Ở Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có cuộc khảo sát và tổ chức vệt bài nhằm làm rõ thực trạng, nguyên nhân cũng như những gợi mở của các chuyên gia để các cơ quan quản lý Nhà nước nói chung cũng như ngành Y tế nói riêng tham khảo, có những biện pháp phù hợp nhằm chấm dứt tình trang thiếu hụt lực lượng chăm sóc y tế.
Bài 1: Hiện tượng “chảy máu chất xám” trong ngành y
Việc hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, nhất là những người có trình độ chuyên môn cao sẽ tạo ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao tại các cơ sở y tế công lập. Theo phân tích của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ, nhân viên y tế khối công lập nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó, đại dịch Covid-19 chỉ là "giọt nước tràn ly" dẫn đến hiện tượng nghỉ việc ồ ạt.
Vì sao bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện công “dứt áo ra đi”?
Qua khảo sát tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy rằng, việc nhiều bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện công “dứt áo ra đi” sau nhiều năm cống hiến có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân cơ bản chính là cường độ, áp lực làm việc cao trong khi cơ chế đãi ngộ chưa phù hợp.
Theo đánh giá của các cơ quan y tế tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác, năm 2021 khi dịch bệnh bùng phát dữ dội, cường độ và thời gian lao động tăng, áp lực công việc quá lớn, thù lao y tế thấp, không thỏa đáng với những gì cán bộ y tế đóng góp. Thêm vào đó, chế độ thu hút, hoặc đãi ngộ hạn chế hoặc không có, nhiều viên chức y tế xin nghỉ việc, bỏ việc để tìm công việc mới ít áp lực hơn hoặc làm công việc khác có thu nhập cao hơn.
TP Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng viên chức y tế nghỉ việc, bỏ việc cao nhất cả nước. Tháng 12-2021, toàn thành phố có 1.069 viên chức y tế xin nghỉ việc, thôi việc. Trong quý I-2022 TP Hồ Chí Minh đã có gần 400 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y tế nghỉ việc, bỏ việc.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh (TP Hồ Chí Minh) trong suốt 2 năm vừa qua, đặc biệt là thời điểm “cơn bão” Covid-19 ập đến thành phố, bác sĩ và nhân viên y tế đã làm việc cường độ cao trong thời gian dài, hằng ngày chứng kiến bệnh nhân tử vong mà mình bất lực, lâu dần khiến cho tâm lý của chị stress. Do cơ sở y tế tập trung vào chống dịch, nguồn thu giảm, lương thấp, trong khi áp lực kinh tế gia đình nhiều điều phải lo lắng, chị đã xin nghỉ việc chuyển sang bệnh viện tư.
Theo thông tin từ Bộ Y tế , đến tháng 12-2021, sau TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam có nhân viên y tế nghỉ việc nhiều gồm: Đồng Nai: 372 người, Bình Dương: 202 người, Long An: 162 người, An Giang: 151 người, Cần Thơ: 144 người, Đà Nẵng: 126 người, Bình Thuận: 121 người.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Đồng Nai đã có 230 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên tại các cơ sở y tế công lập từ tỉnh đến xã nghỉ việc (cao hơn nhiều so với các năm trước). Tại Gia Lai, có 23 trường hợp nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ (năm 2021 có 110 bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc).
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai hiện có 1.255 cán bộ, nhân viên, trong đó có 267 bác sĩ, 400 điều dưỡng. Trước áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại thấp, nên từ tháng 1-2021 đến nay, toàn bệnh viện đã có 114 viên chức, người lao động, trong đó có 34 bác sĩ, 42 điều dưỡng, 38 nhân viên thôi việc, bỏ việc. Hiện có 10 bác sĩ, điều dưỡng, cử nhân đang xin nghỉ việc nhưng bệnh viện chưa giải quyết. Ngoài ra, có 13 người đang xin nghỉ không lương, 6 người xin chuyển công tác. Đây là những khó khăn rất lớn đối với bệnh viện khi thiếu nhân lực y tế, đặc biệt là các bác sĩ, điều dưỡng có tay nghề cao.
Thống kê của Sở Y tế Đồng Nai, không phải chỉ trong năm 2021 mới có tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc do thu nhập thấp, mà trước đó đã diễn ra tình trạng này tại các bệnh viện công lập hạng I.
Còn tại Hà Nội, chỉ trong hơn một năm, Thủ đô đã có 857 người làm trong lĩnh vực y tế nghỉ việc, xin chuyển công tác. Nguyên nhân được cho là các nhân viên y tế phải làm việc kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, phải làm thêm ngoài giờ, không kể ngày, đêm, tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập cho nhân viên y tế còn hạn chế so với các doanh nghiệp, các đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành. Vì thế, nhiều nhân viên y tế đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác về những đơn vị có mức thu nhập cao hơn.
Trong đại dịch vừa qua mới thấy hết vai trò quan trọng của y tế cơ sở, cũng như bộc lộ khoảng trống thiếu nhân lực trầm trọng. Tại Hà Nội, có phường lên tới vài trăm nghìn dân, nhưng chỉ có từ 6-8 nhân viên y tế. Dịch căng thẳng, áp lực công việc lớn, mỗi người quản lý vài nghìn dân, trong đó có hàng trăm F0, họ làm việc không ngày nghỉ.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Huệ, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), do y tế tuyến cơ sở phải kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ, lương thấp, thu nhập thêm hầu như không có, nên bác sĩ ra trường không “mặn mà” về y tế phường, xã. Nhiều bác sĩ ra trường muốn chuyên tâm làm công việc chuyên môn, nếu về y tế cơ sở sẽ kiêm nhiệm nhiều việc như phòng dịch, an toàn thực phẩm, tiêm chủng, diệt bọ gậy, khám bệnh….
Thiếu bác sĩ, bệnh nhân là người thiệt thòi
Theo Bộ Y tế, trong số 4.864 viên chức y tế xin nghỉ việc, bỏ việc, có 1.504 bác sĩ, 1.482 điều dưỡng, 226 kỹ thuật y, 1.652 viên chức y tế khác… Còn tại Bệnh viện tuyến trung ương, có 420 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, trong đó có 168 bác sĩ, 129 điều dưỡng, 16 kỹ thuật y và 107 viên chức. Nhiều nhất là Bệnh viện Bạch Mai 65 người, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam 49 người, Bệnh viện Chợ Rẫy 48 người, Bệnh viện Thống Nhất 42 người, Bệnh viện Trung ương Huế 41 người.
Trước hiện tượng bác sĩ xin nghỉ việc, bỏ việc ở bệnh viện công, đặc biệt là những người có chuyên môn cao, sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao tại các bệnh viện công lập. Có nhiều chuyên gia đầu ngành xót xa khi nhìn lực lượng kế cận mình dần rời bỏ bệnh viện công, không ở lại để truyền nghề cho lực lượng kế cận. Họ ra bệnh viện tư, cũng đồng nghĩa người bệnh nghèo thiệt thòi khi không được khám chữa bệnh bởi những bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm.
Bà Phạm Thị Mận (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tôi mắc bệnh tim mạch, thường phải đi viện khám bảo hiểm y tế, có lúc bệnh nặng được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai. Năm ngoái bác sĩ thường khám và điều trị cho tôi chuyển đi, tôi rất tiếc vì bác sĩ giỏi, tâm huyết, mỗi lần được bác sĩ chẩn bệnh tôi rất yên tâm. Có người nói tôi ra bệnh viện tư nơi bác sĩ đang công tác để theo dõi tiếp, nhưng tôi làm gì có tiền, quanh năm đau ốm đã khiến gia đình khánh kiệt”.
Còn ông Phạm Công Hùng, một bệnh nhân mắc nhiều bệnh mãn tính, thường xuyên khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: “Nếu đang khám bác sĩ có chuyên môn tốt, khi họ chuyển đi là một thiệt thòi cho người bệnh. Bởi một bác sĩ giỏi họ phải qua nhiều năm đào tạo, nhiều năm làm việc tích lũy, họ đi thì rất là đáng tiếc”.
Theo ông Hùng, hệ thống bệnh viện tư hiện nay rất phát triển, có nhiều bác sĩ giỏi về làm việc; thậm chí nhiều chuyên gia, bác sĩ đầu ngành làm thêm ở những bệnh viện này, khi đến đây người bệnh có thể yên tâm. Song, phần lớn người dân đều có mức sống trung bình, chi phí khám chữa bệnh ở bệnh viện tư khá đắt đỏ, người dân không theo đuổi được. “Đi bệnh viện tư chỉ có người thu nhập cao, như chúng tôi thì không có khả năng chi trả. Vì vậy, tôi nghĩ nhà nước cần có cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài phục vụ ở bệnh viện công, để họ yên tâm làm việc, phục vụ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho đại đa số người dân”, ông Hùng than thở.
Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy… là cái nôi đào tạo nhân lực ngành y. Nhưng có thầy giỏi lại chuyển sang bệnh viện tư vì thiếu máy móc, thiết bị y tế hiện đại, thiếu thuốc men và cơ chế đãi ngộ. Việc này đồng nghĩa với các em sinh viên, các bác sĩ nội trú sẽ không có thầy giỏi để theo học. Tình trạng này dẫn tới các bệnh viện lớn mất thầy, trò không được đào tạo chuẩn và như vậy, thế hệ kế cận thiệt thòi.
Theo PGS, TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện tượng một bộ phận nhân viên y tế nghỉ việc sau thời gian dài chống dịch Covid-19 đã được ghi nhận tại các hệ thống y tế ở nhiều quốc gia. “Tại nước ta, cũng không ngoại lệ, nhân viên y tế xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau. Tại TP Hồ Chí Minh, năm 2021 đã có hơn 1.100 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có hơn 270 bác sĩ. Riêng 6 tháng đầu năm 2022 đã có 874 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 199 bác sĩ. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập”, PGS, TS Tăng Chí Thượng bày tỏ.
(còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/hang-nghin-nhan-vien-y-te-nghi-viec-he-luy-tu-viec-roi-bo-benh-vien-cong-a5443.html