Cần sớm “gỡ khó” cho máy mượn, máy đặt tại các bệnh viện công

Không chấp nhận việc các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt trang thiết bị để cơ sở y tế công sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh (KCB) là quan điểm của Bộ Tài chính.

Lý do bộ này đưa ra là: Pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng tài sản công không có quy định cho phép các cơ quan, tổ chức, đơn vị công lập được mượn tài sản để sử dụng, đặc biệt là đơn vị cung cấp dịch vụ công. Mặt khác, nếu các cơ sở KCB mượn hoặc cho các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất đặt máy thì sẽ bị phụ thuộc vào đơn vị cho mượn, đặt máy.

Bộ Tài chính đề nghị những máy đặt, máy mượn này phải chuyển sang hình thức mua hoặc cho bệnh viện thuê để phù hợp với quy định về quản lý và sử dụng tài sản công.

Vấn đề trên đang làm nóng dư luận, khiến không chỉ các bệnh viện công mà tất cả người bệnh đều lo lắng. Thực tế, hầu hết các bệnh viện đều mượn hoặc cho các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất đặt máy xét nghiệm từ nhiều năm qua theo chủ trương xã hội hóa y tế.

Nay, Bộ Tài chính đề nghị Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam không thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đối với những dịch vụ, xét nghiệm thực hiện trên máy đặt, máy mượn thì quyền lợi của hàng triệu người bệnh sẽ bị ảnh hưởng lớn.

cho-rray-1657941443.jpg
Khoảng 80% máy xét nghiệm tại Bệnh viện Chợ Rẫy là máy đặt, mượn của các công ty trúng thầu hóa chất. Ảnh: PHAN DUYÊN

Không những thế, các bệnh viện công sẽ không có đủ máy xét nghiệm phục vụ việc KCB. Nhiều lãnh đạo bệnh viện khẳng định, kể cả vài năm sau các bệnh viện công cũng khó có đủ máy xét nghiệm, vì chi phí để mua những loại máy này rất đắt (mỗi chiếc từ hàng trăm triệu đến vài chục tỷ đồng, tùy loại) trong khi ngân sách nhà nước còn eo hẹp, thủ tục mua bán máy lại vô cùng phức tạp, mất rất nhiều thời gian.

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Hiện bệnh viện tuyến cuối ở phía Nam này đang sử dụng 80% hệ thống máy xét nghiệm là máy mượn, máy đặt của các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất. Vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng nhiều bệnh viện khác và UBND một số tỉnh, thành phố đã phải gửi công văn khẩn tới Bộ Y tế và BHXH Việt Nam để kiến nghị xem xét lại quy định không cho thanh toán BHYT đối với những dịch vụ KCB sử dụng máy đặt, máy mượn.

Vấn đề khiến rất nhiều ý kiến phản biện nữa là: Nếu Nhà nước mua các loại máy xét nghiệm cho các bệnh viện công thì cũng không dùng được bao lâu, bởi những máy này nhanh lỗi thời, lạc hậu. Thực tế hầu hết những máy mà các bệnh viện công được đầu tư từ vài năm trước hiện đang phải “đắp chiếu”.

Có lẽ, một số cán bộ cơ quan chức năng khi đề xuất quy định trên cũng chưa hiểu rõ nguyên lý hoạt động của hầu hết máy xét nghiệm là: Máy của hãng nào chỉ có thể sử dụng hóa chất, vật tư của chính hãng đó (máy nào thì hóa chất ấy, thuật ngữ chuyên ngành gọi là máy “đóng”).

Do vậy, nếu bệnh viện mua hoặc thuê máy thì sau đó càng phải phụ thuộc vào nhà cung cấp hóa chất, vật tư nhiều hơn, bởi không thể chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư khác để làm các xét nghiệm trên máy sẵn có. Khi đó, dù đơn vị cung cấp hóa chất độc quyền nâng giá, ép giá, hoặc lãnh đạo hai bên có sự thỏa thuận tiêu cực, thì bệnh viện vẫn phải chịu vì không thể lựa chọn loại hóa chất khác và tất nhiên, toàn bộ chi phí tăng sẽ trở thành gánh nặng với người bệnh, với cả quỹ BHYT.

Đó là chưa kể, thật vô lý khi người bệnh làm xét nghiệm trên máy bệnh viện tự mua hoặc thuê thì được BHYT thanh toán, còn làm trên máy do chính doanh nghiệp trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn, tự nguyện đặt tại bệnh viện thì lại không, dù bệnh viện không tốn tiền mua/thuê thì chi phí sẽ rẻ hơn, chất lượng xét nghiệm cũng tốt hơn bởi hóa chất được dùng đúng với loại máy của hãng sản xuất. Khi bệnh viện không cần, không muốn sử dụng loại máy đó nữa hoặc hết hạn hợp đồng cung cấp hóa chất thì có quyền thay đổi nhà cung cấp (trả lại máy mượn) rất dễ dàng, bởi giữa hai bên không bị ràng buộc gì nữa.

Trường hợp bắt buộc các bệnh viện công chỉ được dùng máy tự mua hoặc thuê, thì vừa hạn chế nguồn lực xã hội hóa y tế, gây thiệt hại cho nhiều bên, vừa dễ dẫn đến bắt tay nâng giá để hưởng lợi cá nhân. Còn nếu đơn vị trúng thầu hóa chất và lãnh đạo bệnh viện đã muốn tiêu cực thì cũng dễ dàng “lách luật” bằng cách cho thuê máy với giá rất rẻ, cũng chẳng khác gì cho mượn.

Chỉ vài phân tích trên đã cho thấy, ở đây trường hợp nào có lợi hơn cho Nhà nước và nhân dân, cụ thể là cả bệnh viện, người bệnh, ngân sách nhà nước và quỹ BHYT. Vì thế, như Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời từng căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.

Nếu pháp luật hiện hành chưa có quy định cho phép các cơ sở y tế công lập được mượn tài sản để sử dụng phục vụ KCB thì chúng ta cần phải nghiên cứu để chỉnh sửa, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với thực tiễn, vì sự phát triển của ngành y tế và thiết thực phục vụ nhu cầu KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời phù hợp với chủ trương xã hội hóa ngành y tế, chính sách tự chủ bệnh viện công mà Đảng, Nhà nước ta đã xác định.

Nhiều chuyên gia y tế hiến kế, để khắc phục bất hợp lý “bệnh viện công lập không được dùng máy đặt, máy mượn của các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất”; đồng thời tránh những tiêu cực có thể phát sinh từ việc này, các cơ quan chức năng chỉ cần ban hành quy định: Cơ sở y tế tổ chức đấu thầu rộng rãi vật tư xét nghiệm (gồm cả hóa chất và máy kèm theo) trong thời hạn 5 năm (đủ thời gian khấu hao máy).

Như vậy, đơn vị trúng thầu sẽ cung cấp cả hóa chất và máy xét nghiệm cho bệnh viện sử dụng. Hết thời hạn hợp đồng sẽ tổ chức đấu thầu tiếp và bệnh viện luôn có quyền lựa chọn nhà thầu tốt nhất, không mất tiền mua, thuê máy và không bị lệ thuộc vào đơn vị cho, tặng máy, khó xảy ra tiêu cực. Đây là cách làm hay đã được nhiều nước thực hiện, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, áp dụng để thực sự vì sự phát triển của ngành y, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cuối tháng 6 vừa qua, có 26/34 sở y tế dự họp với Bộ Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất (chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm); 14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo thiếu các trang thiết bị y tế chuyên sâu, nhất là thiết bị xét nghiệm, phục vụ chẩn đoán bệnh... Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 29-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, chủ trương xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế để ban hành các quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền nhằm khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại nhiều cơ sở KCB hiện nay, đáp ứng yêu cầu KCB cho người dân. Đối với những vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết thì kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuyệt đối không để người bệnh có BHYT phải tự mua các loại thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng...

Huy Quang

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/can-som-go-kho-cho-may-muon-may-dat-tai-cac-benh-vien-cong-a5537.html