Cùng dự, có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Hội nghị được tổ chức nhằm tiếp tục lắng nghe các ý kiến đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 và Kết luận 12-NQ/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020; định hướng các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các quan điểm, định hướng phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 và Kết luận số 12, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp, các ngành ở Trung ương, cùng với sự nỗ lực quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trong Vùng, Vùng Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực, qua đánh giá sơ bộ đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh, như:
Các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cơ bản được hoàn thành; khẳng định Nghị quyết 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị đã thực sự đi vào cuộc sống. Kinh tế vùng Tây Nguyên đã đạt được kết quả khá toàn diện, quy mô kinh tế được mở rộng; chuyển dịch cơ cấu đúng định hướng. Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống văn hóa của người dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phát huy. Công tác giảm nghèo từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá.
Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đã được quan tâm. Công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước đã được các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng và được xác định là vấn đề quan trọng, cấp thiết đối với sinh kế của người dân trong vùng.
Việc giao đất, cho thuê đất, định canh, định cư đã được triển khai thực hiện kịp thời, từng bước khắc phục được tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, chuyển dần từ thái độ thụ động, ỷ lại sang chủ động, phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, đấu tranh xóa bỏ tổ chức, lực lượng và đối tượng liên quan đến Fulro, “Tin lành Đê ga” và các loại tà đạo được đẩy mạnh.
Công tác xây dựng Đảng được quan tâm; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên; chất lượng hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội được nâng cao, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố...
THANH GIANG - CÔNG LÝ
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thuc-day-tay-nguyen-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-a5221.html