Đưa cây hoa sen vào dòng men mới
Một điều bất ngờ cho tất cả những từng biết đến sản phẩm gốm sứ của nghệ nhân Nguyễn Hùng, là anh vốn không phải người gốc Bát Tràng. Anh vốn sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, nhưng có tình yêu với nghề gốm từ sớm. Năm 1986, anh vào làm việc tại Công ty Havinaco và có cơ hội đi khắp các tỉnh, thành phố của Việt Nam để làm công tác khảo sát, tìm hiểu về gốm. Trong những chuyến đi đó, không chỉ tình yêu gốm được nhân rộng lên, mà còn có thêm những cơ hội, khiến cho cuộc đời và sự nghiệp của anh chuyển sang một hướng rẽ khác. Sau chuyến đi, anh quyết định ở lại với làng gốm Bát Tràng, theo đuổi đam mê và nung nấu quyết tâm gây dựng nghiệp gốm của riêng mình.
Những ngày đầu vào nghề với hai bàn tay trắng, chưa biết một chút nào về kỹ thuật gốm, anh đã đi làm thuê cho các xưởng gốm và học nghề, tự mày mò trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Dần dà, tay nghề của anh vững hơn, anh được nhận vào làm ở những xưởng gốm lớn hơn, có uy tín. Tay nghề của anh cũng được các bậc tiền bối trong làng công nhận. Và anh cũng đã gây dựng được cơ ngơi gốm của riêng mình.
Một trong những đam mê của nghệ nhân Nguyễn Hùng là tìm hiểu về các loại men cổ xưa và sáng tạo dựa trên những kỹ thuật men cổ ấy: “Tôi không phải là con dân Bát Tràng, nhưng say mê nghề gốm, và muốn tìm tòi, tạo ra những dòng men mới trên cơ sở kế thừa các dòng men cổ mà các cụ nghĩ ra”.
Bát Tràng là đất gốm cổ, các nhà gốm cạnh tranh nhau mạnh mẽ về men. Đất Bát Tràng cũng sản sinh ra nhiều nghệ nhân từng sáng tạo các loại men độc đáo, hiếm có. Nghệ nhân Nguyễn Hùng say sưa với men tro, và từ kỹ thuật men tro cổ của các cụ trong làng nghề để lại, anh đã sáng tạo nên Hoàng Thổ Liên Hoa, loại men được tạo nên từ tro của thân cây hoa sen và đất trầm tích sông Hồng.
Nghệ nhân Nguyễn Hùng chia sẻ, gốm sứ là sự kết tinh hài hòa của 5 yếu tố ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Kim là kim loại có trong đất sét làm gốm. Thủy là nước dùng để trộn vào đất. Hỏa là lửa để nung. Thổ là đất sét để nặn và Mộc là vỏ trấu hun có trong men. Anh vốn lại là người rất yêu hoa sen: “Hầu hết các sản phẩm của tôi đều gắn với hình ảnh hoa sen, cho nên tôi muốn lưu giữ một thứ gì đó của hoa sen, muốn sen tái sinh trong gốm theo một phương diện khác”. Đó là cơ duyên khiến anh nảy ra ý tưởng lấy thân sen thay cho vỏ trấu đốt thành tro để làm nên một loại men hoàn toàn mới, có độ mở lớn hơn cho các sáng tạo của mình cả về dải màu và về nhiệt độ nung sản phẩm.
Sau 15 năm miệt mài thử nhiều phương pháp khác nhau, cuối cùng nghệ nhân Nguyễn Hùng cũng thành công với tro từ thân cây sen thay thế nguyên liệu vỏ trấu - yếu tố Mộc trong bài men tro cổ truyền. Anh dùng tro của thân sen trộn với đất trầm tích sông Hồng cùng bột nghiền một số loại khoáng thạch tự nhiên, tạo nên một dòng men mới, được đặt tên là Hoàng Thổ Liên Hoa. “Hoàng Thổ” ở đây là lớp đất phù sa trầm tích sông Hồng và “Liên Hoa” có nghĩa là hoa sen.
Nghệ nhân cho biết, men Hoàng Thổ Liên Hoa khác nhiều so với men tro truyền thống. Men này cho ra dải màu rộng hơn, từ sắc nâu cho đến sắc nâu đỏ so với màu trắng ngà đơn thuần của men tro: “Dải màu rộng hơn này cho tôi biên độ rộng hơn khi muốn sáng tạo với màu sắc, gần với hội họa trên gốm hơn. Men Hoàng Thổ Liên Hoa cũng cho dải nhiệt độ lớn hơn. Trước đây, sản phẩm gốm của các cụ thường chỉ nung ở nhiệt độ từ 1.100-1.200 độ C, vượt quá mức nhiệt ấy là xương đất của gốm không chịu được, dễ bị biến hình, méo mó. Vì thế, các sản phẩm sử dụng men Hoàng Thổ Liên Hoa phải có khung xương đất riêng để chịu được mức nhiệt cao. Một điểm đặc biệt nữa của men Hoàng Thổ Liên Hoa là khi nung ở nhiệt độ cao như vậy, lớp men tan chảy hòa quyện với cốt gốm ở bên trong tạo nên hiệu ứng “thổ hóa kim”. Vì thế cho nên sản phẩm sau khi nung rất chắc chắn và cứng như thép, gõ vào có tiếng kêu như chuông. Do vậy, tác phẩm hoàn thiện hội tụ được cả phần thanh và sắc so với men tro cổ truyền nguyên bản.
Sau mẻ gốm thành công đầu tiên, nghệ nhân Nguyễn Hùng lại tiếp tục nghiên cứu để có được nhiều sắc màu đa dạng hơn trên gốm, từ đó anh có thể tự do thể hiện sự sáng tạo. Thành quả của quá trình nghiên cứu này có thể kể đến đến các dòng men da báo, men tuyết xanh, tuyết hồng... được sử dụng trên các sản phẩm của anh sau này.
Chinh phục những thử thách của chính mình
Một trong những sáng tạo đáng chú ý của nghệ nhân Nguyễn Hùng còn là kỹ thuật điêu khắc trên gốm. Anh đã dùng kỹ thuật điêu khắc trên gốm với độ khó và yêu cầu kỹ thuật lớn hơn rất nhiều, vì chất liệu chủ yếu của nghề gốm là đất, không có độ cứng như các chất liệu khác, rất dễ bị vỡ, xé nát, làm biến dạng cấu trúc, hơn nữa sau đó còn phải đưa vào lò để chịu được nhiệt độ nung cao mà vẫn phải giữ nguyên được hình dạng và các họa tiết trang trí. Lối chế tác này tạo chiều sâu cho các sản phẩm gốm và tăng độ độc đáo nhưng vẫn giữ được dáng vẻ thân thuộc của đồ gốm Việt với các câu chuyện thể hiện trên gốm từ các tích văn hóa dân gian Đông Hồ, các tích cổ trong phong thuỷ, hay những câu truyện trong truyền thuyết cùng rất nhiều tác phẩm có hoa sen…
Ngày 30/6 tới, tại khách sạn Grand Plaza - 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội, Tổ chức Guiness sẽ trao kỷ lục Guinness thế giới cho 2 tác phẩm gốm sứ nghệ thuật của nghệ nhân Nguyễn Hùng và Gốm Hương Việt. Đó là “Thiềm thừ Thiên phong ấn” và đĩa “Phú quý mãn đường”.
“Thiềm thừ Thiên phong ấn” nặng 1,5 tấn, có chiều dài 1,735m, chiều rộng 1,1m và chiều cao 0,778m, mô tả cóc Thiềm thừ ngồi trên đỉnh một đống tiền xu và vàng thỏi, có biểu tượng âm dương trên đỉnh đầu bằng sứ, ngậm một đồng xu trên miệng và chòm sao bắc đẩu trên lưng. Để thực hiện tác phẩm này, nghệ nhân Nguyễn Hùng đã mất tới 6,5 tháng. Tác phẩm được trao kỷ lục Tác phẩm điêu khắc linh vật thần thoại bằng gốm lớn nhất.
Đĩa “Phú quý mãn đường” nặng 400kg, có đường kính 1,37m, đắp nổi và chạm khắc cây Tuyết Tùng và đôi chim công, cùng các yếu tố phong thủy như núi và mặt trời nhằm truyền đạt ý tưởng về sự giàu có, vĩnh cửu, quyền quý và hạnh phúc viên mãn đời đời. Nghệ nhân Nguyễn Hùng đã mất khoảng 1 năm rưỡi để chế tác chiếc đĩa. Chiếc đĩa được trao kỷ lục Tác phẩm đĩa gốm chạm khắc lớn nhất.
Nghệ nhân Nguyễn Hùng chia sẻ, ở hai tác phẩm kỷ lục này, khó nhất là xử lý độ co kéo của đất đối với một sản phẩm đất nung có kích thước lớn như vậy, bởi bản thân đất thôi đã dễ vỡ, chưa nói đến việc thực hiện các thao tác khác. Ở “Thiềm thừ Thiên phong ấn”, anh đã phải suy tính rất kỹ để làm sao vừa đưa được hình khối mỹ thuật hiện đại vào sản phẩm, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của gốm Bát Tràng.
Còn đối với đĩa “Phú quý mãn đường”, đây là lần đầu tiên nghệ nhân thực hiện một sản phẩm điêu khắc trên chiếc đĩa có kích thước lớn như vậy. Ngoài việc xử lý độ co kéo, chịu lực của chiếc đĩa, nghệ nhân còn phải sử dụng nhiều yếu tố kỹ thuật đan xen để đắp được khối đất không đều lên một chiếc đĩa phẳng. “Tôi phải thử và hỏng rất nhiều sản phẩm, từ đó mới ra được hai sản phẩm hoàn thiện này” - anh chia sẻ.
40 năm trong nghề, sở hữu những kỷ lục được ghi nhận và những kỷ lục của riêng mình, nhưng đối với nghệ nhân Nguyễn Hùng, kỷ lục lớn nhất của anh là vượt qua được những sáng tạo của chính mình để liên tục có những sáng tạo mới khác.
“Thất bại là người thầy của tôi. Nếu không tự sáng tạo ra, chỉ đi theo con đường dễ dàng mà người khác đã làm, thì không thể trở thành độc nhất vô nhị được. Như thế, tôi sẽ mãi mãi là người đứng sau mà thôi” - anh nói.
Linh Khánh
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nguoi-so-huu-nhung-ky-luc-the-gioi-ve-gom-a5167.html