Hậu Giang cần biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững

Trong chương trình làm việc tại Hậu Giang, sáng 17/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong thời gian vừa qua, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, giải quyết các kiến nghị của địa phương.

hau-giang-can-bien-khat-vong-thanh-hanh-dong-thiet-thuc-va-hieu-qua-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-01-1658059300.jpg
Quang cảnh buổi làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Hậu Giang, thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, khắc phục mọi khó khăn, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế và đạt được những kết quả tích cực.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 tăng 3,08%, đứng thứ 2 trong các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc; chủ động, linh hoạt ứng phó, triển khai kịp thời các biện pháp, giải pháp hiệu quả, phù hợp tình hình, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp tham gia phòng chống dịch. Tổng kết phong trào thi đua năm 2021, tỉnh Hậu Giang là đơn vị dẫn đầu 12 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế đã được phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng 11%, cao nhất từ trước đến nay; cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 8 trong cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 58,4 triệu đồng, tăng 19%. Công nghiệp tăng trưởng đột phá 30,8%. Nông nghiệp tăng trưởng 4,49%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 68,8%. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được triển khai tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...

hau-giang-can-bien-khat-vong-thanh-hanh-dong-thiet-thuc-va-hieu-qua-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-02-1658059300.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hậu Giang với những thành tựu quan trọng đã đạt được, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.

Dành nhiều thời gian phân tích về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, Thủ tướng và các đại biểu cho rằng Hậu Giang nằm ở vị trí tương đối trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 2.300km với mật độ lớn... Hậu Giang là một trong những trung tâm lúa gạo của vùng Tây Nam Bộ; có thế mạnh về cây lúa và cây ăn quả các loại, có nguồn thủy sản phong phú. Hậu Giang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch; còn giữ được cảnh quan thiên nhiên hoang sơ là một lợi thế mà ít địa phương nào trong vùng có được, đặc biệt là Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Hậu Giang có bản sắc văn hóa độc đáo, lịch sử hào hùng, nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, nhiều lễ hội và di tích lịch sử cấp quốc gia, nổi tiếng với chợ nổi Ngã Bảy. Tỉnh có truyền thống cách mạng kiên cường, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hậu Giang là vùng căn cứ chiến đấu ác liệt của Khu 9.

Đồng tình cao với các đánh giá về những thành tựu, kết quả, cũng như tồn tại, hạn chế của tỉnh, Thủ tướng nhấn mạnh, về phương hướng thời gian tới, cần xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi; đánh giá cao các định hướng, mục tiêu của Hậu Giang và đề nghị cần quán triệt một số quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.

Thứ nhất, phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long và chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13, Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu và quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long vừa được ban hành. Trong quá trình thực hiện, phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, sự quản lý của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nghiêm 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.

Thứ hai, phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, sông nước của mình, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể; tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thứ ba, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém.

Thứ tư, suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, quyết tâm giải quyết bằng được hai nút thắt về hạ tầng và nguồn nhân lực, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Thứ năm, xác định truyền thống đoàn kết, văn hóa, lịch sử, cách mạng là một nguồn lực, động lực, xung lực và cảm hứng phát triển.

Thứ sáu, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp.

Thứ bảy, cần tiếp tục coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ tám, thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với biến đổi khí hậu, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu Hậu Giang trước hết phải tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt là đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm chủng vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; theo dõi sát tình hình và kịp thời phòng chống hiệu quả các loại dịch bệnh; bảo đảm nguồn nhân lực, không để thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, phục vụ tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trên cơ sở Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 đã được phê duyệt, tỉnh cần đầu tư thích đáng để đẩy nhanh, hoàn thành và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, dài hạn, ổn định, lâu dài, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện. Quy hoạch phát huy tối đa các tiềm năng, cơ hội, lợi thế, hóa giải, khắc phục các khó khăn, thách thức. Từ quy hoạch, xây dựng các đề án, dự án cụ thể, xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh tăng nguồn ngân sách gắn với việc nuôi dưỡng nguồn thu; tăng cường quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Hậu Giang với vùng đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong vùng để đảm bảo tiến độ thực hiện các tuyến đường cao tốc, trong đó có 100km đường cao tốc đi qua địa bàn, vận động nhân dân làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sẵn sàng các mỏ vật liệu; phát triển hiệu quả, khai thác tối đa giao thông đường thủy nội địa.

Hậu Giang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, năng lượng, công nghiệp thực phẩm, logistics; đẩy mạnh phát triển du lịch; rà soát, tập trung thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tập trung phát triển kinh tế tập thể theo Nghị quyết số 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Cùng với đó, Hậu Giang cần triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội; phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội; chú trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; tổ chức triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tập trung cho đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Tỉnh cần tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, thực chất, hiệu quả với các bộ ngành, Trung ương và các tỉnh, thành phố trong vùng, phát triển Hậu Giang trong tổng thể chung của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của Hậu Giang, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, Trung ương và khảo sát, nghiên cứu thực tế, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với nhiều nội dung, trên nguyên tắc tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực, tạo không gian mới cho Hậu Giang phát triển, đồng thời bảo đảm đúng các nguyên tắc quy định của pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương liên quan và tỉnh Hậu Giang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cách tiếp cận mới, tư duy mới để xử lý các vấn đề.

Thủ tướng mong muốn Hậu Giang biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả, biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất, không để tiềm lực ngủ quên; phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa, nguồn lực con người, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, góp phần đưa Hậu Giang ngày càng phát triển, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng nâng lên.

Ảnh Nhật Bắc - Tin Thanh Giang

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/hau-giang-can-bien-khat-vong-thanh-hanh-dong-thiet-thuc-va-hieu-qua-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-a5559.html