Văn học trong tiến trình hội nhập hôm nay

Tôi nói hôm nay vì Việt Nam chúng ta đã trải ít nhất là hai lần hội nhập lớn.

nlntv-2-5258-1523425044-1656903787.jpg

                   Chu Văn An - Người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam

                                   Ảnh minh họa Internet

Tôi nói hôm nay vì Việt Nam chúng ta đã trải ít nhất là hai lần hội nhập lớn.

Cuộc hội nhập lần thứ nhất là hội nhập dân tộc vào khu vực Đông Á diễn ra trong sự xâm lược và thống trị của Thiên triều Trung Hoa kéo dài suốt 2000 năm, trong đó 1000 năm đầu, nước ta trở thành thuộc địa, 1000 năm sau là tự chủ. Với chiều dài như thế, và với sự chênh lệch về lực lượng như thế mà giành được, rồi giữ được sự độc lập về tinh thần và văn hóa là chuyện khó hình dung, hoặc quá hiếm hoi trong lịch sử. Điều đáng quan tâm là cách cha ông chúng ta tiếp nhận văn hóa Trung Hoa - trong tư cách là cái nôi của văn minh phương Đông, để xây dựng văn chương- học thuật dân tộc - với các mô hình chính trị, với hệ ý thức Nho giáo, với chữ Hán - để từ chữ Hán mà có chữ Nôm; và từ hai loại chữ viết này - cùng với nền văn học dân gian có từ lâu đời mà xây dựng một nền văn chương- học thuật dân tộc có lịch sử ít nhất là 1000 năm, cho đến hết thế kỷ XIX, với những đỉnh cao như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Phan Huy Chú, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến...

Như vậy là từ trạng thái bị cưỡng chế, rồi chuyển sang chủ động, dân tộc và văn chương dân tộc vẫn tạo được một gương mặt riêng trong bối cảnh Đông Á, có cùng một hình thái kinh tế- xã hội và một phương thức sản xuất mà Trung Hoa là đại diện.

Cuộc hội nhập lần thứ hai, ngắn hơn - chỉ trên dưới 100 năm, đó là cuộc hội nhập với văn minh phương Tây, từ chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang chủ nghĩa đế quốc. Cũng vẫn là một sự cưỡng chế - và không tránh được, theo cách nói của Mác, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đại ý: Nó - giai cấp tư sản, “đã bắt các dân tộc nông dân phụ thuộc vào các dân tộc tư sản. Bắt phương Đông phụ thuộc vào phương Tây”. Nhưng trong cưỡng chế, để từ xã hội phong kiến chuyển sang xã hội bán phong kiến- thuộc địa, nền văn hóa và văn chương- học thuật dân tộc vẫn có cơ hội để đạt được một trình độ cao hơn, trước hai yêu cầu văn minh và dân chủ mà thời đại đặt ra, do sự xuất hiện của giai cấp tư sản và các cuộc cách mạng tư sản trong lịch sử. Đó là một bước ngoặt lớn của văn minh nhân loại, nhằm lật đổ mọi uy lực của thế quyền và thần quyền mà đem lại một giải phóng lớn cho xã hội - là giải phóng cá nhân, cho họ biết cái hạnh phúc được tự do (qua khẩu hiệu: Tự do - Bình đẳng - Bác ái) trước hết là tự do thân thể, và những thứ gọi bằng hạnh phúc mà mỗi con người sinh ra ở đời đều có quyền được hưởng, tất nhiên là trong những giới hạn mà lịch sử, và lịch sử đấu tranh giai cấp cho phép, để làm nên gương mặt thời hiện đại. Thời hiện đại là thời chủ nghĩa thực dân áp đặt sự thống trị lên thế giới người da màu, trong đó có Việt Nam; nhưng ngay trong xã hội thuộc địa là xã hội được kiến lập theo mô hình phương Tây, thì dẫu với tất cả các tội lỗi do nó gây ra, vẫn cứ có những khoảng sống và khoảng sáng văn minh nhiều lần hơn xã hội phong kiến chuyên chế. Đó là điều giúp ta hiểu vì sao, trong cuộc hội nhập lần thứ hai, làm nên bước chuyển từ mô hình trung đại sang mô hình hiện đại, vào nửa đầu thế kỷ XX, sinh hoạt văn hóa, tinh thần và nền văn chương học thuật dân tộc đã đạt được những thành tựu có thể nói là kỳ diệu - để có chữ Quốc ngữ, phong trào báo chí- xuất bản, Thơ mới, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, văn học hiện thực và những công trình biên khảo, nghị luận, phê bình sáng giá...

Tiếp nối cuộc hội nhập lớn với phương Tây từ cuối thế kỷ XIX đến mở đầu thế kỷ XX, đem lại những kết quả ngoạn mục cho tiến trình hiện đại hóa, và kết thúc ở thời điểm Cách mạng tháng Tám - 1945 thiết lập nền chính trị Dân chủ Cộng hòa, là một cuộc hội nhập có quy mô khu vực của dân tộc với phe xã hội chủ nghĩa, trong một thế giới chia đôi - kể từ 1950 đến 1975 trên miền Bắc, và trên phạm vi cả nước cho đến đầu 1990, khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan vỡ. Hội nhập với phe xã hội chủ nghĩa và trong thế đối đầu với thế giới phương Tây - nền văn chương học thuật dân tộc trong ngót 50 năm kể từ sau 1945, đã thu được những thành tựu mới trong tương ứng và đáp ứng cho yêu cầu của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ - kéo dài hơn 30 năm; nhưng qua đó cũng bộ lộ không ít những hạn chế, vấp váp,...

Như vậy là, trong khuôn khổ, quy mô và sự nối dài của cuộc hội nhập lần thứ hai, có độ dài hơn một thế kỷ, dân tộc và văn hóa dân tộc đã tạo được hai bước chuyển quan trọng, - một là từ tình trạng bế quan tỏa cảng, khép kín đối với  mọi nền văn minh khác mình (mô hình Trung Hoa) buộc phải mở cửa cho văn minh phương Tây xâm nhập vào nửa cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX; và hai là từ “phe” (trong một thế giới chia đôi) mà hòa vào một thế giới đang tan băng, để đến với những mục tiêu mà cả nhân loại cùng theo đuổi, và thoát ra khỏi thế cô lập cục bộ với nhân loại, trong phần cuối thế kỷ XX...

Và bây giờ, dân tộc và văn hóa dân tộc lại đứng trước yêu cầu của một cuộc hội nhập lớn - cuộc hội nhập mang tính toàn cầu lần thứ Ba. Tôi nói lần thứ Ba, bởi theo cách nghĩ của các giới khoa học phương Tây, thì nhân loại đã trải qua hai cuộc Toàn cầu hóa. Cuộc thứ nhất, bắt đầu từ năm 1492 - là năm Cristophe Colombus phát hiện ra châu Mỹ cho đến 1800 - 11 năm sau Cách mạng Tư sản Pháp - 1789. Cuộc thứ hai, từ 1800 cho đến năm 2000, cũng 11 năm sau sự kiện bức tường Berlin đổ - 1989. Trong cả hai lần Toàn cầu hóa này, Việt Nam còn là một nước lạc hậu đứng ra ngoài guồng văn minh nhân loại, bởi còn phải tập trung toàn lực để giành cho được quyền độc lập dân tộc. Và bây giờ - với cuộc Toàn cầu hóa lần thứ Ba gắn với Kỷ nguyên Thông tin và Cách mạng số, bắt đầu từ năm 2000, Việt Nam đã có một cơ hội, và trong tư thế chủ động, để bước vào cùng một phòng chờ với nhiều dân tộc khác trên thế giới. Đó là một may mắn của lịch sử. Để không được chậm trễ và bỏ lỡ cơ hội, ta phải biết cách làm bạn với cả thế giới, và phải biết cách đi tắt, đón đầu. Đó là điều khó tránh. Nhưng đi tắt, đón đầu là phải bỏ qua nhiều khâu, nhiều giai đoạn quan trọng, là phải đốt cháy giai đoạn, và khó tránh vi phạm những bước tiến theo quy luật tự nhiên của lịch sử. Kinh nghiệm của những bứt phá, những đại nhảy vọt, những cuộc cách mạng với những cái tên rất kêu, và một hệ thống lý thuyết nằm trong các đường lối, cương lĩnh, nghị quyết đậm đặc ý chí luận đã gây ra bao đứt gẫy với truyền thống, và mất gốc rễ lịch sử.

Do vậy nếu ở các lĩnh vực sản xuất vật chất, khoa học, công nghệ cần phải nhanh gấp đến với các mục tiêu tiên tiến, thì ở lĩnh vực văn hóa, tinh thần lại cần biết cách điều chỉnh, cân bằng để tạo một môi sinh thuận theo tâm lý, thói quen, văn hóa ứng xử, không đột ngột cắt đứt với truyền thống cha ông. Ở đây, bài học về khả năng rút ngắn con đường đi và khả năng nhảy vọt của kinh tế, kỹ thuật ở Nhật Bản quả là đầy sức thuyết phục.

Đó là bài học không cắt đứt đột ngột với quá khứ mà biết giữ gìn và tiếp nối quá khứ, trong sự nhận thức vai trò của Khổng giáo và việc sử dụng tầng lớp quý tộc Samurai - nguồn cung cấp đội ngũ cán bộ chủ chốt cho công cuộc canh tân. Bài học về sự huy động sức mạnh tổng hợp của đạo lý truyền thống và khoa học, của văn hóa và công nghệ, được đúc kết trong phương châm “Kỹ thuật phương Tây, đạo lý Nhật Bản”. Những cái giá phải trả nếu chỉ chọn duy nhất con đường Tây Âu hóa, tức là con đường chỉ đơn thuần dựa vào vốn, vào kỹ thuật và công nghệ của nước ngoài mà coi nhẹ hoặc bất chấp văn hóa bản địa, bất chấp nền móng dân tộc như đã diễn ra ở một số khu vực của thế giới thứ ba, sẽ dẫn ngay đến sự suy thoái kinh tế, cùng biết bao hậu quả xã hội.

Khảo sát nền văn hóa dân tộc trong hai nghìn năm thời Trung đại cho ta thấy việc tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa mà vẫn giữ được gốc Việt, không bị đồng hóa trong cả nghìn năm Bắc thuộc, không chịu khuất phục trong cả nghìn năm tự chủ. Ngót 100 năm chịu sự xâm lăng và thống trị của thực dân Pháp, với sự tiếp nhận những giá trị văn hóa và tinh thần đến từ phương Tây ta đã nhanh chóng tạo được một nền văn chương- học thuật hiện đại, trong gắng gỏi đuổi kịp với trình độ chung của nhân loại. Như vậy là trong khi phấn đấu thoát ra khỏi sự phong bế (ở nhiều cấp độ), ta vẫn tạo được một cái gì vừa là của riêng mình, để không rời xa truyền thống; vừa vẫn có được cái mới - phù hợp với sự tiến triển chung, mà không bị loại ra khỏi các cuộc đua trên đại lộ của văn minh toàn cầu.
(còn nữa)

GS.Phong Lê

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/van-hoc-trong-tien-trinh-hoi-nhap-hom-nay-a5262.html