Báo chí có vai trò đăc biệt quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối nội, đối ngoại của mọi quốc gia, dân tộc. Ở nước ta, kể từ khi tờ Báo Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên vào ngày 21-6-1925, trải qua 97 năm, Báo chí Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc, là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành, vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta.
Một trong những chức năng cơ bản, quan trọng của báo chí là giám sát và phản biện xã hội. Chức năng này đã được báo chí cách mạng Việt Nam phát huy hiệu quả trong suốt chặng đường gần một thế kỷ qua, đặc biệt là trong những năm gần đây. Báo chí cách mạng Việt Nam đã chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong phòng, chống tham nhũng, báo chí đóng vai trò là một chủ thể khơi nguồn phản biện xã hội một cách mạnh mẽ nhất. Phần lớn các sự kiện, hiện tượng tham nhũng mà báo chí nêu ra đã tạo áp lực cũng như tạo cơ hội, điều kiện cho các cơ quan chức năng vào cuộc chống tham nhũng. Sức lan tỏa của báo chí rất nhanh và lớn, nhất là trong xu thế báo chí kết nối mạng internet toàn cầu.
Tùy theo chức năng, tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ của mình, từng tờ báo, tạp chí tích cực tham gia, tiên phong trong công tác giám sát, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường niềm của nhân dân.
Nhiều báo, tạp chí đã mở chuyên trang, chuyên mục về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, “Đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch”; chuyên mục bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Đặc biệt, từ năm 2021, Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức phát động cuộc thi “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”, cuộc thi không chỉ là nơi hội ngộ của những cây bút chính luận trên khắp mọi miền cả nước mà còn là cơ hội để các nhà báo, phóng viên, sinh viên,… có niềm đam mê, yêu thích với mảng đề tài báo chí chính luận thể hiện tài năng và quan điểm của bản thân về vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong đời sống hiện nay.
Tuy nhiên, nhận thức của một số cán bộ, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí về cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vẫn còn chưa thường xuyên, đầy đủ và sâu sắc, thậm chí là thờ ơ, hời hợt, coi đó là “việc của cơ quan khác, của người khác.
Một số bài viết về phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chưa xác định rõ đối tượng mình hướng đến để đấu tranh, loại bỏ những kẻ thù địch hay lôi kéo, thuyết phục đồng chí, đồng bào thiếu thông tin, lầm đường, lạc lối. Lực lượng viết bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vẫn còn mỏng, nhất là các cây bút trẻ. Việc nắm bắt thông tin, tiếp cận công nghệ thông tin của một số nhà báo còn chậm, khả năng sử dụng ngoại ngữ hạn chế..., chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Thực tế hoạt động báo chí Việt Nam thời gian qua cho thấy, không phải lúc nào, cơ quan báo chí hay nhà báo nào cũng làm đúng, làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội. Đã có không ít vụ việc phản biện của báo chí chưa đúng sự thật, chưa khách quan, thiếu công tâm, phản biện sai lệch, kéo theo nhiều hậu quả khôn lường cho cá nhân, tập thể, địa phương bị phản ánh. Việc đưa thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu trung thực, khách quan, thậm chí bịa đặt, bôi đen hoặc tô hồng vì những động cơ cá nhân, vụ lợi.
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật của một số cán bộ, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí có xu hướng gia tăng. Những hiện tượng đó đã được các đối tượng thù địch lợi dụng để nói xấu Đảng, nói xấu chế độ.
Một số cơ quan báo chí còn lợi dụng chức năng giám sát, phản biện xã hội để chạy theo sự kiện giật gân, câu view mà xem nhẹ hay bỏ qua các vấn đề trọng tâm của đời sống, thậm chí thông tin chạy theo lợi ích nhóm.
Đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng một số nhà báo lợi dụng danh nghĩa phản biện xã hội để châm chọc, đả kích, đường lối, chủ trương, chính sách, giải pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Có nhà báo thoái hóa, biến chất, lợi dụng việc phản biện xã hội để đưa lên mạng xã hội những thông tin lệch lạc, trái với quan điểm của Đảng, Nhà nước ta.
Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta không ngừng được củng cố, tăng cường; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới mở ra những cơ hội thuận lợi để báo chí không ngừng trưởng thành, phát triển, có những đóng góp quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tuy nhiên, thực tế trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, chúng ta cũng đang phải đối phó với rất nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang thay đổi chiến thuật tăng cường các hoạt động chống phá cách mạng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chống phá trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa là “mũi đột phá”, nhằm làm tan rã niềm tin, gây xáo trộn về lý luận, hoang mang trong tư tưởng, gây hoài nghi về mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, làm giảm sút lòng tin vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Về nội dung chống phá: Chúng tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm bác bỏ, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống quan điểm, đường lối của Đảng. Chúng phủ nhận, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa bằng các luận điệu xuyên tạc như: Đảng tự cho mình đứng trên tất cả; Đảng cầm quyền phi chính danh, không còn mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.
Chúng xuyên tạc các sự kiện lịch sử của cách mạng Việt Nam; cổ xúy “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, đòi từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang.
Về thủ đoạn chống phá: Thủ đoạn mới của chúng là chuyển từ bôi nhọ bằng luận điệu “du nhập ngoại lai”, “nhập khẩu lý luận” sang đánh tráo, thay thế các khái niệm, thổi phồng cái gọi là “chủ thuyết phát triển mới”, đối lập chủ nghĩa Mác với Chủ nghĩa Lênin, kêu gọi dùng “Chủ nghĩa Hồ Chí Minh” để thay thế Chủ nghĩa Mác - Lênin mà cố tình lờ đi một sự thật hiển nhiên, rõ ràng rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cụ thể của Việt Nam.
Chúng trích dẫn một cách cắt xén, nửa vời quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, và đan cài vào đó những quan điểm giả danh mác-xít, làm cho người đọc hoang mang, hoài nghi, lẫn lộn, không phân biệt được đúng - sai, dẫn đến mất phương hướng.
Chúng còn đẩy mạnh tuyên truyền, cổ xúy du nhập các trào lưu tư tưởng cực đoan, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan từ bên ngoài, kết hợp với kích động chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa bè phái, chủ nghĩa hưởng lạc từ bên trong, nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống chính trị và xã hội.
Chúng phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chúng cho rằng “kinh tế thị trường” đối lập với “định hướng xã hội chủ nghĩa”, và rằng chế độ hiện nay mắc “lỗi hệ thống”, đòi cải cách thể chế chính trị theo hướng đa nguyên, đa đảng, thực hiện “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự” theo tiêu chí phương Tây.
Chúng không ngừng tìm kiếm những phần tử thoái hóa, biến chất trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để tán phát tư tưởng phản động, chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng tập hợp, dẫn dụ những ý kiến, phát biểu gây “sốc” trái với đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước từ những đối tượng “dân túy”, tạo dựng ra cái gọi là chân dung “nhân sĩ, trí thức yêu nước”, “những cán bộ của nhân dân”,... nhằm trực tiếp tuyên truyền các quan điểm, tư tưởng thù địch, sai trái.
Tiếp nối thủ đoạn đó, chúng tìm cách kích động giáo dân, đồng bào dân tộc thiểu số tụ tập biểu tình, “hà hơi tiếp sức” cho những kẻ nhân danh “lòng yêu nước” để biểu tình gây rối trật tự, trị an, kích động “bất tuân dân sự” trong xã hội.
Chúng tìm mọi thủ đoạn phá hoại đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong hội nhập quốc tế của Đảng ta với các chiêu bài, như: “Bài”, “thoát” nước này, liên minh với nước kia, cổ xúy chủ nghĩa ly khai.
Đặc biệt khi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine xảy ra (từ tháng 2-2022), chúng xuyên tạc đường lối đối ngoại, đường lối quốc phòng của chúng ta. Chúng triệt để lợi dụng vấn đề chủ quyền biển, đảo để tung tin thất thiệt, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng và Nhà nước ta.
Tình hình trên đòi hỏi các cơ quan báo chí phải xốc lại đội ngũ, thay đổi chiến thuật, phương thức tác chiến để thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội của báo chí để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trước hết, cần phải xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng ở các cơ quan báo chí thực sự vững mạnh. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với báo chí theo hướng bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí; tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong các cơ quan báo chí, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong đội ngũ các nhà báo, kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo tham gia giám sát, phản biện xã hội đúng luật, chấn chỉnh kịp thời các nhà báo lợi dụng giám sát, phản biện xã hội để soi mói, bôi nhọ, làm giảm uy tín của Đảng.
Kết hợp chặt chẽ công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, quần chúng với công tác kiểm tra, giám sát đảng viên trong các cơ quan báo chí. Thường xuyên giám sát, kiểm tra phẩm chất đạo đức, nghiệp vụ, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành luật pháp và quy tắc ứng xử của nhà báo. Quan tâm bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên; giám sát việc thực hiện các quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Hai là, cần đa dạng hóa nội dung, hình thức, biện pháp, phương tiện hoạt động báo chí để phát huy được vai trò hiệu quả của báo chí trong giám sát, phản biện xã hội và đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Gắn công tác giám sát, phản biện xã hội với việc đấu tranh phản bác những luận điểm sai trái, xuyên tạc để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ba là, huy động sức mạnh tổng hợp của các nhà báo, kết hợp với các cộng tác viên, thông tin viên để phát huy được vai trò, chức năng của báo chí trong giám sát phản biện xã hội và đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên trách đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng lãng phí, đấu tranh chống quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần tập trung xây dựng đội ngũ này có bản lĩnh, trí tuệ, năng lực, phương pháp và kỹ năng làm báo, có chiều sâu tư duy, có tầm nhìn rộng, có khả năng nắm bắt kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, có văn phong và bút pháp tốt để có những bài viết sâu sắc, có sức thuyết phục, làm sáng tỏ và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Năm là, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới, thực hiện tốt các chương trình, chuyên mục giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác tin giả, thông tin sai sự thật, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần định hướng, dẫn dắt thông tin chính thống theo quan điểm, đường lối của Đảng.
Đại tá ĐỖ PHÚ THỌ
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/bao-chi-thuc-hien-tot-chuc-nang-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-de-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-a5009.html