Tìm hiểu tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương cho thấy, nhiều vật tư, thiết bị y tế được tài trợ vẫn đang lưu kho, để không. Rất cần sự điều phối tránh lãng phí nguồn lực y tế này…
Tiếp nhận nhiều nguồn lực
Theo thống kê của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian cao điểm chống dịch Covid-19, có 185 tổ chức, cá nhân đã tài trợ hàng hóa cho thành phố phòng, chống dịch thông qua sự vận động và hỗ trợ của Bộ Y tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và Hội Chữ thập đỏ thành phố. Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thiện Quỳnh Như cho biết thêm: Thành phố đã tiếp nhận 140 chủng loại hàng hóa, các trang thiết bị được hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư và bố trí đến tất cả các đơn vị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn. Có một số trang thiết bị thành phố hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khác phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai: Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, toàn tỉnh nhận được khá nhiều loại trang thiết bị, vật tư y tế, các bộ xét nghiệm, xe cứu thương… từ nguồn tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân với tổng trị giá hơn 279 tỷ đồng. Sau khi dịch được kiểm soát, Sở Y tế đã có tờ trình gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xác lập về quyền sở hữu đối với toàn bộ tài sản trên.
Tỉnh Tiền Giang được Tập đoàn xe Phương Trang tài trợ 1.030 máy tạo ô-xi các loại; một hệ thống xét nghiệm RT-PCR; ba máy thở xâm lấn ICU; năm máy trợ thở HFNC-FORAS; 20 máy trợ thở HFNC; năm ô-tô vận chuyển F0; 500 máy đo nồng độ ô-xi trong máu (SpO2). Công ty Gò Đàng tài trợ 150 máy SpO2. Ngân hàng Nhà nước tài trợ 2.000 máy SpO2. Tập đoàn VinGroup tài trợ 60 máy thở các loại, một hệ thống Real-time PCR, một hệ thống tách chiết DNA/RNA tự động. Công ty cổ phần năng lượng điện gió Tiền Giang tặng 10 máy thở HFNC…
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2020, Quỹ cứu trợ của tỉnh tiếp nhận hơn 9,77 tỷ đồng và một số hàng hóa ủng hộ phòng, chống dịch Covid -19.
Năm 2021, tiếp nhận tiền mặt thu vào Quỹ 288,45 tỷ đồng, tiếp nhận hàng hóa, hiện vật trị giá 341,2 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, qua vận động, năm 2020 đã tiếp nhận gần 7,43 tỷ đồng và năm 2021, tiếp nhận ủng hộ hơn 19 tỷ đồng và hàng hóa, nhu yếu phẩm, vật tư y tế… quy ra tiền trị giá hơn 353,5 tỷ đồng…
Các địa phương, đơn vị đều cam kết mọi sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân được phân phối kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích. Việc phân bổ, điều phối các nguồn lực bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, hợp lý. Qua theo dõi, kiểm tra, thanh tra, các đơn vị được phân bổ phương tiện, thiết bị, vật tư y tế đã quản lý, sử dụng một cách có hiệu quả, góp phần giảm thiểu khó khăn, rủi ro trong quá trình phòng, chống dịch và điều trị cho bệnh nhân…
Cần sự điều phối để sử dụng hiệu quả
Thực tế cũng cho thấy, nhiều vật tư, thiết bị y tế được tài trợ, ủng hộ trong đợt cao điểm chống dịch Covid-19 vẫn đang lưu kho, thậm chí có nguy cơ hư hỏng, lãng phí. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, Tiền Giang được Bộ Y tế phân bổ hai xe ô-tô chuyên dụng phục vụ tiêm chủng lưu động do Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải tài trợ. Tuy nhiên, phía nhà tài trợ không cung cấp hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc đăng ký lưu hành nên các xe này không thể đưa vào hoạt động. Mới đây, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị chuyển hai xe này đến nơi khác, hoặc thu hồi nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản phản hồi.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, Trần Thanh Thảo cho biết thêm, sau khi tiếp nhận, hai chiếc xe ô-tô này chỉ hoạt động duy nhất một lần để tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho 110 người tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Tiền Giang, sau đó, “đứng bánh” tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang cho đến nay.
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào năm 2021, Trung tâm hồi sức Covid-19, thuộc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là cơ sở lớn nhất tỉnh Đồng Nai có quy mô hơn 300 giường. Để vận hành Trung tâm này, Bệnh viện Phổi Trung ương đưa trang thiết bị vào lắp đặt và từ nguồn được cấp từ ngân sách tỉnh để mua sắm. Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết: Sau khi giải thể Trung tâm hồi sức Covid-19, Bệnh viện Phổi Trung ương đã đưa các thiết bị về lại Hà Nội.
Riêng nguồn đầu tư từ ngân sách địa phương, bệnh viện đã có văn bản kiến nghị Sở Y tế cải tạo lại hệ thống ô-xi, khí nén để sử dụng hiệu quả vào việc điều trị cho bệnh nhân khác tại bệnh viện. Một số thiết bị, thuốc điều trị Covid-19 đang được dự trữ tại Khoa Nhiệt đới của bệnh viện. Riêng thuốc tồn đọng, hiện bệnh viện đang tìm phương án giải quyết, dự kiến một số sẽ trả về Sở Y tế phân bổ cho nơi khác có nhu cầu để tránh lãng phí.
Trong thời gian cao điểm chống dịch Covid-19, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, có hai bệnh viện dã chiến trực thuộc. Đến nay, cả hai bệnh viện đều đã ngừng hoạt động. Bệnh viện quận Phú Nhuận thành lập khoa điều trị Covid-19 để tiếp tục điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Giám đốc Võ Văn Minh cho biết, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, bệnh viện đã nhận được hỗ trợ của các đơn vị về trang thiết bị để điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Đến nay, một số trang thiết bị vẫn tiếp tục được sử dụng tại khoa điều trị Covid-19 cũng như phục vụ công tác điều trị bệnh thông thường. Tuy nhiên, nhiều thiết bị y tế phục vụ trong đợt dịch đến nay không còn sử dụng, chủ yếu là các máy thở. Hiện, bệnh viện vẫn còn cất vào kho hàng chục thiết bị y tế các loại.
Không riêng ở quận Phú Nhuận, các bệnh viện dã chiến khác trên địa bàn thành phố cũng lần lượt giải thể, một số thiết bị để không vì không có nhu cầu sử dụng. Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, hiện, tất cả các bệnh viện dã chiến trên địa bàn thành phố đều ngừng hoạt động và đang tiến hành các thủ tục chấm dứt hoạt động. Tính đến ngày 3/6, thành phố còn 24 bệnh viện điều trị Covid-19 đang làm thủ tục giải thể, trong đó có 11 bệnh viện điều trị Covid-19 trực thuộc thành phố và 13 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 trực thuộc các quận, huyện. Các bệnh viện cũng đã báo cáo số lượng thiết bị không còn sử dụng để Sở Y tế thành phố có kế hoạch phân phối đến các đơn vị có nhu cầu nhằm tránh lãng phí, hư hỏng.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Bình cho biết, sau khi thống kê toàn bộ trang thiết bị, vật tư y tế được tài trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngày 14/4, đơn vị đã có tờ trình gửi Ủy ban nhân dân tỉnh về việc xác lập quyền sở hữu toàn dân. Tuy nhiên, qua rà soát, Sở Tài chính tỉnh cho rằng, chưa có phương án xử lý tài sản, phụ lục danh mục tài sản chưa đồng nhất, chưa có hợp đồng cho tặng tài sản kèm theo…
Quan điểm chung của các địa phương là tận dụng tối đa các trang thiết bị, không để xảy ra tình trạng lãng phí. Do vậy các địa phương cần nhanh chóng thống kê, rà soát các trang thiết bị, vật tư y tế hiện đang tồn đọng, từ đó có sự điều phối để sử dụng thật hiệu quả. Thực tế có những trang thiết bị đặc thù sử dụng nhiều trong điều trị bệnh nhân Covid-19 như máy thở HFNC nhưng đối với các bệnh thông thường thì ít sử dụng. Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đề xuất hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố còn thiếu máy thở HFNC trong phòng, chống dịch Covid-19 nhằm tránh lãng phí, thất thoát ■
NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/khong-de-lang-phi-nguon-thiet-bi-vat-tu-y-te-duoc-tai-tro-a4947.html