Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.
Đầu giờ sáng, Thủ tướng và đoàn công tác đã tới thăm, khảo sát Khu đô thị giáo dục - công nghệ FPT City (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng).
Tại giảng đường chính của FPT University, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm hỏi, động viên các sinh viên đang theo học tại đây, gióng lên hồi trống trên chiếc trống đồng của trường- một nghi thức quen thuộc dành cho các vị khách quý khi đến thăm trường.
Theo giới thiệu, chính thức hoạt động từ năm 2010 tại Khu đô thị FPT City, Tổ chức giáo dục FPT Education đến nay đã và đang đào tạo cho hơn 17.500 học sinh, sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố trong nhiều lĩnh vực.
Tiếp sau đó, đoàn Thủ tướng và đoàn đại biểu đã di chuyển sang khu phức hợp F-Complex - trụ sở làm việc của hơn 7.000 cán bộ - nhân viên FPT Software.
Công trình được xây dựng trên diện tích 5,9 ha, hiện đã hoàn thành được 2/3 phân kỳ. Khi hoàn thành các giai đoạn sẽ tạo nên một vòng tròn khép kín, nơi đây sẽ có sức chứa lên đến gần 10.000 nhân sự.
Tại đây, Thủ tướng thăm hỏi các kỹ sư, kỹ thuật viên bằng những câu thân tình về công việc, thu nhập, đời sống gia đình…
Sau chuyến thăm ngắn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Tập đoàn FPT.
Theo báo cáo, chính thức thành lập vào năm 2004, đến nay, Tập đoàn FPT có khoảng 5 vạn nhân viên trên toàn cầu, doanh thu 78.000 tỷ đồng, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 800 triệu USD.
Với Đà Nẵng, FPT đóng góp 1/5 doanh thu lĩnh vực công nghệ - thông tin của Thành phố, nộp ngân sách hơn 515 tỷ đồng (năm 2021). Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, FPT tự hào đạt cột mốc tăng trưởng cao, trung bình trên 20% một năm.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ các đề xuất, kiến nghị về chính sách, chủ trương đầu tư để FPT nhanh chóng triển khai các dự án hỗ trợ thúc đẩy phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đà Nẵng. Tập đoàn sẽ tiếp tục hoàn thiện đô thị giáo dục - công nghệ để đạt 10.000 lập trình viên vào năm 2024.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao đóng góp và những mục tiêu của FPT tại Đà Nẵng, khẳng định Thành phố rất quan tâm tạo điều kiện cho FPT, như giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Văn Quảng cho biết Thành phố dự kiến đề xuất cấp có thẩm quyền các chính sách của khu công nghệ thông tin tập trung dành cho FPT…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng, đánh giá cao kết quả và đóng góp của FPT cho nền công nghiệp phần mềm, công tác đào tạo nhân lực của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. FPT đã có những bước tiến dài so với chính mình nhưng nếu so với các tập đoàn khác trên thế giới và Việt Nam thì FPT phải có nhiều cố gắng hơn nữa, phát triển với gia tốc lớn hơn nữa.
Thủ tướng mong muốn FPT đóng góp nhiều hơn cho việc xây dựng Chính phủ số, phát triển xã hội số, công dân số, góp phần triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Tiếp tục thực hiện chiến lược đào tạo gắn với sản xuất, góp phần phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tạo thêm việc làm, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. FPT cần xuất khẩu mạnh mẽ hơn, đồng thời tham gia tích cực hơn vào bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, nhất là góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, đào tạo, tạo việc làm cho những người bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam và hậu quả chiến tranh…
Đánh giá FPT đang hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực, Thủ tướng gợi ý FPT tập trung vào những lĩnh vực cốt lõi theo hướng tập trung nguồn lực, có trọng tâm, trọng điểm, làm thương hiệu FPT mạnh hơn nữa, tạo ra hệ sinh thái FPT trên cả nước và hướng tới vươn ra thế giới.
Riêng với lĩnh vực giáo dục, Thủ tướng đánh giá cao và mong muốn FPT tiếp tục quan tâm tới việc dạy các môn văn học nghệ thuật, rèn luyện sức khỏe bằng phát triển thể dục, thể thao cho sinh viên trong trường đại học chứ không chỉ trang bị kiến thức chuyên môn đơn thuần, để đào tạo con người, nguồn nhân lực toàn diện. Đồng thời, tăng cường liên kết với các đối tác trong và ngoài nước.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh quan điểm "bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo", đề nghị FPT và các doanh nghiệp tiếp tục đề xuất, kiến nghị thể chế, cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; ngoài chính sách chung, có thể có chính sách đặc thù phù hợp để tạo sự phát triển mũi nhọn cho các ngành nghề, lĩnh vực, đơn vị, trên cơ sở xem xét hài hòa, tổng thể với các ngành nghề, lĩnh vực, đơn vị khác, đóng góp vào lợi ích chung.
"Tôi mong muốn FPT tiếp tục đổi mới công nghệ, tập trung cho chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đào tạo, hình thành hệ sinh thái FPT lành mạnh, hiệu quả, đúng hướng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của đất nước", Thủ tướng chia sẻ.
Tiếp đó, Thủ tướng tới thăm, khảo sát nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ do Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) của Hoa Kỳ đầu tư với tổng số vốn là 170 triệu USD tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Nhà máy có diện tích 16,7ha, trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị, công nghệ hiện đại. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Nhà máy có diện tích 16,7ha, được vận hành theo quy trình khép kín, trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị, công nghệ hiện đại, áp dụng nghiêm ngặt các quy định của Hệ thống quản lý an toàn quốc tế.
Các sản phẩm sản xuất tại Nhà máy được xuất khẩu đi các thị trường Châu Âu, Malaysia và Bắc Mỹ.
Cũng trong sáng nay, Thủ tướng đã khảo sát quy hoạch tổng thể cảng Liên Chiểu và kết nối giao thông liên vùng giữa Đà Nẵng và khu vực.
Cảng biển Liên Chiểu là 1 trong 7 dự án trọng điểm đang được Đà Nẵng kêu gọi đầu tư.
Đây cũng là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.
Dự án gồm 02 hợp phần. Hợp phần A với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố, dự kiến khởi công tháng 9/2022 với các hạng mục gồm đê, kè chắn sóng (1.170m); luồng tàu, vũng quay tàu, hệ thống báo hiệu cho tàu đến 100.000DWT (6.000-8.000 Teu); giao thông đường bộ kết nối đến cảng; hạ tầng cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng cảng.
Hợp phần B (giai đoạn khởi động) với tổng diện tích 44ha, quy mô 02 cầu cảng (750m) được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác. Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên là đơn vị được giao làm chủ dự án.
Nghe báo cáo, Thủ tướng đặt thêm nhiều câu hỏi về dự báo nhu cầu hàng hóa trong khu vực, giải pháp và chu kỳ xử lý tình trạng bồi lắng, lưu ý bài toán kinh phí dành cho nạo vét trong tổng thể hiệu quả dự án...; việc kết nối cảng với các tuyến vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không trong nước và quốc tế, lưu ý tính toán làm đường kết nối với tầm nhìn xa...
Thủ tướng lưu ý cần dự báo, tính toán số liệu tương lai để làm công trình hiện tại, không phải đếm số liệu hiện tại để làm công trình tương lai.
Thủ tướng yêu cầu quy hoạch hoàn chỉnh; hoàn thiện hạ tầng kết nối, kêu gọi hợp tác công tư trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong quản lý, khai thác, sử dụng cảng...; hoàn thành dự án dứt điểm theo tiến độ.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật về các hoạt động khảo sát của Thủ tướng Chính phủ tại Đà Nẵng…
Hà Văn
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thu-tuong-khao-sat-mot-so-nha-may-du-an-cong-nghe-cao-tai-da-nang-a5121.html