Tăng lương tối thiểu, sao giữ những điều khoản có lợi cho người lao động?

Người lao động rất trông đợi tăng lương từ 1/7. Vấn đề lúc này là công đoàn cơ sở phải làm việc với chủ doanh nghiệp để đảm bảo giữ những điều khoản có lợi cho người lao động trong thỏa ước lao động.

Công nhân phấn khởi

Theo Nghị định 38 của Chính phủ, từ ngày 1/7, mức lương tối thiểu được điều chỉnh lên 6%, tương ứng mức tăng 180.000-260.000 đồng. Công nhân người lao động đều vui mừng, chờ đợi việc này.

Là công nhân may mặc tại một công ty thuộc Cụm Công nghiệp Tân An TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), chị Nguyễn Vân Hạnh cho biết, hơn một năm qua, tình hình dịch bệnh phức tạp, hoạt động của công ty gặp không ít khó khăn nên việc tăng lương rất khó để thực hiện.

nlntv-1655793717732-1655859601.jpg
Người lao động Đắk Lắk phấn khởi trước thông tin tăng lương tối thiểu vùng (Ảnh: Uy Nguyễn).

Theo chị Hạnh, đến nay dịch bệnh đã được kiểm soát, công nhân đã làm việc bình thường và tăng ca theo nhiều đơn hàng mới. Hiện chị Hạnh đang hưởng mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng (cao hơn mức lương tối thiểu) nhưng cũng phải khá chật vật xoay xở trong thời "bão giá", xăng dầu tăng cao.

"Khi nghe thông tin tăng lương tối thiểu vùng, tôi cùng các công nhân khác rất phấn khởi bởi lương chi trả cũng được tăng tương ứng, giúp thu nhập được cải thiện, cuộc sống bớt khó khăn", chị Hạnh chia sẻ.

Ông Nguyễn Công Bảo - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk cho biết, với thông tin tăng lương tối thiểu vùng, người lao động không khỏi vui mừng, khi thu nhập ngày càng được cải thiện, bù đắp cho các khoản sinh hoạt phí khác tăng cao trong thời gian qua.

Ông Trần Quan Tòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quảng Ngãi cho biết, hàng chục nghìn lao động tỉnh nhà đang chờ được chủ doanh nghiệp tăng lương theo quy định. Đây là niềm vui, cũng như quyền lợi của người lao động. Do đó, để việc này được thực hiện nghiêm túc, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi đã sớm chỉ đạo công đoàn cơ sở triển khai nhiều hoạt động giám sát, kiểm tra việc thực hiện tại doanh nghiệp.

Theo ông Tòa, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với chủ doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc Nghị định 38 về tăng lương tối thiểu vùng. Trong đó, công đoàn cơ sở phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tăng lương cho người lao động tại doanh nghiệp kể từ ngày 1/7, đảm bảo quyền lợi của người lao động, tránh tình trạng lương tăng nhưng chế độ khác lại bị cắt giảm.

Đại diện cơ quan công đoàn nêu thực tế, không ít chủ doanh nghiệp khi thực hiện lương mới lại cắt đi một số phúc lợi trong thỏa ước lao động tập thể trong những lần tăng lương tối thiểu trước đây, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Do đó, lần này Liên đoàn lao động tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tăng lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp.

"Chúng tôi chỉ đạo công đoàn cơ sở phải làm việc với các chủ doanh nghiệp để đảm bảo thực hiện mức lương mới, đồng thời phải đảm bảo giữ được các điều khoản có lợi cho người lao động trong thỏa ước lao động tập thể", ông Tòa nói thêm.

Tăng mức đóng bảo hiểm cho người lao động

Ông Hà Ngọc Thống - Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (Khu công nghiệp Hòa Khánh, TP Đà Nẵng) cho hay, hơn 2 năm qua không tăng lương tối thiểu nên quyết định tăng lương tại thời điểm này là hợp lý. Việc tăng lương tối thiểu sẽ giúp giảm bớt khó khăn và tăng mức đóng bảo hiểm cho người lao động.

Theo ông Thống, dù năm nay doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn, đơn hàng không được dồi dào nhưng đó chỉ là vấn đề ngắn hạn.

"Chính phủ tăng lương tối thiểu mà công nhân của mình được hưởng thì đó là điều tốt, đối với chính doanh nghiệp", ông Thống nói.

nlntv-2-1655794205548-1655859656.jpeg
Công nhân tại khu công nghiệp Hòa Khánh, TP Đà Nẵng (Ảnh: Khánh Hồng).

Trong khi đó, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang, TP Đà Nẵng) thông tin, trong thực tế, người lao động tại doanh nghiệp đang nhận lương cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu.

"Vậy nên quy định tăng lương là để điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo vệ quyền lợi cho người lao động", ông Lĩnh nói.

Chị Cao Thị Liên - Tổ trưởng tổ 6, Công ty cổ phần dệt may 29/3 (TP Đà Nẵng) cũng đã nắm thông tin tăng lương tối thiểu từ 1/7 qua phương tiện thông tin đại chúng.

Theo chị Liên, công nhân như chị chủ yếu ăn lương theo sản phẩm, theo doanh thu. Việc tăng lương tối thiểu rất có ý nghĩa với lao động thuộc diện bắt buộc đóng bảo hiểm lao động. Với những người gần về hưu, việc tăng lương tối thiểu cũng thực sự đáng mừng.

Khánh Hồng, Quốc Triều và Thúy Diễm

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tang-luong-toi-thieu-sao-giu-nhung-dieu-khoan-co-loi-cho-nguoi-lao-dong-a5041.html