Diễn biến phức tạp
Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm thông qua mạng xã hội, các đối tượng xấu đã dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản dưới hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online.
Đơn cử như mới đây, Công an quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết đang điều tra, xác minh đối tượng liên quan, trong vụ lừa đảo chiếm đoạt gần 400 triệu đồng của người phụ nữ ở quận Hà Đông. Theo đó, ngày 27/6, chị L (sinh năm 1988; trú tại quận Hà Đông) đến Công an phường Phú Lương trình báo về việc bị lừa khi làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng online trên sàn thương mại điện tử Tiki.
Trong đơn trình báo, chị L cho biết, có lên mạng xã hội tìm việc làm online và được hướng dẫn làm cộng tác viên thanh toán các đơn hàng được hưởng tiền hoa hồng. Chị L đã thanh toán đơn hàng với tổng số tiền là gần 400 triệu đồng nhưng không nhận lại được tiền gốc và phần chiết khấu. Biết mình bị lừa, chị L đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc.
Ở một vụ việc khác, ngày 18/4, chị T (sinh năm 1995; trú tại phường Giang Biên, quận Long Biên) lên mạng xã hội Facebook để tìm kiếm việc làm tại nhà. Khi thấy quảng cáo tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng online trên Facebook, chị T đã tham gia.
Khi chị T chuyển 312 triệu đồng thì các đối tượng thông báo số tiền muốn rút vượt quá 500 triệu đồng nên cần phải làm thêm giao dịch trị giá 450 triệu đồng mới được rút toàn bộ số tiền. Chị T đã đến cơ quan Công an phường Giang Biên trình báo sự việc…
Theo Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn - Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Long Biên, các hành vi lừa đảo người dân chủ yếu đánh vào lòng tham. Cụ thể, các trường hợp lừa đảo làm cộng tác viên, kết nối Shopee, Lazada, Tiki, các trang thương mại điện tử…
Ban đầu đối tượng sẽ cho “nạn nhân” một vài lợi ích. Ví dụ như, chuyển 100.000 đồng sẽ được 120.000 đồng. Nhưng chỉ vài đơn hàng 100.000-200.000 đồng. Đến khi kích cầu lên 5-10 triệu đồng, lúc này kẻ gian sẽ đưa ra các yêu cầu: “lệnh bị lỗi”, “Lệnh bị sai, “hay người ở trong nhóm thực hiện sai thao tác”… nên số tiền bị tạm giữ lại.
“Nhiều nạn nhân vì muốn lấy lại số tiền mua sản phẩm ban đầu, phải tiếp tục thực hiện một đơn hàng khác mới rút được tiền, cứ như vậy đến khi số tiền nạn nhân nạp vào đến hàng trăm triệu đồng và cuối cùng, bị các đối tượng chặn liên lạc, khóa tài khoản mạng xã hội. Điều này gây khó khăn cho nạn nhân trong việc đòi lại số tiền đã chuyển cũng như gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc truy tìm”, Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn thông tin.
Người dân cần tỉnh táo
Theo Công an thành phố Hà Nội, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet tiếp tục diễn biến rất phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo của cơ quan Công an, nhưng vẫn có người do thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng ảo cho các sàn thương mại điện tử.
"Mồi nhử" mà các đối tượng xấu đưa ra rất hấp dẫn như với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10% đến 20%. Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng, đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền. Nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, có nhu cầu bán hàng online để kiếm thêm thu nhập đã sập bẫy của các đối tượng.
Thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự cho thấy, hiện nay, trên địa bàn Thành phố, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng chiếm tỉ lệ cao trên tổng số tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản (hơn 70%).
Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có xu hướng cấu kết thành ổ, nhóm tội phạm, có tổ chức thành đường dây với nhiều đối tượng tham gia tại nhiều địa phương khác nhau và có tính chất xuyên quốc gia.
Về nhân thân người bị hại cho thấy xu hướng ngày càng đa dạng về độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp, khu vực sinh sống..., không còn tập trung vào người cao tuổi, phụ nữ trung niên nhẹ dạ cả tin, một bộ phận người dân thiếu kiến thức về kinh tế, trình độ khoa học...
Trung úy Đặng Huy Hoàng - cán bộ Đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Cầu Giấy), khuyến cáo, trong thời đại bùng nổ các sàn giao dịch, thương mại điện tử, các đối tượng lừa đảo lợi dụng triệt để sơ hở của người dân, khách hàng để gây án.
Những “miếng mồi” lãi suất béo bở đã trở thành cái bẫy nhốt chặt bất cứ nguồn tiền nào mà người mua hàng chuyển đến trước khi chúng được gửi sang một tài khoản thứ “N” để tránh sự phát hiện của cơ quan Công an.
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần tỉnh táo khi nhận được lời mời chào tham gia “việc làm online”; chủ động phòng, tránh thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để chủ động phòng ngừa tội phạm, người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Hải Long (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, thủ đoạn của các đối tượng là mạo danh nhân viên của công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… và đăng tải thông tin quảng cáo, tuyển dụng nhân viên bán hàng cho các trang bán hàng online uy tín hoặc bán hàng qua mạng, sau đó chiếm đoạt toàn bộ tiền của khách.
Hành vi này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, Điều 174 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…
Tùy theo tính chất mức độ hành vi phạm tội và giá trị tài sản chiếm đoạt mà khung hình phạt tù tối đa của tội này cao nhất là tù chung thân”, luật sư Phạm Hải Long thông tin.
Kim Phương
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/de-sap-bay-khi-tham-gia-viec-lam-online-a5506.html