Tăng lương tối thiểu: Thương lượng theo hướng có lợi cho người lao động!

Tăng lương tối thiểu vùng nhằm hỗ trợ người lao động trong "bão" giá, tạo cơ chế thương lượng giữa doanh nghiệp và người lao động, tôn trọng sự thỏa thuận theo hướng có lợi cho người lao động.

Doanh nghiệp không trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng

Chia sẻ về các vấn đề đặt ra trong Nghị định 38 quy định việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1/7 tới, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không thể trả lương tối thiểu thấp hơn theo quy định, quyền lợi người lao động từ đó được đảm bảo.  

Mức lương tối thiểu theo Nghị định 38/2022/BĐ-CP là sàn lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời gian bình thường trong tháng.... 

Hơn nữa, theo ông Huân, dịch bệnh Covid -19 ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động ở các thành phố lớn. Đa số các doanh nghiệp đều muốn giữ chân người lao động và tuyển dụng lao động có tay nghề. Cho nên, doanh nghiệp cần người lao động ở các vị trí nhất định và họ cũng có những đãi ngộ riêng.

nlntv-1655598609457-1655685789.png
 

"Đa số doanh nghiệp luôn ý thức được vấn đề tăng lương cho người lao động, không chỉ đợi đến lúc điều chỉnh lương tối thiểu mới tăng. Tôi biết doanh nghiệp thường xét việc tăng lương cho người lao động theo thành tích, theo thâm niên, chất lượng công việc...", ông Huân phân tích. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, Nghị định 38 cũng khẳng định vai trò công đoàn trong vấn đề thương lượng nói chung, thương lượng tiền lương nói riêng. Cán bộ công đoàn hiện nay đã và đang được trang bị kiến thức, chuyên môn để tham gia thương lượng quyền lợi cho người lao động. 

Mặt khác, các cơ quan liên quan cần tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người sử dụng lao động quan tâm đến tiền lương, đời sống và nhu cầu của người lao động. Từ đó, ổn định được mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp.

nlntv-43-1655598608464-1655685886.jpg
Theo Nghị định 38, mức lương đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vẫn được duy trì.

Công đoàn thương lượng lương dựa trên pháp luật

Ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM cho biết, vai trò của công đoàn đơn vị từ trước đến nay là đại diện tập thể người lao động thực hiện quyền thương lượng tập thể. Tại những đơn vị có công đoàn, công đoàn cơ sở sẽ thực hiện thương lượng thông qua hội nghị người lao động hằng năm.

Thông thường, người lao động có thể tự thương lượng với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, khi công đoàn đại diện cho người lao động để thương lượng với người sử dụng lao động để tìm được tiếng nói chung thì lợi ích tập thể nâng cao hơn.

Ông Trung nhận định, trong Nghị định 38/2022/BĐ-CP đề cập đến vấn đề thương lương tiền lương và vai trò công đoàn.

Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố khái quát, từ trước đến nay, khi công đoàn thực hiện vấn đề thương lượng tiền lương hay bất kỳ quyền lợi nào của người lao động đều sẽ dựa vào một số yếu tố như, quy định của pháp luật, nhu cầu của người lao động và tính khách quan của tình hình thực tế xã hội. 

nlntv-1655598608616-1655686229.jpg
Tiền lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Như nội dung thể hiện trong Nghị định 38/2022/BĐ-CP, tiền lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Đây cũng là cơ sở để công đoàn thương lượng với người sử dụng lao động. 

Tuy nhiên, ông Trần Đoàn Trung cho biết, hiện nay doanh nghiệp và người lao động đều có những điểm khó riêng. Doanh nghiệp gặp khó bởi giá cả nhiên liệu, nguyên liệu tăng, nhiều chi phí sản xuất... người lao động gặp khó bởi sức ép của giá cả thị trường, chi phí sinh hoạt lớn…

Ông Trung cho biết thêm, hiện nay doanh nghiệp hầu như đăng ký thang bảng lương với cơ quan chức năng dựa trên cơ sở thời gian làm việc và năng suất lao động. Đa số doanh nghiệp khi xây dựng mức lương này đều không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. 

"Công đoàn và doanh nghiệp đều hướng đến nhu cầu và chất lượng cuộc sống của người lao động. Ngoài ra, Công đoàn vẫn luôn cố gắng trao đổi, trình bày rõ với các cơ quan nghiên cứu, với Chính phủ về mức sống cơ bản để mức lương tối thiểu phù hợp với đời sống công nhân lao động" - ông Trung nói.

Ngày 12/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 1/7/2022. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 6%, tương ứng 180.000 - 260.000 đồng so với hiện hành.

Mức lương tối thiểu giờ lần lượt là 22.500 đồng với vùng I; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng.

Chiều 17/6, để giải đáp một số khúc mắc của dư luận và người lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã cùng ra công văn chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Nghị định 38.

Theo đó, mọi quyền lợi của người lao động luôn được đảm bảo theo tinh thần Nghị định 38, mức lương đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vẫn được duy trì. 

Dương Thùy

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tang-luong-toi-thieu-thuong-luong-theo-huong-co-loi-cho-nguoi-lao-dong-a5012.html