Còn nhiều 'nút thắt' trong liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

"Không có nghị quyết riêng lẻ cho các địa phương cho dù có đặc thù thế nào và sẽ có nhóm cơ chế chính sách đặc thù cho các vùng đó, để đảm bảo phát triển bền vững. Chúng ta phải bắt đầu thống nhất trong nhận thức và tư duy về khâu liên kết để phục vụ cho phát triển" - ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh.

toa-dam-lien-ket-phat-trien-vung-kinh-te-trong-diem-mien-trung-trong-boi-canh-moi-1656923554.jpg
Toàn cảnh buổi toạ đàm

Vừa qua, tại Quảng Nam, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010, phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Tọa đàm "Liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm trong bối cảnh mới"

dong-chi-tran-tuan-anh-uy-vien-bo-chinh-tri-truong-ban-kinh-te-trung-uong-phat-bieu-tai-buoi-toa-dam-1656923553.jpg
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cần nhiều cơ chế, chính sách mới tháo gỡ các “nút thắt” trong liên kết phát triển, để Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sớm bắt kịp các vùng khác và trở thành một đầu cầu lớn của cả nước trong giao lưu, hợp tác quốc tế.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã phân tích những tồn tại, hạn chế trong liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cụ thể, Vùng thiếu các hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp, chế tài thực thi phù hợp; Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm chưa có địa vị pháp lý đầy đủ, không đủ nguồn lực để điều phối sự phát triển chung của vùng, chưa có khả năng xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch vùng. Tư tưởng lợi ích theo địa giới hành chính vẫn còn tồn tại, thậm chí còn cạnh tranh với nhau làm triệt tiêu lợi thế của toàn vùng, đây là một trong những “điểm nghẽn” cần sớm được tháo gỡ.

cang-ky-ha-1656923553.jpg
Còn nhiều “nút thắt” trong liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Ảnh minh họa)

Tiến sỹ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, trong liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiện tồn tại nhiều “điểm nghẽn”. Hệ thống giao thông kết nối nội vùng và liên vùng quá hạn chế dù đã từng bước cải thiện nhưng chưa tạo động lực để giao lưu phát triển kinh tế.

kcn-co-khi-che-tao-1656923910.jpg
Một cụm nhà máy trong Khu kinh tế mở Chu Lai 

Về cơ chế, dù đã thành lập Hội đồng Vùng nhưng còn mang tính hình thức, chưa quy định rõ vai trò và chưa thể hiện cộng đồng trách nhiệm. Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, hiện nay nền kinh tế Việt Nam được điều hành bởi Chính phủ và chính quyền các tỉnh chứ chưa được điều hành theo vùng.

"Giữa vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp hình thành những chuỗi liên kết với nhau, chứ từng ngành, lĩnh vực thì vẫn chưa tổ chức liên kết được nhiều, ngoại trừ lĩnh vực du lịch thì đã làm được ở một số nơi. Chính vì vậy liên kết, phát triển vùng vẫn chưa tạo được lợi thế, khai thác thế mạnh của vùng nên vẫn còn đầu tư dàn trải và lãng phí nguồn lực", Tiến sỹ Trần Du Lịch nói.

san-bay-chu-lai-1656923553.jpg
Sân bay Chu Lai là điểm liên kết hàng không giữa các vùng

Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại tọa đàm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ: Những đề xuất, đóng góp các địa phương và các chuyên gia, nhà nghiên cứu tại buổi tọa đàm là cơ sở để đánh giá toàn diện, từ đó hoàn thiện các luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Võ Việt

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thao-go-nut-that-trong-lien-ket-phat-trien-vung-kinh-te-trong-diem-mien-trung-a5270.html