Tuy nhiên, một vấn đề mà dư luận rất quan tâm hiện nay là làm thế nào để xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, một cơ chế quản lý, cơ chế đãi ngộ phù hợp nhằm "bịt lỗ hổng", ngăn chặn từ xa các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Xử nghiêm thì tham nhũng chùn bước
Bên cạnh luồng dư luận chủ đạo là đồng tình, hưởng ứng việc đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng thì thời gian qua cũng xuất hiện hai luồng ý kiến sau: 1- Lo ngại việc xử lý quá mạnh tay sẽ tạo ra một không khí u ám, không ai dám làm việc, không còn cán bộ làm việc; 2- Lý giải sai phạm của cán bộ là do cơ chế, rằng nếu cơ chế như hiện nay thì ai ngồi vào ghế ấy cũng sẽ có nguy cơ sai phạm, vướng lao lý.
Đáng chú ý, vừa qua, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, có ý kiến đề xuất tạo điều kiện cho người phạm tội về tham nhũng, kinh tế khắc phục hậu quả để giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự.
Báo Điện tử VnExpress thực hiện ngay một cuộc khảo sát độc giả về ý kiến đề xuất mới mẻ này. Qua cuộc khảo sát có thể thấy, dư luận nhìn chung không đồng tình với việc nhìn nhận các vụ tham nhũng chỉ dưới góc độ kinh tế, hay vấn đề có tính chất dân sự, mà yêu cầu phải tiếp tục xử lý hình sự thật nghiêm các vụ án tham nhũng.
Cụ thể, 70% số người đồng ý với phương án cần xử lý hình sự tội phạm tham nhũng, buộc bồi hoàn tiền; 5% đồng ý rằng nên cách chức vụ, buộc bồi hoàn tiền; 25% đồng ý rằng phạt gấp nhiều lần tiền tham nhũng, nếu không trả sẽ phạt tù.
Như thế có thể thấy, nếu không xử thật nghiêm tội phạm tham nhũng, hành vi tiêu cực thì lòng dân không yên! Đó là vì việc trừng trị tội phạm tham nhũng không phải chỉ là để thu lại số tiền, của cải, vật chất đã bị chiếm đoạt mà còn để giữ thanh danh cho Đảng, cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ tính chính danh của hệ thống chính quyền, giữ cốt cách, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, để giữ vững niềm tin của nhân dân vào Đảng ta, Nhà nước ta, chế độ ta, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Những điều này thì không tiền bạc, của cải, vật chất nào có thể đong đếm được.
Không nên tạo ra nhận thức tham nhũng, tiêu cực như một lẽ đương nhiên, tất yếu, gắn liền với việc hình thành và phát triển của quyền lực nhà nước, để rồi chỉ tìm cách xử lý nó dưới góc độ kinh tế. Bởi tham nhũng là một thói xấu của bất cứ nhà nước nào, nó không thuộc bản chất Nhà nước xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.
Tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng ta xác định là "giặc nội xâm", là “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta, vì vậy, vẫn phải cương quyết, kiên trì sử dụng những biện pháp mạnh, những “liều thuốc đắng”, khó uống, nhưng mang tính sống còn.
Nhìn lại lịch sử hay nhìn rộng ra thế giới hiện nay chúng ta đều thấy rằng, một nhà nước có luật pháp nghiêm minh đều xử phạt rất nặng với hành vi tham nhũng. Điều 138 của Luật Hồng Đức thời nhà Lê quy định “Quan lại tham ô từ một đến 9 quan tiền, bị cách chức; từ 10 đến 19 quan bị đánh trượng, đi đày; từ 20 quan trở lên, bị chém”.
Vua Minh Mạng thời nhà Nguyễn đã chỉ dụ xử chém đầu, chặt tay rất nhiều quan lại tham nhũng. Thậm chí, vua Minh Mạng còn chỉ dụ xử chém đầu cả bố vợ vì phát hiện ông này tham nhũng 30.000 quan tiền.
Nền tảng để đất nước Singapore vốn nghèo nàn cả về diện tích lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người mà qua mấy chục năm đứng được vào hàng các nước phát triển như hiện nay chính là nhờ hệ thống hành chính hiệu quả, hạn chế tối đa biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Cũng nhờ đó, Singapore mới thu hút được nhân tài, môi trường hành chính, môi trường đầu tư mới trong sạch, lành mạnh.
Để ngăn chặn tham nhũng, Singapore thiết kế các quy định của pháp luật rất nghiêm khắc với tham nhũng, không loại trừ đối tượng nào, đồng thời xây dựng được cơ quan chống tham nhũng hiệu quả. Bộ trưởng Phát triển quốc gia Teh Cheang Wan-người có rất nhiều cống hiến cho đất nước-bị phát hiện tham nhũng 800.000 đô la Singapore.
Biết không thể thoát tội, Teh Cheang Wan tự tử để giữ danh dự và để lại thư tuyệt mệnh gửi Thủ tướng Singapore lúc đó là ông Lý Quang Diệu tỏ rõ sự ân hận. Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Quang Diệu vẫn cho điều tra về cái chết, điều này khiến gia đình của ông Teh Cheang Wan quá xấu hổ, tự rời khỏi đất nước và không bao giờ trở lại. Ngay cả ông Lý Quang Diệu và gia đình cũng đã phải chứng minh trong sạch qua một vụ mua bán bất động sản bị điều tra vào năm 1995. Sau đó, ông và gia đình được chứng minh trong sạch(*).
Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất nghiêm khắc trong việc xử lý tham nhũng, tiêu cực. Đây là điều hoàn toàn đúng đắn, để đội ngũ cán bộ, công chức “không dám tham nhũng”! Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Nhìn sự sa cơ của những cán bộ nhúng chàm, chắc chắn sẽ là bài học đắt giá, sự “không muốn tham nhũng” sẽ dần trở nên phổ biến, bởi những hệ lụy của tham nhũng với bản thân và gia đình.
Việc xử lý nghiêm khắc đã có tác dụng rõ rệt. Thế nhưng, con đường chống tham nhũng, tiêu cực còn rất gian nan. Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, thực tiễn phòng, chống tham nhũng 10 năm qua cho thấy, đã xử lý nhiều vụ án nghiêm trọng, nhiều cán bộ cấp cao, nhưng vẫn còn "nhiều đối tượng chưa biết sợ". Vì vậy, các cơ quan cần tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ để chủ động phát hiện, xử lý vi phạm.
Xử nghiêm thì cơ chế tiêu cực bộc lộ
Các vụ tham nhũng bị điều tra, xét xử nghiêm minh trong giai đoạn vừa qua đã khiến các cá nhân, tổ chức có dã tâm kiếm lợi bằng những hành vi phạm pháp phải chùn tay. Việc cả nước thiếu thuốc, vật tư y tế do các địa phương, đơn vị không dám tổ chức đấu thầu, nhìn bề ngoài có vẻ như là tác động bất lợi từ việc xử lý mạnh tay sai phạm của quan chức ngành y thời gian qua, nhưng ở một khía cạnh khác, đây lại là tín hiệu cho thấy việc mạnh tay xử lý đã có tác dụng.
Người ta không dám làm khi thấy rủi ro vi phạm pháp luật bị xử lý nặng. Cơ chế cũ trong việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế với những bất cập, không lành mạnh đã không thể tiếp tục vận hành mà cần phải có những điều chỉnh thì công việc mới "chạy" được.
Pháp luật của chúng ta rất nghiêm để ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan thực thi, giám sát thực thi pháp luật đã cơ bản đầy đủ. Đó là những cơ sở để cán bộ “không thể tham nhũng”. Nhưng điều quan trọng là thực chất việc thực thi pháp luật như thế nào.
Về cơ cấu tổ chức nhà nước, chúng ta có các Ủy ban của Quốc hội thực hiện chức năng giám sát, phát hiện những bất cập trong pháp luật, chính sách tại các lĩnh vực. Chính phủ có Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có chức năng giám sát về các thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó là cơ chế góp ý, giám sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Nhưng dường như hiệu quả phát hiện lỗ hổng, phát hiện rủi ro chính sách, pháp luật, phát hiện tham nhũng chính sách vẫn còn hạn chế. Cụ thể trong xã hội từ nhiều năm nay đã xì xèo về việc có nhiều "mafia" đang ẩn nấp trong ngành dược, nhưng chỉ khi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào cuộc, chỉ đạo, một số vụ việc bị điều tra, xử lý quyết liệt thì những “ổ nhền nhện” trong ngành này mới bộc lộ và thấy rõ sự tiêu cực trong cơ chế đấu thầu, vận hành lĩnh vực này.
Lâu nay, chúng ta thường nói tới yêu cầu "bịt" các "lỗ hổng" pháp lý, ngăn chặn tham nhũng chính sách. Việc chủ động phát hiện được các "lỗ hổng" chính sách để “bịt” lại là rất tốt. Thế nhưng, việc này không dễ bởi lợi ích nhóm lẩn khuất trong các chính sách, quy định của pháp luật, không dễ phát hiện ra, hoặc không dễ động tới bởi tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, “cuốc giật vào lòng” trong việc giữ lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, địa phương.
Để ngăn chặn tham nhũng chính sách, các dự án luật cần phải được công khai, minh bạch, lấy ý kiến nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp một cách nghiêm túc trong suốt quá trình làm luật. Các nghị định, thông tư hướng dẫn không được trái tinh thần của luật.
Trong những năm qua, doanh nghiệp Việt Nam kêu nhiều về các loại chi phí không chính thức mà họ phải chi trả cho cán bộ nhà nước, mà thực chất là hành vi tham nhũng. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số chi phí không chính thức của doanh nghiệp giảm đều đặn qua các năm, nếu như giai đoạn 2015-2016 có 70% doanh nghiệp kêu phải trả chi phí không chính thức thì đến năm 2021 tỷ lệ là còn 41%. Đây là số liệu rất đáng mừng.
Tuy nhiên, qua vụ án Việt Á chúng ta thấy, có sự móc ngoặc, tiếp tay giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp không còn ở vị trí bị hại để kêu khổ nữa mà đã tham gia vào vị trí chủ mưu của vụ án. Cho nên, khi thấy doanh nghiệp bớt kêu về tham nhũng, chúng ta cũng không nên quá lạc quan, đó là vì hai khả năng: 1- Doanh nghiệp đã chấp nhận hành vi tham nhũng là một phần của công việc; 2- Doanh nghiệp chủ động móc ngoặc, đưa hối lộ để tạo ra những chính sách, cơ chế có lợi cho việc làm ăn kinh doanh. Cả hai khả năng này đều rất nguy hiểm!
Cần cơ chế lương, đãi ngộ phù hợp
Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thế, để nền kinh tế, các mối quan hệ trong nền kinh tế vận hành ổn định, lành mạnh thì cả hai yếu tố “thị trường” và “định hướng xã hội chủ nghĩa” đều cần được quan tâm đúng mức.
Hiện nay, cả khu vực công, khu vực tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài đều cần người tài. Yếu tố thị trường sẽ quyết định nhân lực có năng lực tốt sẽ “chảy” vào khu vực nào. Nếu khu vực công muốn thu hút người tài thì lương cho khu vực này phải tương xứng với trình độ, công sức, trách nhiệm của nhân lực bỏ ra.
Còn nếu lương “ba cọc, ba đồng” không tương xứng với công sức, trách nhiệm mà vẫn thấy nhân lực đổ vào thì chứng tỏ họ đang nhìn thấy lợi ích ngoài lương. Và những lợi ích ngoài lương đó phần lớn là những hành vi nhạy cảm, vi phạm quy định Nhà nước. Khi lợi ích ngoài lương bị "bịt" dần, trách nhiệm thì nặng nề, mà thu nhập lại thấp thì nhân lực sẽ có xu hướng bỏ khu vực công để đổ tới khu vực khác. Việc nhân lực ngành y ở các bệnh viện công đang xin thôi việc hàng loạt chính là biểu hiện của xu hướng này.
Chúng ta sẽ rất khó để có một đội ngũ nhân lực công lành mạnh, giỏi chuyên môn, trách nhiệm cao, đạo đức tốt nếu như chúng ta chưa thực hiện lương khu vực công tiến sát với lương thực tế của khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài, để cán bộ, công chức “không cần” tham nhũng.
Muốn vậy, cần phải đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm biên chế, tính toán hiệu quả, sự hữu dụng của từng vị trí công việc, thải loại những nhân lực kém chất lượng để có chỗ cho người mới có khát khao cống hiến, có trình độ, có đạo đức tốt hơn.
Để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, bên cạnh việc việc siết chặt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, dứt khoát cần phải xây dựng được một xã hội thực sự "dị ứng" với hành vi tham nhũng, không chấp nhận bắt tay, móc ngoặc với cán bộ tham nhũng. Vì thế, cùng với “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, cần có thêm “không chấp nhận” hành vi tham nhũng.
(còn nữa)
(*) Hồi ký Lý Quang Diệu - Tập 2: Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất, NXB Thế giới, 2017.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/bai-2-phap-luat-nghiem-minh-co-che-phu-hop-a5287.html