Việc ghép nhóm tượng đài CSGT với PCCC là bất hợp lý?
Những ngày qua, khi đi qua Công viên Thống Nhất, khu vực ngã ba phố Quang Trung – Trần Nhân Tông (đối diện Hồ Thiền Quang) - Hà Nội, nhiều người sẽ thấy công trình tượng đài CSGT và PCCC đang trong quá trình hoàn thiện. Tượng đài có 7 nhân vật, gồm 2 chiến sĩ CSGT, 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC, 1 phụ nữ lớn tuổi và 1 trẻ em. Ngoài ra, cụm tượng đài còn có biểu tượng cột đèn tín hiệu giao thông và ngọn lửa đang cháy. Tất cả tượng đài đều có màu đồng và đặt trên bục cao.
Sự xuất hiện của cụm tượng đài này khiến cho không gian nơi đây mang một diện mạo mới. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến tính thẩm mỹ và tính hợp lý của cụm tượng đài CSGT và PCCC khi đặt trong bối cảnh cụ thể. Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội cũng có nhiều tranh cãi về vấn đề này.
Chia sẻ với Dân Việt, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, anh chưa được xem tận mắt cụm tượng đài CSGT và PCCC đặt ở Công viên Thống Nhất mà chỉ xem qua hình ảnh cùng clip bạn bè quay lại được. Và với con mắt của một người làm nghệ thuật hội họa – điêu khắc, anh cho rằng, cần phải xem xét tính thẩm mỹ của cụm tượng đài này qua ngôn ngữ điêu khắc.
"Ngôn ngữ của điêu khắc là hình khối, hội họa là màu sắc – đường nét, tương tự như âm nhạc là tiết tấu – giai điệu – ca từ. Ở cụm tượng đài này, tôi không bàn đến xấu đẹp bởi xấu đẹp là cảm nhận tự thân của mỗi người. Tôi chỉ thấy rằng, cụm tượng đài này đang sao chép nguyên bản hiện thực. Nghệ thuật nói chung, điêu khắc nói riêng không có nghĩa vụ phải sao chép hiện thực và không bao giờ "tầm gửi" vào hiện thực. Nghệ thuật tồn tại được từ thời cổ đại Hy Lạp đến tận ngày nay, truyền từ Đông sang Tây là bởi vì nó có ngôn ngữ riêng của nó. Tôi không hề thấy được tính sáng tạo nghệ thuật ở nhóm tượng đài này", họa sĩ Lê Thiết Cương phát biểu.
Tranh cãi về cụm tượng đài CSGT, PCCC ở Công viên Thống Nhất – Hà Nội: Sao chép và lắp ghép khiên cưỡng? - Ảnh 2.
Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng nhấn mạnh thêm rằng, việc ghép nhóm tượng CSGT với PCCC cũng là bất hợp lý. Vì bản chất của nghệ thuật điêu khắc là phải chắt lọc lại hiện thực. Cho dù đầu bài nêu ra là gì đi nữa thì người sáng tạo cũng sẽ có rất nhiều cách để thể hiện, không nhất thiết phải sao chép và chắp vá hiện thực.
"Thánh đường nghệ thuật rất mở chứ không chỉ có một lối vào duy nhất. Đề bài là gì thì vẫn có rất nhiều cách để thể hiện và sẽ làm rất tốt nếu đủ tài năng lẫn độ chín trong nghề. Tôi cho rằng, nghệ sĩ điêu khắc hoặc nhóm nghệ sĩ điêu khắc nhóm tượng đài này chưa tìm ra lối thể hiện phù hợp", họa sĩ Lê Thiết Cương nói thêm.
Cụm tượng đài CSGT và PCCC không thể hiện được tính hội nhập
Trao đổi với Dân Việt, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn – Giám tuyển nghệ thuật, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, người nhiều năm theo đuổi các dự án nghệ thuật công cộng cho rằng, tỉ lệ của cụm tượng đài không phù hợp với không gian đặt tượng đài. Không thể gọi khu vực đó là quảng trường bởi ở đó không đủ rộng. Với tầm vóc và quy mô lớn lao như cụm tượng đài CSGT và PCCC thì phải có không gian đủ rộng để phối cảnh.
"Về mặt ngôn ngữ tạo hình của cụm tượng đài CSGT và PCCC, tôi thấy hơi bị lạc điệu. Ngôn ngữ tạo hình ở đây đang mô phỏng lối tạo hình hiện thực xã hội chủ nghĩa của 50 năm về trước. Bây giờ là thời đại 4.0, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, nhiều chủ trương về xây dựng thành phố sáng tạo – công nghiệp văn hóa mà dựng tượng đài với ngôn ngữ cũ kỹ như thế này là hơi lạc điệu.
Tôi có cảm giác như cụm tượng đài này đang kéo nghệ thuật điêu khắc về thời thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Tôi hoàn toàn không thấy cụm tượng đài này thể hiện tính hội nhập về văn hóa gì cả. Thậm chí, ngôn ngữ tạo hình còn hơi lỏng lẻo, bố cục không cân xứng… Tôi không rõ cái này có nằm trong chủ trương chung của thành phố Hà Nội hay không, hay chỉ là ý muốn của một bộ phận nào đó", họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ thêm.
Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, việc ghép cụm tượng CSGT với PCCC vào thành một cũng hơi bị lắp ghép, khiên cưỡng… Vì sự khiên cưỡng đó mà cụm tượng đài này rời rạc, không có sự liên kết với nhau. Dưới con mắt nhà nghề, anh có cảm giác như đây là những hoạt cảnh lắp ghép với nhau chứ không phải là ý đồ của người tạo hình nghệ thuật.
Tranh cãi về cụm tượng đài CSGT, PCCC ở Công viên Thống Nhất – Hà Nội: Sao chép và lắp ghép khiên cưỡng? - Ảnh 4.
"Chất liệu của cụm tượng đài cũng không phù hợp lắm. Tỉ lệ của cụm tượng đài cũng bất hợp lý. Có thể, phía đơn vị đầu tư muốn truyền đi thông điệp về sự gần gũi của lực lượng cảnh sát giao thông và phòng cháy chữa cháy đối với người dân nhưng tỉ lệ của tượng lại quá to, quá cao. Điều này vô tình lại tạo nên một sự xa cách chứ không gần gũi. Chưa kể, việc thiết kế cảnh quan cũng chưa phù hợp", họa sĩ Nguyễn Thế Sơn bộc bạch thêm.
Tương tự, trên mạng xã hội, nhiều người dân cũng đã bày tỏ ý kiến của mình về cụm tượng đài CSGT và PCCC đặt ở Công viên Thống Nhất. Ông Phạm Trần Oánh bày tỏ rằng, cụm tượng đài CSGT và PCCC chưa nghệ thuật, quá đông nhân vật, không có tính biểu tượng. "Quan trọng nhất, không cần dựng tượng đài, nếu chiến sỹ PCCC quên mình cứu dân, nếu CSGT tận tâm cống hiến thì người dân tự dựng tượng đài trong lòng họ", ông Oánh nói.
Hà Tùng Long
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tranh-cai-ve-cum-tuong-dai-csgt-pccc-o-cong-vien-thong-nhat-ha-noi-sao-chep-va-khien-cuong-a5497.html