Theo đại biểu, 2 năm qua, thế giới trải qua sự hoành hành của đại dịch COVID – 19. Đất nước ta cũng phải gồng mình chống dịch, trong đó đợt bùng phát lần thứ 4 đã gây ra những hậu quả và tác động nặng nề đối với mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, sức khỏe, tính mạng, đời sống nhân dân.
Trong bối cảnh khó khăn, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, các cấp, các ngành trong phòng chống dịch với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3 đến nay. Điều này cho thấy rõ hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, tạo được lòng tin và hứng khởi cho người dân, doanh nghiệp phục hồi phát triển kinh tế trong những quý tiếp theo.
Những kết quả đạt được có sự đóng góp rất lớn của cả hệ thống chính trị và toàn thể cộng động doanh nghiệp và nhân dân mà trực tiếp nhất là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có lực lượng các cán bộ y tế.
Chúng ta luôn khắc ghi và trân trọng, đánh giá cao sự hy sinh, tận tụy của nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch trong thời gian qua dù phải đối mặt với các nguy cơ đe dọa sức khỏe và tính mạng trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19", đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.
Nhìn lại những thời điểm khó khăn nhất, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", ngành y tế đã huy động tất cả cán bộ ở mọi miền Tổ quốc tham gia chống dịch, hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trọng điểm với mục tiêu khống chế và dập dịch nhanh, giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh.
Các "chiến sĩ áo trắng đã xông vào tuyến lửa", quên mình hỗ trợ cộng đồng trong lúc nguy nan, thầm lặng gánh trên vai sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc là chữa bệnh cứu người. Họ không đòi hỏi gì về chế độ, sẵn sàng làm nhiệm vụ với tinh thần "ở đâu bệnh nhân cần, ở đó có nhân viên y tế".
Bác sĩ là người đóng vai trò quan trọng giúp người dân tin tưởng vào hệ thống y tế và chúng ta "không thể đong đếm hết những hy sinh, vất vả của các chiến binh áo trắng trên tuyến đầu chống dịch".
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, công tác phòng chống dịch cũng đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém, để xảy ra sai phạm liên quan đến việc đấu thầu, mua bán vật tư, sinh phẩm phòng chống dịch. Sự vi phạm xẩy ra trên diện khá rộng, từ cấp Trung ương đến các địa phương. Nhiều cán bộ ngành y đã bị điều tra, khởi tố, truy tố, bắt tạm giam… Đây là một sự thật rất đau lòng, gây phẫn nộ trong toàn xã hội.
Nhưng chúng ta phải nhìn nhận sự việc một các công tâm rằng những người vi phạm chỉ là những "con sâu làm bỏ rầu nồi canh" chứ không phải toàn bộ ngành y tế sai phạm, không phải toàn bộ hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương "có vấn đề".
Trong một nhà nước pháp quyền, mọi người phải tôn trọng hiến pháp và pháp luật. Những ai sai phạm, ai "nhúng chàm" phải được xem xét, xử lý nghiêm, bất kể người đó là ai, giữ cương vị gì. Mức độ sai phạm đến đâu thì xử lý nghiêm minh đến đó, không có ngoại lệ.
Tuy nhiên, việc xử lý những sai phạm phải rất khách quan, xem xét tất cả các yếu tố khách quan và chủ quan, động cơ phạm tội. Không vì xử lý vi phạm, sai phạm mà làm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động chung, gây tâm lý hoang mang, chán nản như phản ứng dây chuyền trong toàn hệ thống y tế. Việc xử lý sai phạm mà không phân định rạch ròi, tạo phản ứng dây chuyền thì trước hết ngành y tế sẽ chịu thiệt thòi, chất lượng công tác chăm sóc khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe y tế cho nhân dân sẽ bị ảnh hưởng.
Cùng với xử lý sai phạm, trong bối cảnh này, đại biểu cho rằng ngành y tế cần được sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn cả về vật chất lẫn tinh thần của của các cấp, các ngành, nhất là sự đãi ngộ về vật chất. Sự đãi ngộ mà các nhân viên y tế đang nhận được nhìn chung chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm và công việc vất vả của họ. Ngân sách Nhà nước chi cho ngành y tế còn hạn chế. Chế độ, phụ cấp chi trả cho các y, bác sĩ còn thấp. Trong đại dịch COVID-19, những bất cập liên quan đến số lượng, cơ cấu nhân lực của ngành y tế, chính sách đối với nhân viên y tế đã bộc lộ rõ nét.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cùng với những giải pháp tinh thần, ổn định tâm lý của cán bộ, hệ thống y tế sau những biến cố đã và đang diễn ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa những chính sách đãi ngộ, tôn vinh hợp lý đối với cán bộ y tế; quan tâm hoàn thiện về chế độ, chính sách, đảm bảo điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe và đãi ngộ xứng đáng đối với nhân viên ngành y tế; thu hút, đào tạo nguồn nhân lực y tế trong phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh; từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; kịp thời khen thưởng, động viên, khuyến khích những điển hình, tấm gương vượt khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, nghiên cứu và đề xuất rõ hơn các quy định về cơ chế tài chính y tế (mua sắm máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế, dụng cụ bảo hộ, thuốc điều trị, trả lương, phụ cấp cho nhân viên y tế,…) trong trường hợp ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm để các cán bộ, nhân viên y tế dễ dàng áp dụng, tránh được hành vi tiêu cực, phạm pháp luật ở cả khía cạnh vô ý hay cố ý.
Lê Sơn – Đình Hải (thực hiện)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/cung-voi-xu-ly-sai-pham-nganh-y-te-can-duoc-su-quan-tam-chia-se-nhieu-hon-a4838.html