Anh Nguyễn Văn Thiên Vũ (SN 1991) sinh ra và lớn lên ở Huế, nơi có những cánh đồng lúa chín vàng. Từ lúc nhỏ, Vũ đã được tiếp xúc và quen thuộc với cánh đồng, từng phụ giúp gia đình gặt lúa và chơi đùa trên những con đường quanh co dẫn đến ruộng lúa.
Chứng kiến những vất vả và trăn trở của người nông dân khi làm nông nghiệp, chàng trai trẻ đã ấp ủ làm một điều gì đó để giúp nông dân, góp phần vào sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam.
Cảm hứng nghiên cứu drone đến từ một bộ phim
Từ khi còn là sinh viên Trường đại học Bách khoa TP. HCM, Vũ đã say mê nghiên cứu công nghệ. Lúc này, anh xem được bộ phim “3 chàng ngốc” và trong phim có một nhân vật cũng nghiên cứu về máy bay không người lái. Ngay lúc ấy, trong suy nghĩ của anh đã bắt đầu nhen nhóm một ý tưởng mới liên quan đến drone: “Người ta làm được thì mình cũng làm được”.
Năm 2012, Vũ cùng nhóm bạn thành lập công ty nghiên cứu và phát triển (R&D) về công nghệ máy bay không người lái, tập trung vào chức năng quay phim.
Năm 2015, Vũ gặp được một nhà đầu tư ở miền Tây. Người này cảm thấy công nghệ drone thú vị và hỏi Vũ: "Tại sao không thử gắn bình thuốc trừ sâu vào máy bay để phun?”. Nhận được sự ủng hộ của nhà đầu tư và bạn bè, Vũ lao vào làm việc, nghiên cứu ngày đêm. Thế nhưng, may mắn vẫn chưa mỉm cười với chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết. Giai đoạn này, dự án liên tục thất bại.
Vũ gặp phải nhiều sự chê bai, họ cho rằng xưa giờ người dân vẫn làm nông nghiệp với kỹ thuật từ đời cha ông truyền lại; còn mấy anh thanh niên mới tốt nghiệp ra trường có biết gì về nông nghiệp đâu.
Vậy nhưng Vũ vẫn dồn tuổi trẻ và nhiệt huyết của mình để đầu tư nghiên cứu. “Có những hôm tôi ở lại cả ngày và thức tới sáng ở phòng lab cùng cộng sự để nghiên cứu”, Vũ kể.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu chế tạo drone thành công, sản phẩm lại chưa thể tung ra thị trường. Thời điểm“trắng tay về cả vật chất lẫn tinh thần”, suy sụp vì không đủ sức lực và nguồn vốn đã kiệt quệ, Vũ quyết định quay trở về Huế để làm việc. Tuy nhiên, công nghệ drone vẫn luôn là điều thôi thúc trong tim anh.
Vũ vừa làm việc vừa nghiên cứu song song về drone và cập nhật công nghệ mới. Sau một thời gian nghỉ ngơi, khi đã bơm đủ năng lượng, Vũ lại tiếp tục theo đuổi đam mê.
Người “điên” giữa ruộng chinh phục nông dân
Năm 2018, Vũ mạnh dạn tái khởi động và mang dự án máy bay không người lái với chức năng phun thuốc trừ sâu quảng bá đến người nông dân ở khu vực miền Tây.
Giai đoạn đầu vô cùng khó khăn, anh mang máy bay đến tham dự các hội thảo ở địa phương để giới thiệu nhưng “10 người thì cả 10 đều bác bỏ”.
Tuy nhiên, bản thân anh biết rõ mình đang làm gì, muốn gì và hiểu rõ con đường mình đang chọn, cho nên anh rất tự tin về dự án.
Để từng bước tiếp cận và tạo sự tin tưởng tuyệt đối với nông dân, anh thuyết phục một số người có tư tưởng tiên phong và có diện tích canh tác lớn để làm thử nghiệm và sử dụng drone vào việc phun thuốc.
Anh xin những nông dân có diện tích canh tác lớn tầm 100ha cho làm thử và chỉ dùng drone vào việc phun thuốc trên một mảnh đất 1ha. “Nếu không đạt kết quả thì sẽ đền bù thỏa đáng”, Vũ cam đoan thế với mọi người.
Rồi công sức và tâm huyết của nhóm anh đã nhận được kết quả xứng đáng. Khi thử nghiệm 1 - 2 vụ mùa đều cho ra kết quả ngoài sức mong đợi, hầu hết mọi người đều bị thuyết phục và dần dần thay đổi suy nghĩ.
Sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại sẽ giúp nông dân giảm thiểu sức người, mở rộng diện tích trồng, gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Vũ cũng hiểu, đem những điều mới lạ, đặc biệt là kỹ thuật hiện đại để áp dụng lên nền nông nghiệp truyền thống và thay đổi tư tưởng làm nông của người dân là điều vô cùng khó khăn và cần nhiều thời gian để chứng mình, thuyết phục.
Nhưng càng khó, Vũ càng muốn thử thách mình. Trong tương lai, ngoài chức năng phun thuốc, bón phân, rải hạt giống của máy bay, anh và các cộng sự còn nghiên cứu phát triển nhiều ứng dụng khác.
Họ ấp ủ tạo ra thiết bị drone có khả năng vẽ bản đồ chỉ số thực vật, khi dữ liệu đủ lớn có thể phân tích và chẩn đoán, chữa bệnh cho cây trồng. Ví dụ, máy bay chụp hình ảnh một cánh đồng canh tác lớn, qua phân tích đo được tình trạng sức khỏe từng khu vực cây trồng, khoanh vùng để điều trị hiệu quả.
Đến nay, sản phẩm drone của công ty anh đã có mặt ở hơn 40 tỉnh, thành và được ứng dụng với trên 3 triệu ha cây trồng trong 3 năm, từ 2018 - 2021. Trong đó, thị trường lớn nhất vẫn ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt ở 4 tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
Thành quả ấy chưa phải là tất cả tham vọng của Vũ và các cộng sự, nhưng cũng khiến anh tự tin về những nỗ lực của mình. Vũ chia sẻ:“Một số bạn trẻ không biết mình thích điều gì và không biết phải đi theo hướng nào. Nếu có cơ hội, bạn hãy vận dụng mọi kiến thức, kỹ năng để làm việc một cách tốt nhất. Đừng chỉ hoàn thành công việc đủ tốt, hãy hòa thành công việc được giao một cách xuất sắc và đừng ngại nhận thêm việc rồi mọi sự sẽ an bài.”.
Phùng Hà
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chang-trai-ky-su-dua-may-bay-phun-thuoc-tru-sau-phu-khap-cac-canh-dong-viet-nam-a5388.html