Hội nghị có 138 đại biểu tham dự, trong đó 119 đại biểu là các cây bút trẻ tiêu biểu đến từ tất cả vùng miền trong cả nước, 19 đại biểu là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tuổi đời từ 35 trở xuống (tính đến thời điểm năm 2021 là năm dự kiến tổ chức Hội nghị) gồm các chuyên ngành: Thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, dịch thuật.
Đây là hội nghị có số lượng đại biểu đông nhất so với hai kỳ hội nghị gần nhất. Tác giả trẻ nhất là Trần Phú Minh Anh, sinh năm 2007, học sinh THPT tại Thành phố Hồ Chí Minh. Số lượng đông nhất là các tác giả độ tuổi từ 22 đến 30 đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đa dạng về ngành nghề. Trong số họ, khá nhiều tác giả sở hữu một hoặc nhiều giải thưởng văn chương, xuất bản nhiều tác phẩm gây chú ý.
Khách mời tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, ngành chức năng ở Trung ương và địa phương; lãnh đạo một số ban, ngành thành phố Đà Nẵng; các nhà văn lão thành tiêu biểu được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật; các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng và Quảng Nam.
Trong khuôn khổ hội nghị sẽ có hai hội thảo thơ và văn xuôi, tập trung bàn về thái độ và trách nhiệm lương tâm của người cầm bút với cuộc sống, xã hội và trả lời câu hỏi “Vì sao chúng ta viết”; tọa đàm “Văn học với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ngoài ra, các đại biểu sẽ đi thăm, tặng quà ngôi trường Hy vọng, nơi nuôi dạy các em nhỏ mồ côi sau đại dịch Covid-19; thăm khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam); đêm Gala thơ, nhạc…
Dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam cũng giới thiệu hai tập sách tuyển chọn từ nhiều sáng tác của các tác giả là đại biểu chính thức: Tập truyện ngắn “Mắt lửa”; Tập thơ và tiểu luận phê bình “Mạch rồng”, mỗi cuốn dày hơn 500 trang, cho thấy phác thảo chân dung văn học kèm lý lịch văn học của đa số cây bút trẻ sung sức trên văn đàn hiện nay.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: “Xuất phát điểm của các nhà văn hiện nay rất cao. Họ có tài năng, trí tuệ, tâm hồn… Và họ phải trả lời được câu hỏi: Mình mang tất cả năng lực đó để làm điều gì? Đó chắc chắn phải là sự bảo vệ con người, thiên nhiên, văn hóa; phải là sự chia sẻ với những nỗi niềm, khổ đau; phải là sự đấu tranh với cái xấu, cái ác, bảo vệ cái đẹp. Nếu rời bỏ lương tri nhà văn, nếu không tạo nên những giấc mơ đẹp thì những trang viết trở thành kẻ phản bội với bản chất văn chương vốn có. Hai cuộc hội thảo quan trọng mang tên “Vì sao chúng ta viết?” sẽ là diễn đàn phản ánh tiếng nói, tuyên ngôn của người viết văn trẻ trong thời đại hiện nay.
Mai Lữ
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/119-dai-bieu-du-hoi-nghi-nhung-nguoi-viet-van-tre-toan-quoc-lan-thu-10-a4885.html