Liệt sĩ Vũ Hoài Tuân-qua ký ức đồng đội, người thân

Lại sắp đến ngày 27/07/2022, cả dân tộc Việt Nam tưởng niệm đến các anh hùng – liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh giành lại độc lập – tự do – thống nhất Tổ quốc Việt Nam. Trong niềm tự hào và tiếc thương vô hạn hàng triệu chiến sỹ và đồng bào đã chiến đấu quên mình để giành lại thống nhất, độc lập, tự do cho dân tộc, thân nhân gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan và nhà thơ Lê Hằng Phương (Hằng Phương nữ sỹ) lại nhớ đến một người con, một người anh cả là Vũ Hoài Tuân đã tham gia Vệ Quốc đoàn (Quân đội nhân dân Việt Nam) từ năm mới 14 tuổi, anh được chọn đi học tình báo, sau vì ít tuổi quá lại được trả về nhà đi học.

liet-si-vu-hoai-tuan-qua-ky-uc-dong-doi-nguoi-than-01-1657981226.jpg
 

Đến năm 1951, anh học xong phổ thông 9 năm ở Quần Tín, Thọ Xuân, Thanh Hóa lại xin trở lại quân đội và được chọn vào học trường Sỹ quan Lục quân. Sau khi xong khóa học, anh được điều về E176 – F316. Anh đã trực tiếp tham gia chiến đấu ở gần hết các trận đánh ác liệt nhất ở hai miền Nam – Bắc Việt Nam và cả ở Lào trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ rồi Chiến tranh Biên giới 1979. Không ngờ, người chiến sỹ kiên cường trực tiếp chiến đấu còn sống sót qua hàng trăm trận đánh vô cùng ác liệt ấy lại bất ngờ hy sinh trong tai nạn máy bay ở Đà Nẵng ngày 15/03/1979 khi anh Vũ Hoài Tuân được Đại Tướng Võ Nguyên Giáp ủy quyền thay mặt dự hội nghị Quân ủy Trung ương về phòng thủ bờ biển chống quân Trung Quốc.

Sự hy sinh đột ngột của anh để lại niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng đội, bạn bè và gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan. Nhà thơ Lê Hằng Phương (Hằng Phương nữ sỹ) đã hoàn toàn suy sụp khi nghe tin người con Vũ Hoài Tuân hy sinh. Bà ốm nặng không ngồi dậy được rồi qua đời đầu năm 1983.

Đến nay, nhiều thông tin của anh Vũ Hoài Tuân vẫn chưa được giải mật, nên những người thân cuối cùng của anh còn lại trên cõi thế gian này biết rất ít về cuộc đời chiến đấu, công tác và sự nghiệp tham gia Cách mạng gần 30 năm của anh cùng với hàng triệu đồng chí, đồng bào chiến đấu chống giặc ngoại xâm để Việt Nam được như ngày hôm nay.

liet-si-vu-hoai-tuan-qua-ky-uc-dong-doi-nguoi-than-02-1657981226.jpg
 

Tưởng niệm 75 năm ngày thương binh – liệt sỹ 27/07/2022, người còn lại trong  gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan – nhà thơ Lê Hằng Phương (Hằng Phương nữ sỹ) xin trích đăng nguyên văn hồi ký của chính anh Vũ Hoài Tuân và hai trong số những bài viết của đồng đội về anh – người chiến sỹ kiên trung trong hàng triệu chiến sỹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam từ 1945 đến 1989 để giành lại thống nhất Tổ quốc, độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Xin trân trọng giới thiệu nguyên văn hồi ký của anh Vũ Hoài Tuân – lúc đó là Đại đội trưởng một Đại đội xung kích tham gia trận đánh diệt cứ điểm rất quan trọng là Trận đồi C1, mở màn ngày 30/3/1954 kết thúc thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 02/5/1954 trong giai đoạn 2 và 3 của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Mục tiêu của Quân đội nhân dân Việt Nam trong trận này là tiêu diệt Trung tâm đề kháng Eliane - một trong dãy cứ điểm phía Đông Điện Biên Phủ, Việt Nam gọi là đồi C1 là cụm cứ điểm phòng ngự bảo vệ khu Trung tâm Mường Thanh của Tướng Đờ Ca-xtơ-ri (Christian Marie Ferdinand de la Croix de Castries sinh 11/8/1902 – 29/7/1991 là một sĩ quan chỉ huy người Pháp cao cấp nhất tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1954). Cao điểm C1 bố trí trên 3 điểm cao thuộc dãy đồi phía Đông Điện Biên Phủ, nằm ở giữa các điểm cao A1, D1, D3.

Dãy đồi này chạy dài từ Bắc xuống Nam, là bức tường phòng ngự nhiều lớp rất kiên cố, tập trung binh lực mạnh che chắn bảo vệ khu Trung tâm Mường Thanh. Pháp cho đóng 8 cứ điểm trên dãy đồi này, hình thành hướng phòng ngự chủ yếu đề ngăn chặn Việt Minh từ phía Đông và Đông Bắc đánh vào Trung tâm. Cứ điểm C1 nằm trên điểm cao 493, cao 50m, là một quả đồi nhọn, đỉnh cao là khu Cột cờ, có thể quan sát và khống chế được xung quanh. C1 ở thụt vào phía trong so với D1, do đó hỏa lực bắn thẳng của Pháp ở D1 có thể kiểm soát tới chân C1. Sát chân C1 về phía Đông là điểm cao 473 (còn gọi là đồi Mâm xôi) thấp hơn 20m, nhưng hỏa lực bắn thẳng từ đây có thể kiểm soát khu vực giữa Cl, D2 và đồi Yên Ngựa giữa Cl, C2. 

Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tiến công thứ 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm: "Tập trung binh hỏa lực tiêu diệt địch ở khu Đông Mường Thanh (C1), chiếm lĩnh dãy đồi phía Đông, tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ".

Trung đoàn 98 do Trung đoàn Trưởng Vũ Lăng thuộc Đại đoàn 316 được giao nhiệm vụ tiến công tiêu diệt cứ điểm C1. Sau hơn 30 ngày đêm chiến đấu liên tục, giành giật từng mét đất, trận chiến mở cửa C1 đã đi đến thắng lợi cuối cùng. Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn kiểm soát cứ điểm C1, tạo bàn đạp cho trận tiến công cuối cùng tiêu diệt Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điên Biên phủ. Trời sáng, không còn thấy quân Pháp phản kích, chỉ có súng trọng liên bốn nòng đặt tại Epécvie tuôn đạn về phía trận địa Việt Minh trên đồi C1 với hy vọng ngăn Việt Minh xung phong vào hầm chỉ huy của Đờ Cát.

Nhớ những ngày C1

Hồi ký của Hoài Tuân (Vũ Hoài Tuân) viết đăng báo Quân đội Nhân dân năm 1958.

Buổi sáng im lặng, một cái im lặng khác thường gần như nghẹt thở, không khí còn sặc sụa mùi khói diêm sinh của bộc phá và đạn đại bác, vách ẩm mốc của chiến hào quện đầy bùn và những băng giẻ dính máu loang lổ. Gần sáng lại mưa làm lòng chiến hào càng thêm nhầy nhụa. Sương mù trắng phủ lên cánh đồng Mường Thanh. Dẫy cao điểm khu Đông trông như những hòn đảo nổi sừng sững trên biển sương mù mịt. Mỏm “Thìa Lìa” (1) ở C2 đã lấp trong mầu trắng đục. Đồi “Mâm Xôi” chỉ còn là một đường cong khi ẩn, khi hiện. Riêng còn nhìn rõ lô cốt “Thằng Người” trên đồi A1 lúc nào cũng như một hình người gục đầu nhìn xuống phía sông Nậm Rốm đăm chiêu suy nghĩ. Thỉnh thoảng có vài tràng trọng liên dội lên ùng ục, tiếng súng trường lẻ tẻ, đạn réo qua không khí bâng quơ. Sau trận đánh đêm qua, trận địa gần như chết hẳn. Trời âm u sắp có một cơn bão đá sẽ rơi xuống nhưng chưa biết bao giờ. Tôi cố nhô người lên khỏi chiến hào quan sát lại trận địa một lần nữa nhưng đành chịu. Sương mù lớp lớp từ các khe núi phía xa chẩy mãi vào Mường Thanh.
____________________________________________
1/ Mỏm Thìa Lìa, đồi Mâm Xôi, lô cốt “ Thằng Người” là những tên và những địa hình đặc biệt do bộ đội ta thường gọi trên địa hình Điện Biên.

liet-si-vu-hoai-tuan-qua-ky-uc-dong-doi-nguoi-than-03-1657981226.jpg
Anh Vũ Hoài Tuân (Ảnh chụp năm 1961 tại Hà Nội)

     Tôi lúi húi kê mấy hòm đồ hộp lấy chỗ cao hơn cố gắng nhìn trận địa cho rõ thì có bước chân người lội bùn ì ọp phía sau.
    - Tuân à! Cúi thấp xuống, chủ quan thế, nó phệt cho một phát phăng teo bây giờ.

    Tôi quay lại, Minh - Anh chính trị viên đang bì bõm trong bùn, chiếc mũ sắt lật ra sau gáy. Bộ quần áo xanh rất diện của anh trước giờ xuất kích nay đã biến ra một thứ mầu nham nhở, loang lổ bùn, ám khói vàng khè của bộc phá, vệt máu chạy dài khắp hai ống tay áo.

    -  Minh! Làm sao thế, bị thương à?

    Anh ngước mắt nhìn tôi, tôi chỉ nhận ra cặp mắt tươi vui, cặp mắt long lanh của người chiến thắng, nhưng mi mắt đã thâm quầng đầy mệt mỏi qua những đêm dài không ngủ.

     - Mình vừa chuyển một số thương binh trong hầm ra nên máu dính đầy người. Đêm qua mình chỉ bị mảnh đạn sượt nhẹ qua đùi thôi, không việc gì. Có quan sát thấy gì không? Sương mù nhiều quá, đã cho hai trung liên cảnh giới phía C2 rồi. Dây điện thoại đã nối xong, cậu về hầm chỉ huy báo cáo trưởng đoàn ngay đi. Thương binh còn ùn lại nhiều lắm, tí pháo Hồng Cúm nó chặn đột phá khẩu thì không thể đưa về được.

        - Văn, Sự ở C35 còn đấy không? Tớ cho tìm mãi không thấy!

      Tôi mong gặp hai anh cán bộ đơn vị bạn cùng phối hợp trận đánh đêm qua để thống nhất kế hoạch bố trí giữ vững trận địa vừa chiếm được. Sục vào các hầm ngầm, hàm ếch, bò qua các chiến hào đổ nát, hỏi anh em chiến sỹ, không ai rõ, nhiều đồng chí đã bị điếc đặc vì đại bác, hỏi gì đầu cũng chỉ gật gật, lắc lắc. Dây thép gai, cự mã, cột gỗ cháy nham nhở chắn hết lối đi. Tôi phải tạm dừng lại đây xem động tĩnh thế nào. Minh trả lời tôi, anh cố giữ giọng nói bình thản thường ngày nhưng không giấu nổi dáng điệu ngập ngừng làm tôi thấy rõ sự xúc động của anh:

      - Sự bị thương nặng, đưa xuống từ đêm qua, còn Văn, anh em xung kích tìm mãi không thấy, chỉ thấy được có cái mũ bê rê địch bắn rách nát và một đôi giầy săng đan. Mình nhìn kỹ đúng là đôi săng đan dây buộc chéo cái lối đặc biệt của cậu ấy. Có lẽ “ Đổ” đêm qua rồi. Trung đoàn cho Tâm ở C4 sang thay Văn, đang đợi cậu ở hầm chỉ huy đấy.

      Trong lúc dồn dập khẩn cấp này, tôi không kịp nghĩ nhiều về người bạn trẻ thân thiết ấy. Nhưng người tôi lặng đi, có phải thế không? Có phải tôi đã vĩnh biệt người Đại đội trưởng hồi chiều qua trong lúc chuẩn bị đi chiếm lĩnh trận địa còn chia cho tôi nửa miếng so co la, còn tán gẫu với nhau về kỳ chỉnh huấn vừa qua, những lúc trú quân bên bờ sông Lô nước chảy êm đềm, có những cây bưởi nặng trĩu quả vàng ối, có những cô gái mắt đen láy lưu luyến với giọng ca âm ấm của Văn, có những người hẹn hò sau chiến dịch này lại về gặp mặt…

       Giờ xung phong đêm qua như sống lại trước mắt tôi. Pháo bắn chuẩn bị từ buổi trưa đến gần chiều tối. Sơn pháo 75 đặt trên dẫy đồi phía sau bắn thẳng vào lô cốt địch, mảnh đạn rít lên trong gió, làm sạt từng ụ đất, đá khô bay tung xuống tận chân đồi. Tiếng rít veo veo của những quả đạn 105 từ trận địa pháo trong dẫy núi Mường Phăng bắn ra, tiếng đạn rú ghê rợn réo khủng khiếp lên đầu bọn địch. Từng quả đồi bị sụt, đất vàng lẫn khói đen bắn lên tung tóe. Những quả đạn cối 120 lừ lừ như những con lợn đen chui sâu vào lòng đất. Chỉ nghe tiềng nổ ụp nhỏ nhưng tường vách công sự bị đu đưa như nằm trên võng

       Cựu binh thì thầm với nhau:

       - “Đúng đạn xuyên rồi, Tây chết bỏ mẹ! Công sự gọi là sụp hết”.

       Pháo bắn cầm canh suốt nửa ngày. Chúng tôi vừa mừng vừa lo. Kể cũng khá ngại, xạ kích pháo binh chỉ chệch một ly là cả trận địa ta trên C1 này tan tành ra khói bụi. Đứng ở đây nhìn bao quát được khắp các vị trí địch ở thung lũng Mường Thanh, kiểm soát được một đoạn đường 41, nhìn rõ các cửa ngõ quan trọng của địch. Về phía sau có thể quan sát hầu hết khắp trận địa pháo, cao xạ và những giao thông hào chậy về hậu tuyến của ta. C1 như con mắt của Tập đoàn cứ điểm Điên Biên, ta và địch tranh đi, chiếm lại đã ba, bốn lần.

      Quả đồi trước kia lau xanh rậm rạp, nay chỉ còn một mầu xám ảm đạm, nó khác hẳn với những cao điểm khác, mầu đỏ loét của công sự địch mới đào, chiến sỹ thường nói đùa:

        - Ở C1 mảnh đạn, than bụi, xác người còn nhiều hơn đất.

       Lần đánh cuối cùng vừa qua không ai chiếm được toàn quả đồi, địch một nửa, ta một nửa, chỉ cách nhau chưa đầy một tầm lựu đạn. Ranh giới chỉ có một lô cốt cao sừng sững như xe tăng mười tám tấn, anh em vẫn quen gọi là lô cốt cột cờ. Lúc chiếm lĩnh trận địa qua lỗ châu mai trong công sự, Văn chỉ cho tôi: “Khi có tín hiệu xung phong, mình sẽ đưa xung kích lên chiếm ngay Cột cờ. Đấy. Thấy không, chúng nó đang sửa lại công sự”.

        Mặt trời đã lặn, bóng tối đang trùm dần lên núi rừng, bắt đầu một đêm âm u giá lạnh không trăng sao ở Tây Bắc. Nhìn sang địch, tôi chỉ thấy  cái mũ sắt hơi nhấp nhô chạy thoáng qua dưới chiến hào, thỉnh thoảng lại có hai bàn tay len lén đẩy vội một bao tải đất bồi thêm vào những công sự vừa bị DKZ ta bắn sụt. Bóng tối đổ xuống nhanh, mặt đất sáng hơn nền trời, đêm sâu thăm thẳm một mầu đen dày đặc, chốc chốc lại có từng loạt pháo dù bay lơ lửng tia sáng vàng khè lạnh lẽo.

       Địch bắn pháo dù liên tục, có lẽ chúng đã phán đoán sắp bị tấn công. Trung liên, đại liên từ các vị trí tiền tiêu của chúng vẫn nhả đạn cầm canh những tiếng ục ục, tạch tạch đều dặn như thường lệ. Những viên đạn vạch sáng xanh lè chạy dài vun vút chiếu rõ những vỏ đồ hộp lổn nhổn đầy mặt đất. Xung kích từ các hầm nghỉ dưới chân đồi đang nối đuôi nhau lên chiếm lĩnh vị trí xuất kích ở các chiến hào. Họ im lặng đi lần theo nhau mò mò từng bước chân trong những giao thông hào có nắp kín, tối om. Thỉnh thoảng nghe tiếng cuốc xẻng, bao đạn va chạm vào thành hào lách cách. Đôi tiếng ho khe khẽ, vài tiếng xì xào nho nhỏ tắt ngay trong lòng đất.

       Trong hầm chỉ huy có cán bộ phụ trách các đơn vị xung kích đang chụm tai vào máy điện thoại nghe lời đồng chí chính ủy dặn dò, ngắt quãng:

       - Mọi việc đã có trong kế hoạch,… Các đồng chí đã rõ,… Tôi không nói nhiều,… Chỉ mười phút nữa đến giờ xung kích. Các đồng chí cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, phát huy truyền thống anh dũng của đơn vị. Đêm nay là ngày 1/5/1954, các đồng chí hãy kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động cho xứng đáng với Đảng viên Đảng Lao động Việt Nam,… Tôi tin tưởng các đồng chí,… Vì các đồng chí,...

        Văn và tôi không nói gì, bắt tay nhau mỉm cười lặng lẽ, cái im lặng tin tưởng và nắm chắc thắng lợi trước giờ nổ súng. Chúng tôi chia tay nhau về vị trí xuất kích. Bóng xung kích chạy dài trên vách hào, chen lẫn bóng những cột dây thép gai nghiêng ngả. Đêm không trăng sao, nhưng sáng vằng vặc dưới ánh sáng đèn dù địch. Phi cơ ầm ì không ngớt, bầu trời Mường Thanh như một cái vung lớn úp lên một chảo nước khổng lồ đang sôi sục.

        Kim đồng hồ nhích dần 20 giờ đúng, pháo dồn dập nổ, lúc đầu tôi còn phân biệt được tiếng nổ đầu nòng nghe lục bục từ trận địa pháo đằng sau vọng lại. Tiếng đạn rít trong không khí, đạn rơi dựng thành từng cột khói đen vàng xám. Nhưng chỉ hai phút sau tai tôi đã ù lên không phân biệt được loại đạn nào nữa. A! Pháo ta bắn cấp tập, nửa đồi C1 phía địch chiếm như bật tung lên hết thành tro bụi. Mặt đất rung chuyển, xung kích đứng trong chiến hào thấy như người chòng chành, lắc lư, cột gỗ các công sự gẫy kêu răng rắc. Địch từ khắp các vị trí khác đột nhiên phản pháo bắn vào trận địa ta dữ dội. Cả quả đồi C1 lửa cháy rực chung quanh, đằng trước, đằng sau lao lên không ngớt những mầu xanh ngắt, vàng khè, đỏ úa của mọi thứ đạn đại bác. Hai phát pháo hiệu xanh vút lơ lửng trên vòm trời đỏ rực. Tín hiệu xung phong. Pháo ta chuyển làn sang các đồi địch bên cạnh.

       Tôi thét lên:

       - “Xung phong!”

      Rồi nhẩy vọt khỏi chiến hào, người như say lảo đảo trong mùi khét của thuốc súng, trong bụi đất vỡ nát của công sự, xung kích lao lên theo, tiếng thét xung phong vang rền hòa lẫn tiếng thủ pháo, tiếng tiểu liên nổ ròn giã khắp triền đồi C1, các ngách hào, tiếng gỗ công sự gẫy, tiếng xác người ngã đè lên hàng rào thép gai có mắc ống bơ loảng xoảng. Dưới ánh lửa đạn nổ, tôi thấy loang loáng xung kích đơn vị Văn chạy lên. Tôi thoáng thấy chiếc mũ bê rê quen thuộc vút nhẩy lên hàng đầu gần lô cốt cột cờ. Một chùm đạn đại bác tung gỗ đất nóc lô cốt lên, trong ánh lửa chập chờn tôi hy vọng may ra Văn vẫn còn sống,… nhưng giờ trong tay tôi chỉ còn cầm chiếc mũ bê rê rách nát lấm đầy bùn và bê bết máu của anh,…

      Ngưng tiếng súng, trong không gian chết lặng, tôi bước vội về hầm chỉ huy phải len lỏi qua các nách chiến hào bom đạn làm sụt từng đoạn dài, những chiếc hào sâu ngập đầu người bị đạn đại bác phá sập đi chỉ còn nông choèn, muốn tránh đạn bắn tỉa phải bò rất khó khăn. Dây thép gai rối tung từng doạn, cột gỗ cháy nham nhở của các công sự sập đổ chắn hết lối đi. Trời đã sáng dần, tôi nhìn lại lô cốt Cột cờ, cả cái khối đất đá bê tông to lớn ấy đã bay đâu mất chỉ còn mấy cột gỗ cháy đen khói nghi ngút hòa vào sương sớm.

      Tiếng thương binh cố rên khe khẽ để không lộ vị trí từ các hầm ngầm vọng ra. Anh em tải thương đặt thương binh vào những mảnh chăn rồi lom khom kéo dọc chiến hào. Chiến hào giờ vừa nhỏ vừa ngoằn ngèo có chỗ chỉ nông đến đầu gối, không làm thế nào khiêng được. Khẽ nhô người lên là ăn đạn của bọn địch ngay. Trận địa chúng tôi vừa chiếm được chỉ cách C2 chưa đầy một trăm thước. Tôi nép vào hàm ếch nhường cho một chiếc chăn kéo thương binh qua. Có tiếng rên khẽ, một khuôn mặt còn trẻ quen thuộc băng bịt đầu và một phần mặt. Tôi nhận ra chiếc áo trấn thủ xanh đã bê bết máu:

        - “Đảnh đấy à! Nặng lắm không? Cố chịu đựng đến trưa là tới quân y rồi”.

      Cặp mắt lờ đờ vì đã chẩy nhiều máu cố chớp chớp,… Đảnh, đồng chí liên lạc nhỏ bé, đôi chân chạy nhanh thoăn thoắt, hay cười đùa,… Chúng tôi gọi là Thỏ con. Đảnh lúc nào cũng chạy liên lạc khắp chiến hào này sang chiến hào khác mang tin địch, lệnh chỉ huy đến các đơn vị, cũng có lúc chú còn mang theo hộp thức ăn địch mới thả dù cho xạ thủ trung liên, cho anh xung kích một cuộn dây dù xanh đỏ sặc sỡ,…

      Qua lô cốt số 7 tôi nhìn vào trong qua thành gỗ công sự đã sụp một nửa có hai chiến sỹ đang lúi húi bên trong, một mái đầu tóc cắt ngắn đang nhìn qua lỗ châu mai xuống phía chân đồi. Một người mặc áo trấn thủ đã rách tả tơi vì đạn và dây thép gai, lưng đeo đầy thủ pháo, cánh tay buộc băng trắng nham nhở bùn đang ngồi trên thùng gỗ đựng đồ hộp, miệng nhai bích quy. Tôi hỏi:

        - “Cậu nào đấy?

        - Báo cáo anh chúng tôi Mẫn và Páo.

       - Có quan sát thấy gì không? Đạn trung liên còn bao nhiêu? Kiểm tra lại thủ pháo và lựu đạn được tiếp tế trong ngách dự trữ còn đủ không nhé. Páo bị thương à? Sao lại ngồi trên hòm gỗ lênh khênh thế. 

       - Páo trả lời tôi giọng ồm ồm, thô thô của thanh niên Thổ miền Đông Bắc:

       - Báo cáo bị thương nhẹ, không sao đâu. Địch đang chữa công sự bên C2. Tôi có nhìn thấy nhấp nhô tí mũ sắt của nó. Ngồi thế này ngật ngưỡng nhưng sạch ạ.

        Mắt đã quen bóng tối, tối cúi đầu nhìn sâu vào trong lô cốt, Páo ngồi trên chiếc hòm gỗ đè lên xác năm, sáu tên địch chết nằm co quắp nghiêng ngửa kín cả nền lô cốt. Quả thủ pháo tối qua giá trị thật! Mặt chúng toác ra từng mảng, xám xịt, không còn nhận ra là Âu, Phi hay Ngụy nữa. Tôi móc cho hai chiến sỹ một gói thuốc lá thơm rồi bò trở ra.

        - Chữa lại lỗ châu mai đi, chịu khó trực một lúc nữa. Chờ tình hình ổn định hơn rồi vứt xác mấy thằng này ra ngoài. Khó thở lắm, lấy nước hoa của chúng nó thả dù đổ chung quanh vậy.

          - Báo cáo, Rõ! Páo và Mẫn cùng nói rồi cười.

          Lúc đó Mẫn chỉ vào đầu tôi bảo:

          - Trông anh ghê quá, như ở dưới đất chui lên. 

          Nói rồi Mẫn lấy mảnh dù lau vỏ thùng đồ hộp đưa cho tôi.

          - Anh soi xem.

         Loang loáng trong tấm sắt tây sáng bóng thấy mặt mình chỉ có hai con mắt còn tất cả tóc tai mũi, mồm phủ kín một lớp bụi đen vàng của đất, bụi. Tôi lấy tay phủi đầu bụi bay mù mịt làm cả ba đứa chúng tôi ho sặc sụa, trong họng đắng ngắt vì hít bụi nhiều quá.

          - Thôi,… thôi, anh để thế đỡ rồi.

       Mẫn cười tinh nghịch, không một lời động viên nào làm tôi vui hơn nụ cười của người chiến sỹ trong chiến đấu. Những con người đã trải qua nhiều đau thương, căm thù làm cho ý chí vững chắc không một chút xao xuyến trước nguy nan, trước hy sinh.

       Chiến hào càng lúc càng khó bò trườn qua xác địch chết chồng chất kín cả một đoạn hào. Đi được phải trườn qua những xác chết trương phềnh, xám ngoét, có cả những xác cũ đang phân hủy. Trên những đoạn dây thép gai nghiêng đổ còn mắc vất vưởng những cánh tay, những đoạn chân nguyên giầy bị đạn đại bác cắt rời đung đưa, lơ lửng. Những mảnh dù, những phiên hiệu đồng sơn đen, sơn trắng, những mũ rộng vành, mũ sắt nhãn hiệu USA của các binh đoàn DBLE,BPC, REI,…phủ kín nhiều đoạn đất hào, đất đồi, chôn chặt vĩnh viễn ở đây giấc mộng xâm lược của chúng.

        Tôi về đến hầm chỉ huy thấy chuông điện thoại vẫn réo leng keng từng hồi. Tôi vội cầm ống nghe:
       - Báo cáo đồng chí Vũ (Vũ Lăng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 Đại đoàn 316 – Ghi chú Biên tập), có tôi đây.

        - Tuân đấy à?
       Qua dây nói, tôi nhận ngay ra giọng khàn khàn của anh Vũ Lăng, Trung đoàn trưởng, một chỉ huy khét tiếng với quân Pháp trong chiến dịch Biên giới đã đánh tan binh đoàn của BeauFre. Nhắc đến ông chỉ huy râu xồm này địch trên đường số 6 vẫn còn khiếp vía. Tôi rất mến anh nhưng không khỏi ngại tính nóng như lửa của anh làm cán bộ chiến sỹ không mấy ai dám gần.

        Tiếng anh Vũ Lăng nói trong máy dằn từng giọng:

         - Tôi chuyển lời Đại Đoàn khen ngợi các đồng chí đêm qua đánh rất khá,… Trung đoàn cũng khen ngợi các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ rất anh dũng.

         Ông nhấn mạnh:

        - Giờ, có mấy việc các đồng chí cần tiến hành ngay, báo cáo cho tôi biết quân số chiến đấu cần tăng cường, tình hình hiện nay hỏa lực của ta thế nào. Đặc biệt lựu đạn ở các vị trí phòng thủ phải đủ quy định. Đây là chỉ thị của Bộ. Tôi nhắc lại lô cốt ta chiếm số 6 cần sáu trăm quả, lô cốt số 5 bốn trăm quả. Sáng nay địch im lặng cần đề phòng cẩn thận,… Động viên anh em sẵn sàng chống địch phản kích.

       - Quan sát thấy gì chưa,… Sương mù à, trinh sát cho biết địch đang tập trung ở quán cà fe đấy. Đề nghị Trung đoàn gì không, … Pháo à. Được sẽ hiệp đồng. Cốt nhất các đồng chí báo chỉ thị mục tiêu chính xác,… Cần giải quyết thương binh nhanh nữa lên. Các đồng chí làm vậy chậm lắm, … Chưa có gì căng thì dọn xác địch đi, bình thường hóa sinh hoạt mới giữ vững tinh thần chiến đấu, luôn báo cáo cho tôi.

       Tôi bỏ máy nói. Súng cối của địch bắt đầu bắn cấp tập, đạn nổ trên nóc hầm rung chuyển, bụi đất, cát rơi lả tả. Nắng đã rọi qua khe thủng vách hầm. Mùi bụi xông lên ngạt thở vừa khét, tanh, hôi thối đầy tử khí. Trong hầm đã đổ mấy chai nước hoa và quấn rẻ bịt mũi mà trong đầu vẫn ong ong lúc nào cũng ngây ngất như đang sốt.

        Minh cho gọi họp Chi ủy  và cán bộ của mấy đại đội lại, còn được có bốn người. Chỉ có duy trì sự tiên phong, gương mẫu của tổ chức Đảng, Đảng viên mới siết chặt đội ngũ vượt qua những giờ phút nguy nan này. Pháo địch bắn dồn dập chặn đường giao liên với hậu tuyến, ngày hôm nay thế là không có cơm nắm, nước uống. Các thùng chứa nước đã bị đạn pháo của địch phá nát làm toàn chiến hào càng thêm lầy lội. Chúng tôi phải đợi pháo địch ngớt loạt mới nhoài ra vét nước đọng lẫn bụi đất trên những tấm bạt còn sót lại. Mọi người chờ xem địch thả dù thức ăn, nước lạc sang trận địa ta,…

       Tôi chạy ra ngoài áp sát mặt vào thành chiến hào để quan sát trận địa. Nắng đang lên, sương tan dần làm lộ ra cao điểm Khu Đông như đàn rùa khổng lồ châu quanh cánh đồng Mường Thanh. Vị trí địch ken dầy đặc trong thung lũng, dây thép gai như một lưới mạng nhện sắt bủa vây cánh đồng rộng mênh mông. Những mảng tôn che nóc hầm địch lấp lóa dưới ánh mặt trời, vô vàn những mảnh vải bạt, vải dù xanh, trắng, đỏ,… hoen ố trải như một đống rác khổng lồ hết vùng cứ điểm Điện Biên. Loáng thoáng bóng mấy tên địch chạy lom khom từ hầm này sang hầm khác như những con chuột nhắt. Vòng vây của ta đang khép chặt dần. Những giao thông hào, chiến hào của ta như những con rắn khổng lồ đang cuộn lại siết chặt khu Trung tâm Điện Biên.

       Trên trời những chiếc khu trục đen trũi đang nhào lộn thi nhau khạc đạn xuống ven rừng, Cao xạ ta nổ liên tục, những quả đạn cao xạ đến tầm cao nổ lục bục khói trằng in rõ trên nền trời xanh trong. Phi cơ địch vọt lên cao tít tránh đạn. Những chiếc vận tải Dakota hai thân nặng nề bay cao tránh đạn, tiếng máy vè vè, u u từ cao vọng xuống, chúng đang vòng quanh cứ điểm thả dù tiếp tế. Tiếng dù tự động mở kêu lép bép, lép bép trên cao. Những cánh dù xanh đỏ, vàng, trắng, loang lổ  da báo mầu xanh đang lơ lửng rơi xuống trận địa, nhìn rõ cả các tấm gỗ làm công sự to bẹt, những hòm đạn, hòm đồ hộp có vỏ thiếc sáng lấp lánh. Địch ra sức tiếp tế nhưng dù rơi vào trận địa ta nhiều hơn vào các vị trí địch. Tôi vừa quay đầu vội tránh một chiếc dù đạn pháo 155 to như chiếc quan tài đang lừ lừ rơi xuống nắp hầm.

      Mặt trời đã lên cao, nắng chói chang càng làm cho không khí hầm hập trên lòng chảo Điện Biên. Nhiều tiếng súng trường, đại liên rộ lên từ phía đồi C2, quả đồi lại bị cầy sới tung lên, bom đạn biến đất đá trên đồi thành một thứ bột mịn lút chân, nhiều xác địch thối rữa đã vùi nhiều ngày lại bị hất tung lên vắt ngang trên rào dây thép gai, lên các cột chống nhô lên từ những chiến hào sụp đổ. Những xác rữa nát còn sọ người đội mũ sắt gục xuống lộ xương hàm vàng khệch.

      Tôi chạy vội về hầm chỉ huy, tiếng động cơ xe tăng địch đang gừ gừ dưới thung lũng vọng lên. Đạn đại bác đã cắt đứt vùi lấp hết dây điện thoại chỉ còn tiếng máy thoại thanh (Radiophone) réo lên từng chặp: “ Eeng lý cho ăn bí, cho ăn bí,…”

      - Tiếng lóng yêu cầu pháo bắn. Từng cột khói của đại bác ta dựng đứng phía cầu Mường Thanh, tiếng nổ như sấm rền vang dội trong các chiến hào.

        Một ngày chiến đấu lại bắt đầu.

       Thấm thoát đã bốn năm qua tôi chưa có dịp nào trở lại Điện Biên, chưa được nhìn lại ngọn đồi C1 trong khung cảnh hòa bình. Mỗi lần nhắc đến ngọn đồi C1 nhỏ bé ở vùng Tây Bắc xa xăm ấy lòng tôi lại rạo rực những ngày máu lửa năm xưa. Mỗi tấc đất trên quả đồi đã thấm bao máu thịt của những người đồng đội của tôi đã hy sinh cho hòa bình hôm nay. Lửa Điện Biên đã tắt trên thung lũng Mường Thanh nhưng vẫn mãi cháy trong lòng những người chiến sỹ Điện Biên phủ may mắn còn sống hôm nay.

       Một sáng chủ nhật đang dạo quanh Hồ Gươm, bất ngờ tôi gặp lại Minh – người chính trị viên đã cùng tôi chiến đấu trong khói lửa bùn máu trên những cao điểm khu Đông Mường Thanh ngày trước. Tôi đã tìm anh nhiều năm nhưng không gặp được, khi gần đến ngày toàn thắng Điện Biên thì anh bị thương mất một chân. Tôi xót thương cho tuổi thanh xuân của anh nhưng cũng tin rằng anh có đủ nghị lực để vượt qua tiếp tục sống của người Đảng viên Cộng sản.

        Chúng tôi xiết chặt vai nhau trong tình đồng chí, đồng đội rất thiêng liêng. Ngồi xuống ghế ven hồ anh cười:

        - Mình tiếp tục đời sinh viên Dược khoa, khó khăn nào rồi cũng vượt qua!

        - Cậu còn gặp ai ở đơn vị trước?

       - Dạo Tết vừa rồi mình lên Lạng Sơn có gặp được Páo. Cậu còn nhớ anh chàng người Thổ nói ồm ồm đã bò lên ném được thủ pháo vào lô cốt số 7 C1 ấy. Hồi mới đóng quân nó hay làm rơi, làm vỡ, chưa sõi tiếng Kinh, … Đố cậu biết giờ nó làm gì?

        Tôi ngớ người ra.

        Minh cười:

        - Nó học thành Cơ công chữa Vô tuyến điện mới tài chứ. Hôm ấy nó cũng về trên Lạng Sơn. Giờ Tuân về đơn vị cũ chắc thấy toàn sự mới lạ. Những anh em không ra quân, ở lại đều trưởng thành cán bộ khung bổ sung cho các đơn vị khác,… Hay lắm.

         Minh cười ha hả.

        Trước lúc chia tay, tôi lục trong túi dết lấy ra cho Minh tấm ảnh diến tập chiến đấu ở Trường Sỹ quan có xe tăng và bộ binh xung kích. Minh xem rồi cầm tay tôi lắc mạnh:

          - Tuân ạ, nếu trước đây lực lượng ta được như bây giờ thì Đờ Cát chỉ giữ được Điên Biên Phủ vài tuần thôi”.

         Gió lướt trên mặt hồ Gươm gợn sóng lấp lánh ánh mặt trời lung linh sáng trên ngực Minh chiếc Huy hiệu Điện Biên Phủ.

Hà Nội ngày cuối Xuân 1958

liet-si-vu-hoai-tuan-qua-ky-uc-dong-doi-nguoi-than-1657983665.jpg
(Ảnh tư liệu)

Hoài Tuân như tôi được biết 

Nhà báo Lê Tiến
(Nguyên Cựu chiến binh – đồng đội của Liệt sỹ Vũ Hoài Tuân)

      Chúng tôi cùng đơn vị và sớm tự nhiên thân nhau vào đầu mùa hè năm 1951 tại lớp Tham Mưu đầu tiên đóng tại chân núi phụng Minh thôn Vân Nam, Trung Quốc. Đây là một trăm hai mươi học viên cấp Trung đội vừa tốt nghiệp khóa 5 và 6 Trường Sỹ quan Lục quân (Lúc đó gọi là Trường Lục quân), một số trong họ là cán bộ chỉ huy cấp đại đội và tiểu đoàn.

       Sau những giờ học căng thẳng, thỉnh thoảng Hoài Tuân lại tìm tôi để dúi vào tay dăm câu thơ không đề. Tôi thấy năng khiếu quan sát và khái quát rất nhanh của Hoài Tuân ẩn trong tính điềm đạm nhiều khi đến lạnh lùng. Tuân thường ít nói với đông người, chỉ tâm sự với một vài người bạn thân thiết. Tuân vẽ đẹp và hay ký họa nhanh những chiến sỹ cầm ca chờ cơm, những anh em ngồi hát trước núi đồi Vân Nam. Cuối năm 1951 sang đến mùa xuân 1952 chúng tôi được về tham gia các chiến dịch với nhiệm vụ sỹ quan tham mưu của các Đại đoàn (Nay gọi là Sư đoàn) thiện chiến. Lúc đầu Vũ Hoài Tuân cùng tôi về Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 tham gia các chiến dịch rất gian khổ. Từ giữa chiến dịch Hòa Bình, tôi tham gia tại tiểu đoàn 428 sau lại về tiểu đoàn Phủ Thông – Tiểu đoàn 11 thì Hoài Tuân ở lại Ban chỉ huy Trung đoàn rồi tham gia các trận đánh vùng quanh núi Ba Vì. Một đêm trong ánh đuốc của các đơn vị vừa chiến thắng trở về, tôi gặp lại Hoài Tuân. Hai đứa tạm nghỉ ngồi trên hòn đá lớn ven đường chia nhau mẩu socola chiến lợi phẩm, vừa uống nước vối trong bi đông của Tuân vừa cười phá lên khi nghe những chuyện kể ác liệt thành vui tươi, hóm hỉnh của Tuân.

    Mùa thu năm 1952, chúng tôi đi dưới những tán cây trong rừng già Vân Lãng rồi chia tay trở về đơn vị. Tuân cầm quyết định về Trung đoàn 176, Đại đoàn 316, còn tôi về Đại đoàn 320 đơn vị chủ lực chiến đấu ở đồng bằng Bắc Bộ. Khi chia tay, Hoài Tuân siết chặt tay tôi rồi đưa cho tôi bài thơ anh viết đau xót, nghẹn ngào về đứa em trai Vũ Hồng Côn qua đời ở hậu phương khi Tuân nhận được tin từ gia đình. 

        Anh nói: 

       - “Tiến về đến Ninh Bình nhớ gửi ngay thư của anh về cho gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan vẫn còn đang ở làng Quần Tín, xã Thọ Ngọc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa,… Chậm có khi gia đình lên Việt Bắc”.

      Mấy năm 1953, 1954 thỉnh thoảng tôi lại nhận được thư của Vũ Hoài Tuân qua hòm thư quân bưu. Thư Tuân viết ngắn nhưng hào hùng đượm chất lãng mạn của một sỹ quan người Hà Nội kể về các trận chiến đấu, nhiều lúc lại có những đoạn thơ ngắn mơ mộng đầy chất nghệ sỹ.

       Mùa xuân 1956, chúng tôi cùng được triệu tập về khóa 10 Trường sỹ quan Lục quân để học nâng cao. Hai đứa gặp nhau sau bao nhiêu năm xa cách chiến đấu ở gần nhà kho sân bay Bạch Mai, Hà Nội. Tuân dừng lại ngắm tôi trong bộ quân phục mới phát rộng lùng thùng rôi cười vang. Sau một thời gian học chính quy, Vũ Hoài Tuân được phân công về học Khoa Hóa học – bước ngoặt quyết định binh nghiệp sau này của Hoài Tuân.

        Thời gian đầu sau hòa bình ở miền Bắc, Vũ Hoài Tuân vừa hoàn thiện chuyên môn khoa học quân sự, vừa sáng tác Văn học. Anh bắt đầu có truyện ngắn đăng trên Tạp chí Quân đội Nhân dân và được các Nhà văn lúc đó như Văn Phác, Nguyễn Đình Thi, Thanh Tịnh,…động viên khuyến khích Vũ Hoài Tuân. Từ năm 1958 – 1978, anh là thành viên chuyên gia quan trọng tại Tổng Hành dinh Bộ Tổng Tham mưu quân đội ta. Anh được chọn đưa đi đào tạo nhiều khóa chính quy trong nước và Học viện Hóa học quân sự Liên Xô. Ở đâu từ xa cũng dễ nhận ra Vũ Hoài Tuân dáng cao gầy, khuôn mặt trang nghiêm với nước da trắng hơi mai mái của những người chiến sỹ Việt Nam chiến đấu dài ngày trong gian khổ.

        Hoài Tuân đi chiến đấu trong chiến trường miền Nam nhiều lần, có lần tháp tùng tướng Lê Quang Đạo lúc đó là Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Phó Chủ Nhiệm Thường trực Tổng cục Chính trị tại miền Đông Nam Bộ và khảo sát lấy mẫu chất độc mầu da cam của Mỹ,… Khi trở ra Hà Nội sau chuyến đi bộ dài ngày vượt Trường Sơn, gặp tôi, anh kể chuyện chiến đấu vô cùng khốc liệt khi ở Bộ Tư lệnh tiền phương tại chiến trường Quảng Trị, lúc đồng đội hy sinh gần hết chỉ còn lại anh cùng mấy người chiến đấu giữ chốt.

         Tôi thật vinh dự tự hào khi được xem ảnh Vũ Hoài Tuân đại diện cho Quân Giải phóng miền Nam tại Hội nghị Paris, ảnh anh cùng Giáo sư bác sỹ Tôn Thất Tùng ở Pháp, ở Thụy Điển tố cáo tội ác chiến tranh và chất độc mầu da cam của Mỹ tại Việt Nam trước các nhà khoa học và báo chí quốc tế. Tôi nhớ những tấm ảnh Vũ Hoài Tuân cởi trần, quần đùi, gầy còm chụp cùng đồng đội trước khi vượt sông Thạch Hãn vào Thành cổ Quảng Trị. Vũ Hoài Tuân từng một mình thuyết giảng tranh luận trước Hội nghị các nhà khoa học thế giới về chất độc mầu da cam. Bỗng dưng trong tôi lúc này trỗi dậy niềm khao khát đến lúc nào đó cần có một không gian ảnh và kỷ vật về Vũ Hoài Tuân – Nhà khoa học quân sự đầu tiên nghiên cứu khám phá mức độ hủy diệt của chất độc mầu da cam của quân đội Mỹ ở Việt Nam.

     Vũ Hoài Tuân – con người quả cảm, trầm tĩnh đầy bản lĩnh và cá tính ấy để lại mãi mãi ấn tượng về hình ảnh trong sáng của một đồng chí, đồng đội trong tôi.

Tháng 8//1980
(Lược trích)

Anh Vũ Hoài Tuân – người chiến sĩ phòng hóa tài năng 

Thiếu tướng – Viện sỹ Trần Xuân Thu

       Trong tiểu đội chúng tôi ở Trường Lục Quân khóa 6 có anh Tuân là con người mảnh dẻ, da trắng nhưng lại có sức dẻo dai, ít ốm đau và có một trí thông minh vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa. Khi Anh đang học chuyên khoa để lấy bằng Tú Tài phần 2 ở Thanh Hóa là xung phong vào bộ đội. Thật may mắn cho tôi có quê ở Thanh Hóa lại được cùng một tiểu đội với Anh. Đoàn chúng tôi theo đường từ Thanh Hóa đi vòng qua một chặng đường dài vượt qua vô số đồn bốt giặc Pháp ở Hòa Bình, qua các vùng Thổ phỉ ở Hà Giang, leo dốc xuyên rừng núi Cổng Trời mới qua Cầu Thanh Thủy sang Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc. Bàn chân đất không dầy dép của chúng tôi sưng vù, bầm tím sau chặng đường đi bộ dài ngày.

        Vũ Hoài Tuân tiếp thu bài học rất nhanh, lại trầm tính nên được phân công sang Khoa Trinh sát. Rồi sau đó khi trở về Việt Nam, chúng tôi được chia về các đơn vị chiến đấu. Sau nhiều năm tôi mới được gặp lại Vũ Hoài Tuân khi về học lớp nâng cao khóa 10 Trường Sỹ Quan Lục Quân ở sân bay Bạch Mai. Sau đó Anh được đào tạo Khoa Hóa học đầu tiên của Quân đội ta rồi về công tác tại Phòng Hóa Học Bộ Tổng Tham Mưu – Đặt nền móng sau này cho Binh chủng Hóa Học. Tại đây, Anh được giao nhiệm vụ cần nhiều kiến thức chuyên sâu về huấn luyện và đảm bảo kỹ thuật phóng xạ. Năm 1964, sau khi chúng tôi tốt nghiệp Học viên Phòng Hóa Liên Xô trở về được giao nhiệm vụ thành lập Phòng Hóa học Bộ Tổng Tham mưu, sau đó là Cục Hóa học để thành lập Bộ Tư lệnh Binh chủng Hóa Học quân đội Nhân Dân Việt Nam. Tôi lại cùng Vũ Hoài Tuân cùng làm việc rất ăn ý giúp chúng tôi vượt qua rất nhiều gian truân để đối phó với cuộc Chiến tranh Hóa học được trang bị rất hiện đại của kỹ thuật tiên tiến của một Siêu Cường Mỹ. Tháng 12/1970, Vũ Hoài Tuân đi cùng Giáo sư Tôn Thất Tùng dự Hội nghị quốc tế ở Pháp để trình bầy nghiên cứu về chất độc Da Cam – Dioxin của Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Luận điểm của chúng ta đã được chứng minh sau này bằng nhiều nghiên cứu và bằng chứng của ta và của quốc tế.

        Anh Vũ Hoài Tuân là một trong những cán bộ chủ chốt đảm bảo Kỹ thuật Phòng Hóa cho Bộ đội ta và làm nòng cốt bảo vệ Nhân Dân. Sự nghiệp của anh được Bộ đội Hóa học và Quân đội ta luôn ghi nhớ, nhất là trong lúc đang làm nhiệm vụ anh đã hy sinh trong một sự cố tai nạn máy bay. Ban bè tưởng nhớ anh là một người bạn chân tình, thông minh, sáng tạo trong mọi công việc.

Hà Nội, tháng 3 năm 1988.

Nhà thơ Lê Hằng Phương (Hằng Phương nữ sỹ) khi biết tin người con trai cả Vũ Hoài Tuân ra trận vào chiến trường Quảng Trị, bà đã viết bài thơ mộc mạc gửi Hoài Tuân:

liet-si-vu-hoai-tuan-qua-ky-uc-dong-doi-nguoi-than-04-1657981226.jpg
Nhà thơ Hằng Phương năm 1960

TIỄN CON RA TRẬN

Gửi Hoài Tuân

Bè lũ Ních-xơn ném bom miền Bắc
Cha mẹ sơ tán về nông thôn
Nhìn ngọn cau, cành tre quen thuộc
Càng mến yêu đất nước nhiều hơn.

Con hành quân đi qua ghé lại
Mười phút thôi, thăm hỏi mẹ cha
Để ngày mai con ra tiền tuyến
Diệt quân thù vì nước vì nhà.

Mẹ cầm tay người chiến sĩ Điện Biên
Tuổi chưa bao nhiêu đã hai lần ra trận
Hồi chống Pháp con chưa có vợ
Nay hai cháu theo mẹ, chẳng gặp ông bà.
Mọi gia đình Việt Nam đều phải chia ly
Mười tám năm rồi vì quân cướp Mỹ
Con xa cha mẹ, vợ phải xa chồng
Lòng ta căm như ngọn lửa rực hồng!
Những bà mẹ xưa gánh gạo theo chồng (1)
Lại gánh theo con, cho chồng con giết giặc
Đổ biết bao mồ hôi và nước mắt
Cho sông núi Việt Nam còn mãi đến ngày nay.

Ôi! Tổ quốc ta bốn mùa xanh tốt
Quả chín trên cây, hoa thơm dưới đất
Giặc Mỹ bạo tàn hòng cướp nước ta
Những bà mẹ Việt Nam cho con mình ra trận.

Dưới ánh trăng, giữa mùa hè trong mát
Mẹ nhìn con, nhìn cảnh đẹp thiên nhiên
Nhớ lúc chống Pháp, con đánh đồi C1
Mẹ đã rất yêu anh lính Điện Biên.
Nay đánh Mỹ, diệt quân thù dân tộc
Việt Nam đấu tranh vì hạnh phúc loài người
Con sẽ trở về với chiến thắng, mẹ càng vui
Mẹ lại yêu con bằng mười ngày xưa đánh Pháp.

(1) Ba Vì 5-1972 – Tập thơ Hương Đất Nước, Nhà xuất bản Văn học 1974.

* Vũ Ngọc Phương

-----------------------------------------------------------------------------------------------

* Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học Phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam, con trai út của nhà văn Vũ Ngọc Phan và nhà thơ Hằng Phương

Vũ Ngọc Phương

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/liet-si-vu-hoai-tuan-qua-ky-uc-dong-doi-nguoi-than-a5547.html