Bài 3: “Chìa khóa” công khai, dựa vào nhân dân (Tiếp theo và hết)

Để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) hiệu quả, bên cạnh quyết tâm chính trị và những giải pháp mang tính đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo, cải cách và hoàn thiện cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước thì việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân là vô cùng quan trọng.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTNTC, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân là gốc"; “phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công!".

Chúng tôi đề xuất một số giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong phòng, chống “giặc nội xâm”.

Trước hết phải dân biết, dân bàn

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng” là phương châm được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, cho rằng: Công cuộc PCTNTC có vai trò to lớn của nhân dân. Không có gì mà nhân dân không biết và không có gì qua mắt được nhân dân. Chúng ta phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ ẩn nấp, như Bác Hồ đã dạy.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong PCTNTC nói riêng, như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Quy chế dân chủ ở cơ sở... Đặc biệt, Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 3-10-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành hướng dẫn tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải công khai để nhân dân biết về nhiều nội dung, làm cơ sở góp ý và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên (CB, ĐV)... 

anh-1657093099.jpg
Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Chúng ta đều biết, việc công khai, minh bạch là cơ sở, điều kiện đầu tiên để phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong tham gia kiểm soát quyền lực, PCTNTC, bởi nếu nhân dân không biết thì không thể bàn và càng không thể kiểm tra, giám sát. Thế nhưng đáng tiếc là thời gian qua, việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, đối phó; thậm chí, có tình trạng không thực hiện công khai và hiện tượng cố tình đóng dấu mật vào những tài liệu lẽ ra cần công khai. Hình thức công khai cũng chưa phù hợp, người dân khó tiếp cận, dẫn đến rất ít người biết.

Để nhân dân tích cực tham gia và góp phần PCTNTC hiệu quả, đã đến lúc phải đặc biệt coi trọng, duy trì thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các hình thức công khai, đa dạng hóa cho phù hợp với thực tiễn để người dân tiếp cận dễ nhất; kiên quyết chống kiểu công khai hình thức, đối phó...

Nước ta đang xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hy vọng rằng luật sẽ cụ thể hóa quan điểm của Đảng về công tác công khai, minh bạch để bảo đảm thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng”. Nếu nhân dân được biết, được bàn những việc liên quan đến các vấn đề dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, như: Các dự án kinh tế, chi tiêu ngân sách, quy hoạch cán bộ, lý lịch và tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức... (trừ những nội dung phải giữ bí mật) thì chắc chắn “cuộc chiến” PCTNTC sẽ hiệu quả hơn. Đơn cử như trước khi bổ nhiệm cán bộ, nếu cơ quan chức năng thực hiện công khai và tổ chức lấy ý kiến của nhân dân (tập thể người lao động), coi đó là nguồn thông tin quan trọng, làm cơ sở để xem xét quyết định thì sẽ hạn chế được nạn “chạy chức”-một trong những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.      

 Rõ cơ chế để nhân dân kiểm tra, giám sát

Đảng, Nhà nước đã có chủ trương phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân để góp phần PCTNTC. Thế nhưng thực tế, đây vẫn là khâu yếu.

Điều dễ nhận thấy là chúng ta thiếu những quy định cụ thể để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền kiểm tra, giám sát các công việc, hoạt động của cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức. Phần lớn những quy định đã ban hành vẫn xác định chung chung, chủ yếu là nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát gián tiếp, thông qua các tổ chức: Quốc hội, hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức đoàn thể, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng...

Tuy nhiên, thực tế hoạt động của những tổ chức này (trừ Quốc hội, hội đồng nhân dân) còn khó khăn, bất cập; không ít trường hợp chưa mạnh dạn phản ánh kiến nghị của nhân dân và không theo đuổi giám sát đến cùng, thậm chí, còn có hiện tượng vị nể lãnh đạo chính quyền nên né tránh phản ánh những sự việc, cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực. Điều này khiến quần chúng dần thiếu tâm huyết tham gia giám sát, góp ý phản biện.

Bất cập nữa là mặc dù Hiến pháp nước ta quy định rõ: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền” (Điều 8) và “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Điều 28)..., song hiện nay vừa thiếu những quy định cụ thể, chi tiết để thực hiện, vừa chưa có chế tài thực sự hiệu quả để bắt buộc các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi nhân dân thực hiện quyền giám sát và phản ánh, kiến nghị. Thậm chí, khá nhiều người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa chấp hành nghiêm quy định tiếp công dân; hoặc vẫn còn hiện tượng trù dập, thành kiến với người khiếu nại, tố cáo, chưa thực sự quan tâm giải quyết, dẫn đến nhiều vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Ngay việc dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, nhưng chúng ta cũng chưa có đầy đủ những quy định để phát huy hiệu quả vai trò của nhân dân trong công tác này, đặc biệt là chưa có quy định cụ thể để nhân dân tham gia vào việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ và PCTNTC trong đội ngũ CB, ĐV, dẫn đến không ít trường hợp chọn nhầm cán bộ hoặc không kịp thời phát hiện cán bộ vi phạm.

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã thẳng thắn nhìn nhận: “Hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của CB, ĐV chưa hiệu quả”... Do đó, việc xây dựng cơ chế phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia PCTNTC, nhất là tham gia giám sát, đóng góp ý kiến khi xây dựng, ban hành, thực hiện các chính sách và trong đánh giá, đề bạt bổ nhiệm CB, ĐV (bao gồm cả giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ; giám sát về biến động tài sản; giám sát về đạo đức, lối sống, chấp hành pháp luật...) là hết sức cần thiết.

Mặt khác, cần có những quy định bắt buộc CB, ĐV, công chức, viên chức phải nêu cao tinh thần đấu tranh phê bình, tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ tổ chức đảng và hệ thống chính trị để tránh tình trạng "mũ ni che tai", "thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh", bằng cách quy trách nhiệm liên đới nếu nội bộ cơ quan có tham nhũng, tiêu cực, cán bộ vi phạm kỷ luật, pháp luật mà đồng chí, đồng nghiệp không có ý kiến phê bình, góp ý trong các hội nghị hoặc bằng các hình thức khác.  

Xây dựng văn hóa “nói không với tham nhũng, tiêu cực”

Thực tế rất đáng suy ngẫm là, sau khi chúng ta thực hiện đường lối đổi mới, trước những tác động của mặt trái cơ chế thị trường thì đạo đức xã hội có xu hướng phát sinh nhiều tiêu cực. Đặc biệt, tư tưởng thực dụng, đặt quyền lợi của cá nhân, gia đình, "lợi ích nhóm" lên trên lợi ích của tập thể, cộng đồng và đất nước từng bước hình thành trong nhân dân và cả một bộ phận không nhỏ CB, ĐV.

Biểu hiện rõ nhất là trước đây, tuyệt đại đa số người dân rất căm ghét tham ô, tham nhũng, coi đó là điều vô cùng xấu xa và quyết liệt đấu tranh, tẩy chay những người có hành vi đó; các thế hệ ông bà, cha mẹ thường xuyên răn dạy, nhắc nhở con cháu không được tham ô làm xấu hổ cả làng, cả họ; có nhiều người cha, người mẹ, người vợ khi thấy con, thấy chồng làm cán bộ, công chức mà mua được đồ dùng đắt tiền thì lo lắng, tra hỏi đến cùng xem có tham ô hay không. Đây chính là điều quan trọng hàng đầu để đội ngũ CB, ĐV không dám và tự giác không tham nhũng, dù gia đình còn nghèo túng.

Nhưng sau này đã khác! Đa số nhân dân mong muốn con cháu mình được làm cán bộ để lo cho gia đình có cuộc sống khấm khá. Thậm chí, ai làm cán bộ mà nghèo khó, không giúp được cho gia đình và người thân còn bị coi là bất thường, kém cỏi, đáng chê (!). Không những thế, nhiều người sẵn sàng "chung chi", "bôi trơn", coi việc "đưa phong bì, đi cửa sau" là điều bình thường để được việc, "đôi bên cùng có lợi". Lối sống đó vô hình trung dẫn tới khích lệ, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, làm hư hỏng CB, ĐV, công chức, viên chức. 

Vì thế, để PCTNTC thực sự hiệu quả, giải pháp căn bản và sâu xa, bền vững là phải xây dựng bằng được văn hóa “nói không với tham nhũng, tiêu cực”; làm cho nhân dân thực sự coi trọng đạo đức cách mạng, tôn vinh tinh thần thượng tôn pháp luật, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân vì tập thể, vì cộng đồng; quyết "nói không với bôi trơn" và không đặt tiền bạc trên đạo đức.

Đây chính là điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở: “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”; đồng thời cũng là nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên mà người đứng đầu Đảng ta đã nhấn mạnh khi phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTNTC: Phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong CB, ĐV và nhân dân. Đây là nhiệm vụ không mới, nhưng rất quan trọng. Bởi tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao nhận thức, tinh thần, ý thức, đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất... tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong CB, ĐV và nhân dân...

Cùng với "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế, thể chế thì công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị tha hóa. Vì vậy, phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các biện pháp bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật. Phát huy vai trò giám sát việc thực thi quyền lực thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; thanh tra, kiểm toán của Nhà nước; giám sát của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, của cơ quan tư pháp, MTTQ và các tổ chức thành viên, của nhân dân và xã hội. (Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTNTC).

NHÓM PHÓNG VIÊN

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/bai-3-chia-khoa-cong-khai-dua-vao-nhan-dan-tiep-theo-va-het-a5321.html