Mặt Trăng đang rời xa Trái Đất

Mặt Trăng, người bạn đồng hành như hình với bóng của chúng ta trong không gian hiện nay, được cho là đã ra đời cách đây 4,5 tỷ năm.

Khi Trái Đất còn rất trẻ, nó là một quả cầu nóng chảy gồm đá và kim loại. Một hành tinh nhỏ có kích thước bằng Hỏa tinh tên là Theia đã va chạm với Trái Đất và thế là Mặt Trăng được sinh ra. Sự va chạm giữa Trái Đất và Theia đã phá hủy Theia. Một lượng lớn vật chất từ cả hai hành tinh đã văng vào trong vũ trụ. Đá nóng chảy từ Theia nhập vào Trái Đất.

Vật chất từ vụ va chạm này bị bắn vào quỹ đạo quanh Trái Đất. Sau đó, số vật chất này bắt đầu bị lực hấp dẫn kéo lại với nhau và tạo thành Mặt Trăng - một quả cầu đá nóng chảy có kích thước bằng một phần tư Trái Đất.

Khi Mặt Trăng nguội đi, một lớp vỏ đá rắn hình thành trên bề mặt của nó. Trong 500 triệu năm tiếp theo, Mặt Trăng và Trái Đất thường bị va đập bởi những thiên thể nhỏ cấu tạo từ đá và băng gọi là tiểu hành tinh và sao chổi.

Theo thời gian, Mặt Trăng nguội dần. Đá nóng chảy rắn lại và trở thành Mặt Trăng mà chúng ta nhìn thấy ngày nay - một nơi khô cằn không có khí quyển, trên bề mặt phủ đầy các miệng hố do va chạm với các tiểu hành tinh tạo thành. Mặt Trăng hiện quay quanh quỹ đạo Trái Đất với chu kỳ 27,3 ngày một vòng.

mat-trang-dang-roi-xa-trai-dat-1655128389.jpg
Mặt Trăng được biết đến là vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. Ảnh: India Times.

Cho đến khoảng một tỷ năm trước, mặt nằm gần Trái Đất nhất của Mặt Trăng vẫn được bao phủ bởi những ngọn núi lửa đang hoạt động. Mặt Trăng luôn quay cùng một mặt về phía Trái Đất. Hiện nay, Mặt Trăng đang dịch ra xa khỏi Trái Đất với tốc độ 4 cm (1,5 inch) mỗi năm.

Mặt đối diện với Trái Đất của Mặt Trăng được bao phủ bởi nhiều vùng tối được gọi là “biển”. Sở dĩ chúng được gọi như vậy bởi các nhà thiên văn học ban đầu nghĩ rằng đó là biển thật! Chúng được hình thành cách đây khoảng một tỷ năm khi đá nóng chảy gọi là magma nổi lên trên bề mặt và nguội đi.

Đôi khi, Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất xếp thành một đường thẳng hoàn hảo để khi Mặt Trăng đi qua giữa Mặt Trời và Trái Đất, kích thước của nó sẽ vừa đủ để che kín Mặt Trời (hiện tượng này gọi là nhật thực).

Mặt Trăng ảnh hưởng đến thủy triều của đại dương. Lực hấp dẫn của nó hút nước trên Trái Đất, khiến cho nước dâng lên. Khi Mặt Trăng quay quanh Trái Đất, nó kéo phần nước bị dâng lên này đi theo nó, khiến cho mực nước biển tăng và giảm. Những chuyển động này gọi là thủy triều.

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/mat-trang-dang-roi-xa-trai-dat-a4887.html